Bài 2: Những bữa ăn… không đáng có
Con trẻ cần những bữa ăn đủ đầy dưỡng chất để phát triển toàn diện. Ảnh minh họa.
Suất ăn chưa bằng nửa giá tiền
Một phụ huynh trường tiểu học cho biết, bữa ăn ở trường con của quá nghèo nàn. Cách đây vài hôm, anh vô tình vào trường và thấy suất ăn của con rất ít. Một thìa thịt băm, bốn miếng thịt gà bé bằng ngón tay cái và ít giá xào. “Tôi thực sự bất ngờ, ăn như thế thì trẻ làm sao đủ dinh dưỡng để có thể vươn cao tầm vóc Việt như chủ trương lớn của Chính phủ và ngành Giáo dục đưa ra”, vị phụ huynh này băn khoăn
Hình ảnh bữa ăn bán trú được phụ huynh cung cấp tại trường này thể hiện chỉ có một nhúm tép khô, 4 miếng thịt gà bé bằng ngón tay và rau su hào xào. Theo phân tích của một đầu bếp chuyên bếp ăn công nghiệp, trong hình ảnh suất ăn này, thịt gà công nghiệp khoảng 60 – 70gram tương đương khoảng 4.500 đồng, tép khô khoảng 10gram giá 1.500 đồng, rau 70gram bằng 1.000 đồng, nước canh 300 đồng, ngoài ra tính thêm chi phí khác khoảng 800 đồng. Bữa phụ lúc 14h cùng ngày là một hộp sữa giá 2.900 đồng. Như vậy, tổng giá trị suất ăn của học sinh cả hai bữa trong ngày khoảng 11.000 đồng.
Được biết, hiện tại phụ huynh trường này đang phải đóng tiền suất ăn bán trú cho con là 22.000 đồng mỗi ngày.
Tại một trường tiểu học khác, một phụ huynh đang đón con cũng phàn nàn, cứ đi học về là con kêu đói. “Có hôm, tôi đóng tiền cho con rồi vào lớp xem các con ăn uống như thế nào thì thấy thức ăn ít lắm. Đi học về hôm nào con cũng kêu đói. Tôi xót ruột lắm, toàn phải nhét thêm hộp sữa hoặc cái bánh để chiều cháu đói thì ăn. Nhà neo người, bố mẹ đều phải đi làm nên đành gửi con ăn bán trú chứ không có cách nào khác”, vị phụ huynh này cho biết.
Có thể nói, vấn đề khiến phụ huynh lo ngại hiện nay nhất chính là an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn sau cánh cổng trường. Bởi không phải trường nào cũng công khai mời phụ huynh giám sát và nếu có thì chỉ là ban đại diện.
“Phù phép” thực phẩm trôi nổi thành có nguồn gốc
Thực tế điều lo ngại của phụ huynh là có cơ sở, việc “phù phép” biến thực phẩm ngoài chợ thành thực phẩm sạch đã từng xảy ra. Vấn đề kiểm dịch của cơ quan chức năng cũng chưa nghiêm ngặt. Những đơn vị cung cấp thực phẩm bằng nhiều cách có thể “hô biến” thực phẩm ngoài chợ thành được cấp phép, cơ quan quản lý khó lòng phát hiện ra. Đơn vị cung cấp suất ăn sẵn thì có thể trà trộn thêm thực phẩm ngoài chợ để giá thành rẻ hơn. Chỉ khi xảy ra vấn đề liên quan đến điều tra sâu, cơ quan chức năng mới phát hiện ra.
Đại diện một công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho hệ thống bếp ăn công nghiệp và trường học cho biết, có hai cách để các cơ sở cung cấp thực phẩm “hô biến” những mặt hàng trôi nổi thành hàng có tem mác đàng hoàng: Thứ nhất, khi đã quen biết nhau, họ có thể mua hóa đơn để hợp lý hóa nguồn gốc thực phẩm. Thứ hai, họ vẫn ký hợp đồng nhưng chỉ lấy ít hàng chuẩn, còn lại là hàng giá rẻ bên ngoài. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, họ vẫn có đủ giấy tờ hợp lệ.
Trên thị trường có rất nhiều thực phẩm rẻ, công ty nấu ăn có thể đưa thêm vào để suất ăn rẻ hơn. Ví dụ như: Họ có thể lấy loại gà đông lạnh lâu năm với giá chỉ bằng một nửa giá bán trên thị trường; sườn lợn nếu lấy hàng đông lạnh, giá chỉ rẻ bằng 1/3 giá sườn thăn tươi…
Vấn nạn thực phẩm bẩn đang bằng mọi cách tuồn vào trường học, trong khi đó nhiều bệnh dịch đang có nguy cơ bùng phát khiến phụ huynh nào cũng lo lắng. Ở các trường học, nhất là khối tiểu học, hầu hết giáo viên và nhân viên không có chuyên môn về bếp ăn nên tất cả chỉ dựa vào cảm quan và cái tâm của doanh nghiệp cung cấp suất ăn.
Đối với định lượng và chất lượng bữa ăn, học sinh có ăn đủ không lại dựa vào cái tâm của người đứng đầu nhà trường. Bởi kiểm soát chất lượng và định lượng lại do nhà trường quản lý. Suất ăn có đầy đủ không, các con ăn no không, ăn ngon không? Chúng ta chỉ cần nhìn là biết. Tuy nhiên, không ít hiệu trưởng vì lợi trước mắt, vì “phần trăm” trên từng suất ăn mà quên đi chất lượng bữa ăn của học sinh mình. Được biết, mức trích hoa hồng chung hiện nay cho các hiệu trưởng là 10%, ngoài ra còn phải trích “phần trăm” và quà cáp từ trên xuống.
Có lẽ chính vì thế mà suất ăn bán trú của học sinh ngày càng teo tóp và cũng chính vì thế mà không ít doanh nghiệp phải tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm để có lãi. Doanh nghiệp càng lớn, chi phí càng nhiều và chất lượng bữa ăn cũng bị phụ huynh phàn nàn nhiều hơn…
Bộ GD&ĐT yêu cầu phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn học đường
Ngày 19/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp với sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị địa phương chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong nhà trường; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn; tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh; quan tâm hướng dẫn học sinh thực hiện các quy định về ATTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tuân thủ việc ăn, uống chín...
Các đơn vị chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
(Còn nữa)