Bài 2: Người lao động tự do chật vật xoay sở
Công nhân tự do chật vật xoay sở vì giá những mặt hàng thiết yếu tăng đồng loạt.
Bài liên quan
Đời sống khó khăn vì giá thực phẩm tăng vọt
Thắt lưng, buộc bụng
Trong giờ giải lao khi vừa kết thúc ca đêm, vấn đề được nhiều bạn công nhân trẻ bàn tán là giá cả thực phẩm tăng cao và bữa ăn hàng ngày phải tính toán, cân nhắc như thế nào. Từ 2 tháng nay, công nhân xa nhà phải cực kỳ thắt lưng, buộc bụng mới có tiền gửi về quê cho gia đình.
Tại nhiều chợ ở Hà Nội, cùng với thịt lợn, những món ăn “bình dân” như đậu phụ, rau, củ cũng lần lượt tăng giá. Thực phẩm leo thang khiến bữa ăn của công nhân ngày càng eo hẹp.
Buổi trưa, khi ở chợ đầu mối Đền Lừ bắt đầu thưa người mua bán, cũng là lúc bạn công nhân xây dựng 25 tuổi Nguyễn Đăng Khởi đi chợ nấu cơm cả ngày cho nhóm thợ 11 người. Kinh nghiệm của cậu là đi chợ muộn, người bán đang ế hàng mới dễ mặc cả.
Với những lao động chân tay ngày làm 10 tiếng như Khởi thì trước đây thịt lợn là lựa chọn tối ưu vì "rẻ và chắc bụng". Tuy nhiên trong những ngày "bão giá" hiện nay, túi tiền gửi về quê cho vợ con đứng trước nguy cơ bị co hẹp lại. “Không thể ăn ít đi được, đói, thiếu sức, làm sao kham nổi việc. Ba tuần trước, cả nhóm nhất trí góp thêm mỗi ngày 10.000 đồng để tôi đi chợ. Với số tiền 450.000 đồng, tôi mua 1,5 kg thịt lợn vai hết 300.000 đồng, 20 quả trứng vịt hết 60.000 đồng, thêm rau cải, cà chua và đậu phụ cho cả ngày. Phải mua thịt má, vai. Chỗ đấy rẻ, nhiều mỡ thì no lâu hơn” – Anh Khởi nói.
Tốt nghiệp THPT xong, Nguyễn Thu Huyền ở Cao Bằng phải đi tìm việc làm thêm để phụ giúp gia đình. Vì không được học hành cao nên cô gái phải làm công việc nấu ăn cho một nhóm công nhân tại khu chung cư Eurowindow River Park ở xã Đông Trù (Đông Anh). “Từ 2 tháng nay, giá thịt lợn và nhiều mặt hàng khác đều tăng cao khiến Huyền gặp không ít khó khăn trong việc đi chợ. Mỗi người chỉ ăn 25 nghìn đồng/1 bữa nhưng buộc phải đủ chất và no. Công nhân làm việc nặng nên ăn nhiều. Với số tiền này thì trước đây là đủ nhưng bây giờ thì thiếu hụt. Hiện nay tôi phải mua lòng, gan, cá, đậu thay vì thịt lợn, thịt gà… Trong thực đơn, một tuần chỉ được ăn thịt 2 lần. Nhiều người kêu ca nhưng biết làm sao được. Miễn là cơm nhiều đủ no bụng, còn thức ăn phải chấp nhận ít đi” – Huyền cho biết.
Muôn cách tiết kiệm
Khi giá thực phầm đồng loạt leo thang, nhiều bạn nghĩ cách tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu để vừa trang trải cuộc sống, vừa có tiền gửi về quê cho gia đình.
Bạn Nguyễn Văn Thành quê ở Thanh Hóa đang làm đường tại khu vực xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) cho biết: “Tôi làm công việc chân tay. Nhà thầu nào gọi thì đến làm. Thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Hiện nay giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng, tiền công thì vẫn giậm chân tại chỗ. Đã thế công việc phải phụ thuộc vào thời tiết, những hôm trời mưa cả tốp thợ lại nghỉ việc, không có lương. Bình thường gửi về cho gia đình khoảng 6 triệu đồng/1 tháng nhưng vài tuần nay, số tiền tích cóp để gửi về chẳng còn là bao”.
Thành nhẩm tính, để bù lại những ngày nghỉ việc, chàng trai trẻ phải xin làm thêm giờ, thậm chí là làm việc cả ngày lễ. “Tết dương lịch mọi người đều nghỉ thì tôi xin làm, tôi còn tăng ca cả ban đêm để kiếm thêm chút tiền gửi về quê” – chàng trai nói.
Việc làm không ổn định dẫn đến thu nhập bấp bênh đã khiến chị Nguyễn Thu Hương (quê Nghệ An), công nhân tại công trường xây nhà chung cư ở quận Long Biên gạt nước mắt gửi con nhỏ về quê cho ông bà chăm sóc. “Trước đây, trừ chi tiêu, hai vợ chồng tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi tháng. Hai tháng gần đây, giá cả sinh hoạt leo thang nên tháng nào "xào" hết tháng đó, thậm chí thiếu hụt. Học hành ở thành phố tốn kém, đã thế thuê nhà cũng đua nhau nhảy giá cùng với thực phẩm khiến sinh hoạt phí càng bị “đội” lên. Gửi con về quê là cách vợ chồng tôi tiết giảm chi phí sinh hoạt, chờ cho giá cả ổn định lại tôi tính toán sẽ đưa cháu lên đi học tiếp lớp mầm non” - chị Hương bộc bạch.
Nếu như trước đây, dẫn con đi siêu thị là niềm vui của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Ngọc Hưng và Trần Thị Ái vào cuối tuần. Mỗi lần đi như vậy, vợ chồng chị Ái thưởng cho con bữa gà rán, rồi mua sữa, mua đồ chơi. "Bây giờ cứ vào cuối tuần là con tôi đòi đi, tôi phải bảo bố bận đi làm. Vào siêu thị sợ con đòi ăn, đòi mua thì lấy tiền đâu ra” - chị Ái nói.
Chị Ái cho biết thêm, đêm qua chồng chị làm ca ba, sáng về ngủ bù đến trưa, ăn vội miếng cơm rồi lại tất tả khoác áo chạy ra đường để kiếm thêm vài cuốc xe grap.
Đồng lương công nhân, lao động tự do vốn eo hẹp, nay lại gặp cơn bão giá, nếu không làm thêm, chắt bóp chi tiêu thì không đủ cho cuộc sống gia đình. Nhiều công nhân trẻ đang cố gắng tiết kiệm bằng nhiều cách, kể cả cắt giảm bữa ăn hàng ngày.
(Còn nữa)