Bài 2: Phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở bằng giải pháp kè li tâm
Ưu điểm của phương pháp kè li tâm là có thể chủ động thi công tại các vùng biển khác nhau, quá trình thi công dễ dàng, không cần san ủi tạo mặt bằng
Bài liên quan
Giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển hiệu quả từ đê trụ rỗng
Nhiều giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cấp bách đầu tư các dự án kè phòng chống sạt lở tại huyện Cần Giờ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp bàn giải pháp phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL
Triển khai nhiều giải pháp ứng phó
Ngay khi xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau (năm 2009), UBND tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp ứng phó, trong đó phương pháp được sử dụng nhiều là kè bằng rọ đá, đóng cọc tre, cừ tràm, cừ dừa... Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ sử dụng được một thời gian ngắn, hiệu quả không cao nên chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp mới.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) cho biết: Để bảo vệ bờ biển trước nguy cơ sạt lở, trước đây, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã nghĩ ra giải pháp kè bằng rọ đá khoảng 50 - 60m nhằm giảm sóng, giúp rừng ngập mặn ven biển phục hồi và tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ sử dụng được khoảng 3 năm, do kết cấu rọ được làm bằng sắt, thép nếu để ngập sâu trong môi trường nước biển sẽ đứt, vỡ rọ đá nên chi phí thi công rất tốn kém.
Ngay khi xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp ứng phó, trong đó phương pháp được sử dụng nhiều là kè bằng rọ đá |
Sau thời gian đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm phương pháp chống sạt lở bằng tường đá (đê đá). Ban đầu tỉnh chỉ thử nghiệm 300m, hiệu quả mang lại mặc dù chưa cao nhưng bước đầu cũng ngăn được sóng biển.
Chất lượng công trình vẫn đảm bảo, không có hiện tượng nứt vỡ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của các chuyên gia và đơn vị chức năng.
Sau hàng loạt các biện pháp được thi công chưa đem lại hiệu quả tối ưu, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã tiếp tục nghiên cứu và đưa vào ứng dụng phương pháp kè mới, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương là cây tràm để khắc phục tình trạng sạt lở ven biển.
Theo đó, tỉnh Cà Mau đã sử dụng thân cây tràm, bó thành bó to rồi đóng sâu xuống lòng biển, cách bờ khoảng 50m. Với đặc tính của cây tràm có thể chống chịu được môi trường nước mặn nên phương pháp này đã phát huy tốt hiệu quả ngăn ngừa sạt lở bờ biển và khôi phục rừng phòng hộ.
Phương án tối ưu
Nhận thấy có thể cải tiến phương pháp chống sạt lở bờ biển bằng cừ tràm để nâng cao hiệu quả sử dụng, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã quyết định thay thế bằng cọc li tâm và đá tảng.
Sau quá trình thử nghiệm, tỉnh quyết định sử dụng và nhân rộng mô hình kè li tâm. Đến nay toàn tỉnh đã kè được hơn 28km bờ biển. Trong năm 2020, tỉnh tiếp tục tiến hành kè thêm 22km ở cả vùng biển phía Đông và phía Tây.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) cho biết: Kè li tâm hay còn gọi kè ngầm tạo bãi, mang lại hiệu quả cao, có tác dụng vừa chống sạt lở đất chân đê vừa tạo bãi bồi cho rừng phòng hộ phát triển. Đây là loại kè kiên cố, được đánh giá phù hợp nhất trong các loại kè đã thử nghiệm.
Kè li tâm được thiết kế theo từng cấu kiện riêng lẻ với cọc dài khoảng hơn 6 - 8m, chiều rộng thân kè 2,6m |
Kè li tâm được thiết kế theo từng cấu kiện riêng lẻ gồm cọc li tâm dài khoảng 6 - 8m (cao trình đỉnh kè là 1,6m), chiều rộng thân kè là 2,6m, trong đó lọt lòng là 1,8m. Đường trục li tâm có chiều dài 7m, khoảng cách giữa hai cọc là 25cm. Kè li tâm được thi công lắp đặt dễ dàng tại các vùng biển, thời gian thi công khá nhanh chóng.
“Dựa trên tính năng hiệu quả của phương pháp sử dụng cừ tràm, trong thi công lắp đặt kè li tâm, chúng tôi vẫn sử dụng phên tràm thả xuống đáy để giảm giá thành và có độ lún cố định bằng nhau, sau đó mới đổ đá lên trên.
Phương pháp kè li tâm đã được các cơ quan chức năng, nhà khoa học đánh giá rất cao về hiệu quả sử dụng. Kè được thi công cách bờ biển từ 100 - 150m, sóng biển qua kè gần như bị triệt tiêu, không gây sạt lở.
Cùng với đó, phù sa lắng đọng khá nhanh, chỉ trong vòng hai năm là có thể trồng được rừng, giúp cho diện tích rừng phòng hộ ngày càng được mở rộng. Đồng thời, trên mặt đê kè có thể làm đường đi lại, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương”, ông Hạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hạnh, phương pháp kè li tâm hiện nay được đánh giá cao tại tỉnh Cà Mau vì có tính ứng dụng và hiệu quả đem lại khá lớn. Ưu điểm của phương pháp kè li tâm là có thể chủ động thi công tại các vùng biển khác nhau. Quá trình thi công dễ dàng, không cần san ủi tạo mặt bằng. Giá thành của phương pháp này hiện nay chỉ còn khoảng 28 triệu/m. Tiết kiệm hơn so với những phương pháp kè khác.
Phương pháp kè li tâm hiện nay được đánh giá cao tại tỉnh Cà Mau vì có tính ứng dụng và hiệu quả đem lại khá lớn |
Đáng nói, phương pháp kè li tâm có thể tái sử dụng để nâng cao hiệu quả ngăn chặn sạt lở ven biển và tiết kiệm chi phí. Cụ thể, theo ông Hạnh: “Sau khoảng 6 năm thi công, bãi bồi đã ổn định, rừng ngập mặn ven biển sẽ lan rộng tới sát mép kè. Chúng tôi có thể di dời cọc li tâm đến nơi khác (cách xa địa điểm cũ từ 80 - 100m).
Hiện nay, có rất nhiều đơn vị sản xuất cọc li tâm liên hệ với tỉnh để cung ứng vật tư. Tỉnh sẽ xem xét, lựa chọn những đơn vị có uy tín, chất lượng để hợp tác lâu dài. Do vậy, trước mắt sẽ không lo thiếu vật liệu để thi công”.
Để nâng cao hiệu quả, ngăn ngừa sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Cà Mau vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và áp dụng nhiều công trình khoa học để kè đắp bờ biển.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện nay tình trạng sạt lở bờ biển chưa ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, nếu không được ngăn chặn kịp thời và có những giải pháp hiệu quả thì sạt lở bờ biển sẽ gây nguy hại cho môi trường sinh thái, mất rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng... từ đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần chủ động nghiên cứu, nhân rộng các mô hình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
(Còn nữa)