Bài 2: Những sẻ chia thắp sáng tình người trong dịch bệnh
Có một Hà Nội ấm áp tình người trong cuộc chiến chống đại dịch |
Không để ai bị bỏ lại phía sau
“Cuộc chiến” này không của riêng ai vì mỗi người đều góp sức mình vào để từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Những người đi làm, những người nghỉ ở nhà hay những người không may mất việc, phải tạm dừng buôn bán mưu sinh cũng là do dịch bệnh gây nên. Vì thế, lúc này, hơn bất cứ thời điểm nào, cộng đồng đã phát huy sức mạnh của mình, cho thấy sự sẻ chia, đùm bọc sẽ giúp chúng ta cùng dìu dắt nhau vượt qua khó khăn, gian khổ.
Những ngày qua, câu chuyện về chị lao công Lê Thị Trâm (39 tuổi, tổ môi trường Đại Mỗ, chi nhánh Cầu Diễn, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) bị cướp xe máy vẫn được nhiều người ghi nhớ trong lòng. Trong lúc làm nhiệm vụ, vào rạng sáng, chị bị 4 đối tượng cướp chiếc xe máy, phương tiện di chuyển của mình. Đối với những người lao động nghèo, phương tiện này không chỉ để đi lại, đưa đón con mà còn là thứ để đi làm, mưu sinh. Mất xe, dịch bệnh, khó khăn lại càng khó khăn hơn, ai cũng biết, rơi vào trường hợp của chị chắc sẽ rất đau lòng.
Vì thế, sau khi bị cướp xe, chị Trâm được cán bộ công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đóng góp và mua tặng chị một chiếc xe khác đi lại. Ngoài ra chị Trâm cũng được các "mạnh thường quân" mua tặng thêm 4 chiếc xe máy nữa. Điều này cho thấy, cộng đồng hết sức quan tâm đến từng mảnh đời, từng thân phận.
Chị Trâm tặng lại những chiếc xe máy cho đồng nghiệp |
Bản thân chị Trâm cho biết chị rất bất ngờ và xúc động khi được nhiều người giúp đỡ như vậy. Khi nhận những tấm lòng của đồng bào, chị Trâm tâm sự: "Tới thời điểm hiện tại tôi được mọi người tặng 5 chiếc xe máy để đi lại, tuy nhiên thấy nhiều đồng nghiệp cũng khó khăn hơn nên tôi đã tặng cho 3 đồng nghiệp 3 chiếc xe máy.
Còn hai chiếc xe nữa tôi sẽ giữ lại một chiếc xe từ công an quận Nam Từ Liêm tặng, chiếc xe còn lại tôi đang xem xét ai khó khăn, chưa có phương tiện đi tôi sẽ tặng nốt".
Bên cạnh đó, mong muốn của chị Trâm là tìm được đối tượng cướp tài sản của chị để không có nạn nhân nào gặp phải trường hợp như mình cũng đã được thực hiện. Ngoài ra, chị cũng cho biết sẽ không nhận quà của mọi người gửi nữa vì chị thấy ngoài xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn với lí do: "Tôi may mắn vẫn còn công việc để làm. Nhiều người do ảnh hưởng của dịch bệnh còn đang thất nghiệp, họ còn khổ hơn mình. Giờ nếu "mạnh thường quân" nào tặng quà tôi sẽ không nhận nữa để nhường cho người khó khăn hơn".
Người Hà Nội là như thế, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, nhận được quà tặng lại nhớ ngay đến những người khó khăn hơn mình. Đó là tính nhân văn hết sức gần gũi và giản dị. Đó cũng là đạo lí làm người, biết san sẻ, yêu thương mà người Hà Nội đã duy trì suốt những năm tháng hình thành và phát triển của thành phố này. Bởi, đó cũng là lí do tại sao, trải qua nhiều biến thiên lịch sử như thế, vùng đất này vẫn vượt qua hết các khó khăn gian khổ, chiến tranh loạn lạc để ngày càng thấm đẫm văn hóa, ngày càng là Thủ đô của tinh thần, trí tuệ, văn hóa.
Cùng cất lên những bài ca tình người
Đọc những con số, chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều mảnh đời lao đao trong dịch bệnh. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 290 doanh nghiệp dừng hoạt động, 1.465 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động, 6.610 công nhân mất việc làm, 34.320 người thiếu việc làm.
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn với số tiền trên 30 tỷ đồng và vận động nguồn lực xã hội hóa được trên 84 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; Ủng hộ Quỹ Vắc xin cho công nhân, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh... Đặc biệt, sau 10 ngày triển khai thí điểm mô hình "Xe buýt siêu thị 0 đồng", Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức được 21 chuyến xe hỗ trợ cho 14.800 người lao động của 447 doanh nghiệp.
Nhiều hoàn cảnh khó khăn được phát thực phẩm miễn phí |
Trong khi đó, còn rất nhiều lao động tự do, người kinh doanh buôn bán, sinh viên… không kịp về quê, phải ở lại Hà Nội trong những ngày này. Không có nguồn thu, không thể nhận tiền và viện trợ từ người nhà chuyển lên, mỗi ngày trôi qua với họ là thêm nhiều áp lực về thực phẩm, tiền nhà trọ, điện nước…
Lúc này, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân, nghệ sĩ đứng ra lập các điểm phát nhu yếu phẩm miễn phí để ai cần thì đến lấy. Chấp hành quy định về phòng chống dịch, họ còn có thể phát tận nơi nếu người dân không đi lấy được. Biết bao gia đình được giúp đỡ, có được bữa cơm để ấm bụng, ấm lòng trong lúc khó khăn này.
Thử hỏi, nếu họ không được trợ giúp thì sẽ ra sao, tình hình dịch bệnh sẽ càng khiến lòng người thấp thỏm không yên. Mỗi chúng ta cũng có thể yên lòng được không nếu như ngoài kia, bên cạnh mình còn những người khó khăn, thiếu đói, không đủ bữa, không biết ngày mai ăn bằng gì?
Cả chính quyền và Nhân dân cùng chung sức, chung lòng, trợ giúp đồng bào mình, làm tốt những điều này cũng là để công tác an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự xã hội vì thế cũng đảm bảo theo. Có như thế lòng người mới vững vàng để cuộc chiến với dịch bệnh dù có cam go đến đâu chúng ta cũng không ngại khó ngại khổ, cùng nhau vượt qua.
Hoa khôi ảnh Hà Nội 2019 Vũ Thu Trà My phát thực phẩm miễn phí tại 47 Bát Đàn (Hà Nội) |
Nhà báo Ngô Bá Lục cho biết hơn tháng nay anh toàn đi làm từ thiện. Anh bảo, nghĩ mình no đủ mà có những người mì tôm không có ăn, xót xa lắm. Cứ có trường hợp nào khó khăn, anh lại đưa lên Facebook để kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Như trường hợp của chị Hương, anh viết: Đây là 3 đứa con chị Hương (ở quận Tây Hồ, Hà Nội). Cả 3 đứa bị bệnh máu khó đông (bệnh này phải chữa trị cực kỳ lâu dài), mỗi tháng hàng chục triệu đồng chữa bệnh. Chị Hương làm mẹ đơn thân, nuôi 3 con nhỏ.
Bản thân chị làm nghề rửa bát thuê, tối lại chạy xe ôm. Vì cả 3 đứa con bị bệnh nên chị đã bán hết đất đai nhà cửa để chữa bệnh nhưng không khỏi. Giờ dịch bệnh, chị không còn tiền ăn, có hôm được phát phiếu đi chợ mà chỉ có 20 ngàn ra mua được mấy mớ rau về tích trữ. Chiếc xe máy - phương tiện kiếm thêm buổi tối chị cũng đã phải bán đi được 4 triệu bạc để lấy tiền ăn, giờ cũng hết. Bố mẹ chị cũng phải đi ở thuê cùng chị vì đất đai nhà cửa đã bán hết chữa bệnh cho 3 cháu. Hiện tại, hoàn cảnh chị cực kỳ bi đát.
"Không có việc, đồng nghĩa với không tiền. Đã gần 2 tháng nay gia đình tôi chỉ ăn cơm trắng với rau. Có hôm trong nhà hết sạch tiền, gạo chỉ còn đúng 1 bơ, không đủ nấu cơm, tôi đành nấu cháo, cả nhà cùng ăn", chị Hương kể”.
Hoàn cảnh chị Hương đã được báo Phụ nữ Việt Nam đăng và chính quyền cũng có đến trợ giúp. Cùng với lời kêu gọi của anh Lục, một thời gian ngắn, bạn bè, nhà hảo tâm đã gửi về 153 triệu đồng. Số tiền này anh Lục chuyển cho chị Hương, đồng thời thống nhất dành toàn bộ 153 triệu này để phục vụ việc chữa bệnh cho 3 con của chị.
Như vậy, chỉ cần có tấm lòng, một lời kêu gọi, thêm việc nhiệt tình hỗ trợ, những mảnh đời đã có được chi phí để có cái ăn vượt qua khó khăn trước mắt, chữa bệnh về lâu dài. Mỗi người bớt đi một bữa ăn sáng, một vài món đồ cần mua, thế là những thân phận sẽ được cứu giúp.
Còn rất nhiều, rất nhiều những việc tử tế như thế khắp Hà Nội những ngày này, một miếng khi đói bằng một gói khi no, dù chúng ta thu nhập có bị sụt giảm nhưng lá lành đùm lá rách, ai cũng sẵn lòng giúp người khác để tình người vẫn ấm áp trong dịch bệnh, để chúng ta thêm hi vọng về những ngày mai tươi sáng.
(Còn nữa)
Cùng gia đình vượt "bão Covid-19" với bộ phim "Ngày mai bình yên" |
Dàn sao góp mặt trong đêm nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn" |
NSƯT Xuân Bắc liên tục bị "sốc" trong "Cuộc hẹn cuối tuần" |