Bài 2: Khóc ròng bên các dự án “ma”
Công an tỉnh Bình Dương dẹp yên "ma trận", trả lại uy tín, sự bình yên cho thị trường bất động sản |
Nhiều khách hàng nuốt trái đắng
Trong danh sách các dự án bất động sản ở Bình Dương khiến cho nhà đầu tư điêu đứng có thể kể đến dự án nhà ở Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu làm chủ đầu tư được phê duyệt theo Quyết định 1192 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Dương. Dự án có tổng diện tích hơn 306.348m2.
Theo quy hoạch, dự án này gồm các công trình nhà liền kề, khu nhà ở xã hội, công trình giáo dục, thương mại dịch vụ, công trình giao thông, cấp thoát nước... với tổng quy mô dân số 5.021 đến 5.672 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, dù mới được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch 1/500 nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu đã tiến hành rao bán nền, ký hợp đồng nhận tiền đặt cọc của hàng trăm khách hàng.
Đầu tư vào dự án khu dân cư Nam Tân Uyên (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), hàng trăm khách hàng đã "ôm mặt khóc" |
Một dự án bất động sản khác cũng khiến hàng trăm khách hàng "ôm mặt khóc" là dự án khu dân cư Nam Tân Uyên (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), với khoảng 3.700 nền.
Đây là dự án do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án này mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, bằng hình thức "hợp đồng ủy quyền" cho đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Địa ốc Núi Hồng, nhiều khách hàng đã đóng tiền hơn một nửa trên một sản phẩm tại dự án.
Hay như đầu năm 2022, một nhóm người mua đất tại dự án khu đô thị Mỹ Phước 4 - khu B (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã đến trụ sở chủ đầu tư để đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đất mua đã 7 năm vẫn chưa có sổ khiến việc vay ngân hàng hay chuyển nhượng đều gặp khó khăn.
Lý giải về việc này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (chủ đầu tư dự án) cho rằng việc chậm trễ ra sổ cho khách hàng không phải từ nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp mà do ảnh hưởng của rất nhiều nguyên nhân khách quan, từ việc thay đổi quy hoạch về tuyến giao thông của địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án, đến thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư dẫn đến kéo dài thủ tục.
Hàng loạt công ty bị khởi tố
Với chiêu trò tự “vẽ” ra các dự án bất động sản khi chưa hoàn thiện pháp lý rồi quảng cáo rầm rộ, bán thu tiền của người dân, tới nay nhiều lãnh đạo công ty bị khởi tố.
Có thể kể đến các vụ điển hình như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ xây dựng đầu tư và phát triển địa ốc Bình Dương City land. Vụ án có 335 bị hại là khách hàng mua dự án "ma" của công ty với số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 137 tỷ đồng; Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát Bình Dương với 43 bị hại, số tiền chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng…
Lao đao khi đầu tư vào dự án của Công ty King Land, nhà đầu tư treo băng rôn yêu cầu công ty trả lại tiền theo hợp đồng |
Mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân có trụ sở tại số 30/13, khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 23/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lô Thị Loan (sinh năm 1979, giám đốc) cùng chồng là ông Châu Minh Sơn (sinh năm 1978, nơi thường trú số 30/13, khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân do có hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng đất nền, chiếm đoạt số tiền gần 130 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, đầu năm 2018, Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân do Lô Thị Loan làm Giám đốc đã lập dự án trên 13 thửa đất của người khác với tổng diện tích hơn 64.000m2 tọa lạc tại phường Chánh Phú Hòa, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Sau đó, Loan ký hợp đồng môi giới, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản, thu tiền của 2 doanh nghiệp với số tiền trên 100 tỷ đồng. Tiếp theo, Công ty Tường Hy Quân lập hồ sơ xin chủ trương thành lập Khu dân cư Chánh Phú Hòa và thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với chủ sử dụng 13 thửa đất trên.
Cụ thể, ngày 3/5/2018, Công ty Tường Hy Quân và Công ty Đất Việt đã ký hợp đồng môi giới độc quyền số 001/HĐMGĐQ giao cho Công ty Đất Việt thực hiện dịch vụ môi giới độc quyền bán bất động sản (đất nền) thuộc Dự án Chánh Phú Hòa với tổng số nền đất được giao là 300. Tổng giá trị chuyển nhượng của hợp đồng là 129 tỷ đồng.
Sau khi Công ty Tường Hy Quân ký hợp đồng phân phối cho Công ty Đất Việt, Công ty Đất Việt đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất nền, hợp đồng nguyên tắc góp vốn giá trị bất động sản hình thành trong tương lai, thỏa thuận đặt nền... cho các người dân.
Đến ngày 26/2/2019, Công ty Đất Việt đã bán 326 lô (vượt 26 lô so với số lô theo hợp đồng) và thu về số tiền hơn 140 tỷ đồng). Tính đến ngày 31/12/2019, Công ty Đất Việt đã bàn giao số tiền hơn 90 tỷ đồng) cho Công ty Tường Hy Quân.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận tố giác của 179 cá nhân và 2 doanh nghiệp có liên quan đến dự án khu nhà ở Chánh Phú Hòa. Tổng số tiền Công ty Đất Việt đã thu của 179 cá nhân và 2 doanh nghiệp vào khoảng 140 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Đất Việt, Công ty Tường Hy Quân còn ký bán cho 19 khách hàng 41 lô với tổng diện tích khoảng 3.485m2 (diện tích trung bình mỗi lô 85m2), đã thu tiền gần 27,5 tỷ đồng. Những nền này nằm ngoài 427 lô theo bản đồ phê duyệt tỷ lệ 1/500.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân do bà Lô Thị Loan làm Giám đốc, tuy nhiên, mọi hoạt động đều do ông Châu Minh Sơn (là chồng) trực tiếp điều hành. Số tiền thu được, Châu Minh Sơn trực tiếp quản lý và sử dụng.
Bà Lô Thị Loan cùng chồng là Châu Minh Sơn chỉ mới tiến hành làm thủ tục đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 10 thửa đất từ ông Nguyễn Thanh Long, chưa lập thủ tục chuyển nhượng về đất đai, thủ tục đầu tư khu dân cư nhưng đã vẽ dự án không có thật, ký hợp đồng môi giới độc quyền số 001/HĐMGĐQ với Công ty Đất Việt để chuyển nhượng cho người dân, chiếm đoạt số tiền là hơn 100 tỷ đồng; Đồng thời đã chuyển nhượng 3.485m2 (41 lô) cho 19 người dân, sau đó chuyển nhượng các thửa đất trên cho người khác chiếm đoạt số tiền gần 27,5 tỷ đồng. Hành vi của Lô Thị Loan và Châu Minh Sơn đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đại diện Công an tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2022, riêng lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp nhận 204 đơn thư liên quan đến lĩnh vực đất đai. Qua thanh lọc, 79 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai được Công an tỉnh thụ lý, điều tra, làm rõ. |
(Còn nữa)