Bài 2: Công chức trẻ tận tâm với công việc
Bài liên quan
Rèn luyện từ trên ghế nhà trường
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Quy Nhơn (Bình Định) nên ngay từ nhỏ, Trang đã biết tự lập và nỗ lực trong học tập. Năm 2016, cô gái tốt nghiệp Thủ khoa khoa Luật, trường Đại học Công đoàn và được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Năm 2017, Trang được tuyển dụng công chức (không qua thi tuyển) làm việc tại Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Ngay từ khi còn là sinh viên, Trang đã nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm nên đã tích cực làm thêm nhiều công việc khác nhau. Vì thế, cô gái nhanh thích ứng với môi trường làm việc ở một cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, Trang cũng gặp không ít khó khăn.
“Việc áp dụng Luật pháp trong xử lý công việc hằng ngày phải chính xác, cẩn thận. Khi đi học, mình có thể đưa ra quan điểm cá nhân nhưng trong công việc cần phải chính xác. Ban đầu, mình nghĩ chỉ cần nắm bắt và hiểu được quy định pháp luật là sẽ tiếp công dân một cách dễ dàng. Thế nhưng thực tế rất phức tạp, nhiều trường hợp, mình đã giải thích nhưng công dân vẫn không đồng ý. Khi đó, mình đã rất lúng túng” – Trang chia sẻ.
Trang phải định hướng lại cho bản thân, quan sát, học hỏi các anh chị đi trước để có thể làm việc tốt nhất. Dần dần cô gái trẻ nhận ra, công việc vất vả nhưng cũng khá thú vị. Người tiếp công dân không chỉ phải hiểu các quy định pháp luật mà còn cần có kỹ năng dân vận tốt. Mặt khác, số lượng và tính chất đơn thư ở Hà Nội khá phức tạp. Vì vậy, hàng ngày, Trang và các anh chị khác trong ban luôn phải làm việc cật lực để đảm bảo tiến độ xử lý đơn thư đúng thời hạn và chính xác với quy trình chặt chẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân.
Bùi Thị Hồng Trang |
Bộ phận tiếp công dân cũng đòi hỏi người thực hiện có khả năng chịu áp lực tốt. Bởi cán bộ tiếp công dân chính là người giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện theo quy định pháp luật. Công việc khó khăn, vất vả nên càng đòi hỏi những người trẻ như Trang phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là trong cách giao tiếp ứng xử. Quá trình làm việc cũng mang đến cho cô gái trẻ những niềm vui nho nhỏ.
Trang kể: “Mình vẫn còn nhớ thời gian mới về Ban Tiếp công dân thành phố, khi đó đã hết giờ làm việc, một cụ già ở Bà Vì (Hà Nội) vẫn còn nán lại để gặp cán bộ tiếp dân. Thấy vậy, mình đã mời vào và lắng nghe các ý kiến của cụ. Sau đó, mình hướng dẫn, giải thích cụ thể từng quy định để cụ thực hiện. Khi ra về cụ cứ nắm tay cảm ơn. Tuy là một việc rất nhỏ nhưng nó khiến mình cảm thấy rất vui. Mình đã giúp được người khác khi họ đang cần. Nếu mình không cố gắng một chút, hôm sau cụ già sẽ phải lại đến chờ đợi và xếp hàng trong khi nhà ở rất xa. Chỉ là hành động nhỏ nhưng nó cho mình ý thức, động lực để làm việc và cống hiến”.
Góp phần vào sự phát triển của thành phố
Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018 Trang đã được nhận giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, cô gái còn tham gia giúp việc cho Tổ công tác thực hiện hoạt động tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân và xử lý đơn thư trên địa bàn thành phố. Nội dung tập huấn gắn với các quy định đối với cán bộ tiếp dân như: trang phục, đầu tóc phải gọn gàng; tư thế, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã… Hoạt động này đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc xây dựng ảnh người cán bộ công chức, viên chức Thủ đô. Vì vậy, Trang đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Trăn trở về việc một số người dân phàn nàn về thái độ của cán bộ công chức, viên chức, Trang cho biết, trong cuộc sống, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ có những lời phàn nàn. Đặc biệt, việc tiếp công dân, thường xuyên tiếp xúc với những người dân cũng không thể tránh khỏi điều này. Tuy nhiên, với cô gái trẻ phàn nàn là một yếu tố để cán bộ tiếp công dân cố gắng hơn, giải quyết các đơn thư thấu tình, đạt lý.
“Bản thân mình cũng luôn ý thức rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ vừa học tập kỹ năng giao tiếp, ứng xử để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mình là công trẻ cũng là đoàn viên, thanh niên nên phải gương mẫu trong mọi hoạt động” – Trang chia sẻ.
Cũng theo Trang, Bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã được thành phố ban hành từ lâu. Tuy nhiên, để nó thực sự hiệu quả trước tiên phải tuyên truyền để mọi người hiểu nó, nội dung nào gắn liền với bản thân chúng ta trong cuộc sống hàng ngày nhất. Từ việc hiểu, mọi người sẽ tự có ý thức thực hiện các quy tắc qua các hành động, công việc.
Điều này cũng góp phần vào việc xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô và người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên ở bộ phận một cửa luôn xung kích, đi đầu giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp cũng sẽ góp phần cho Thủ đô trở thành điểm đến hấp dẫn.
Bài liên quan
Khơi dậy mạnh mẽ tình yêu Hà Nội
Tinh hoa Hà Nội rực rỡ bên Hồ Gươm
Phát huy giá trị danh hiệu "Thành phố vì hòa bình"
Lễ hội đường phố mừng 20 năm “Hà Nội - Thành phố Vì hoà bình”