Bài 2: “Đội quân” hàng rong, trà đá kiếm lợi từ không gian chung
>> Vỉa hè đâu của riêng ai
Bài 1: Vỉa hè trước cửa nhà là của mình?
Một dạo, sau khi lực lượng chức năng làm nghiêm túc và sát sao, vỉa hè Hà Nội đã thực sự được thông thoáng, đúng nghĩa với vỉa hè của một thành phố đẹp. Không chỉ có những con phố đi bộ vào cuối tuần, người Hà Nội, người ở xa về, khách du lịch nước ngoài đến có thể thoải mái dạo bộ khắp các con phố, trên những vỉa hè sạch đẹp, thoáng đãng và rợp bóng cây. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ một thời gian sau, một số người không chịu chuyển đổi tư duy và hình thức kinh doanh vẫn quay về với vỉa hè. Ban đầu, họ chỉ rón rén bày ra một vài cái bàn, cái ghế. Người này thấy người kia bán hàng được thì lại nối tiếp “chia ô” chiếm lĩnh vỉa hè. Cuối cùng, bây giờ, hầu khắp các vỉa hè Hà Nội, hàng quán mọc trở lại như nấm sau mưa.
Dọc đường Giải Phóng, rất nhiều quán trà đá, bánh khoai, bánh chưng rán, chim quay… chiếm cứ những góc ngồi cố định. Đặc biệt, ở ngã tư Đại Cồ Việt, Kim Liên, Giải Phóng, Lê Duẩn, chỗ đèn tín hiệu giao thông có đường sắt chạy qua, cứ chiều tối đến đêm khuya, hàng nước, hàng ăn vặt lại trải chiếu cho khách ngồi “chém gió” ngay trên những gờ phân cách. Xe cộ và tàu cứ rầm rập đi qua, khách cứ ngồi, thậm chí nằm ngả ngớn, dựa cả vào những thanh chắn đường của ngành đường sắt vừa nguy hiểm vừa buông tuồng, rất khó coi. Chẳng hiểu mát mẻ, thoáng đãng ở đâu hay là chính người bán hàng và cả khách vừa hít bụi vừa mang đến những hình ảnh lôi thôi, lếch thếch cho nơi mình đang sống.
Những điều phiền toái từ hàng quán bày bán tràn lan trên vỉa hè chắc hẳn ai cũng biết. Ngoài việc lấn chiếm, choán hết lối đi, rác thải từ những hàng quán này còn là mối bận tâm của khá nhiều người. Chị Ngọc (trú tại phường Bách Khoa) vẫn “hú hồn” khi nhớ về việc mình dẫm phải hạt táo ai đó vừa ném ra vỉa hè và mắc vào giày. Lúc đó chị bước xuống đường và dừng lại vì đèn đỏ, bị người đằng sau xô nhẹ, chiếc giày vướng hạt táo trơn trượt khiến chị lao đi, may chiếc ô tô phóng tới phanh kịp. Chị Minh (trú tại quận Thanh Xuân) lại kể về trường hợp ngượng chín mặt của mình. Hôm đó, chị hẹn khách hàng ở gần công ty nên đi bộ ra. Đúng lúc sau giờ trưa, mấy hàng ăn trên vỉa hè gần đó dội nước dọn dẹp nên chị phải đi lòng vòng tránh, khiến khách phải đợi. Điều tệ nhất là chị khiến cả chủ quán lẫn những người xung quanh khó chịu vì giày ướt mang theo những dấu chân bẩn vào quán và lê theo cả những mảnh giấy vụn trông như… vừa đi từ nhà vệ sinh ra. Còn chuyện vỏ hạt hướng dương, tàn thuốc lá, thức ăn thừa vương vãi ngập tràn vỉa hè thì là chuyện… thường ở huyện. Bởi vì vỉa hè là của chung nên những ai bị làm phiền chẳng có cách nào phản đối, đành chờ cơ quan chức năng mà cơ quan chức năng lại làm không xuể nổi.
Dẹp những người chiếm vỉa hè một cách cố định đã khó, dẹp những người bán hàng rong lấy vỉa hè bày sạp hàng lưu động lại càng khó hơn. Chiều nào dọc phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi… cũng có những người bán bún đậu, trứng vịt lộn, trứng ngải cứu… dạo qua. Cứ tiện đâu ngả quang gánh ra đấy, rồi rán nấu, bếp than, bếp dầu khét lẹt, dầu mỡ bắn tứ tung, ai đi qua cũng phải né tránh. Các bà bán hoa quả cũng “bạ đâu ngồi đấy”, gọt dứa, gọt củ đậu, củ mã thầy, mùa nào thức nấy, nhiều khi quảy gánh ra đi để lại cả đống vỏ ruồi nhặng bâu đầy khiến ai đi qua cũng phát kinh.
Phố Định Công Thượng, Định Công Hạ, trước các trường học buổi sáng thì các bà các cô bán bánh mì, xúc xích đứng “án ngữ” bán cho trẻ con đến trường khiến người đi đường phải vòng vèo mọi cách để thoát đám tắc. Cũng chỗ này, buổi chiều những người bán thịt xiên lại bắc bếp quạt than khói um để cho đám trẻ lót dạ khi đi học về. Phố Bùi Xương Trạch, Khương Trung và những chỗ gần chợ thì lại là “địa bàn” làm ăn của những cửa hàng hoa quả, hàng rau, dăm bảy phản thịt, vài lò lòng dồi ngan vịt nướng bốc hơi nóng, hơi mỡ và hương liệu ngùn ngụt. Các bà hàng xôi, cơm nắm muối vừng trên phố Nguyễn Chí Thanh có những điểm ngồi quen thuộc từ chục, thậm chí vài chục năm nay không đổi. Không phải tốn tiền mua hay thuê chỗ, lời lãi đâu bỏ túi cả nên người ta cứ mặc sức chiếm giữ vỉa hè làm của riêng là chuyện dễ hiểu.
|
(Còn nữa)