Bài 2: Tràn lan chung cư mini “không lối thoát”: Thấp thỏm nỗi lo hoả hoạn
Hiểm họa cháy nổ tại chung cư mini: "Bịt lỗ hổng" pháp lý, tìm lối thoát cho dân |
Rùng mình nhà ở biến tướng
Theo tìm hiểu của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, những năm qua, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều tòa nhà như những bao diêm cao chót vót, diện tích các toà nhà này không lớn, được chia ra nhiều phòng bên trong để bán hoặc cho thuê, người dân thường gọi là "chung cư mini". Đặc điểm của loại hình chung cư này thường ở trong các ngõ nhỏ hẹp, xung quanh nhà dân vây kín cả 3 mặt, nhiều nhà mặt trước chỉ là ngõ đi rất nhỏ hẹp, hai xe máy tránh nhau cũng khó.
Chung cư mini ở các quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên… hay huyện Thanh Trì đều được chủ đầu tư xây dựng ở trong các ngõ nhỏ hẹp |
Nắm bắt nhu cầu thuê căn hộ của các sinh viên, người lao động thu nhập thấp…, nhiều tòa chung cư mini, nhà ống 6 tầng đã xuất hiện nhan nhản quanh khu vực các trường đại học hoặc nội thành Hà Nội. Để tối ưu hóa lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư sẽ lựa chọn xây chung cư mini, nhà ống trong ngõ hẻm, ô tô không thể di chuyển vào. Đồng thời, logia được thiết kế xây âm vào bên trong để tối đa hóa diện tích căn hộ. Do xây trong ngõ hẻm và liền kề với nhiều nhà cao tầng nên cửa sổ, ô thoáng hoặc logia đều được hàn bằng khung thép để đảm bảo an ninh trật tự. Điều này vô hình trung đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân khi có sự cố xảy ra từ bên trong.
Tại các con ngõ ở phường Khương Đình do gần nhiều trường đại học nơi đây dần trở thành "thủ phủ" của chung cư mini, nhà ống. Đi dọc các con ngõ này, không khó để bắt gặp biển cho thuê căn hộ trong chung cư mini có diện tích từ 20 - 35 m².
Có những ngôi nhà chỉ là nhà ống nhưng được thiết kế nhiều phòng nhỏ rồi bán mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Toàn bộ các căn trong ngôi nhà như thế này đều chung một sổ hồng. Vì điều kiện khó khăn nên nhiều người đành mua với giá 600 triệu đồng -700 triệu đồng để có nơi "chui ra chui vào" ổn định mà không phải đi thuê nhà. Nắm được nhu cầu lớn, nhiều chủ đầu tư đã mua đất xây dựng rồi bán. Để tận thu lợi nhuận, họ tìm mọi cách để xây được cao, nhiều tầng, nhiều phòng ở, bất chấp các quy định cũng như hậu quả có thể xảy ra.
Ban công được rào kín, cửa sổ chủ đầu tư cũng đã cho lắp chấn song kiên cố. Điều này để đảm bảo an toàn cho các gia đình có trẻ nhỏ, tuy nhiên lại gây nguy hiểm nếu không may xảy ra hỏa hoạn |
Cũng theo khảo sát của PV, các vật dụng, thiết bị báo cháy ở nhiều nhà chung cư mini đều rất sơ sài, chỉ trang bị một số bình chữa cháy, bảng tiêu lệnh… Các nhà chung cư này thường nằm trong ngõ sâu nếu xảy ra sự cố lực lượng chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn để lấy nước, triển khai phương tiện chữa cháy cứu hộ.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, đang ở chung cư mini trên địa bàn phường Láng Thượng chia sẻ: “Căn chung cư tôi ở trong ngõ nhỏ, mua về đây ở được 2 năm nhưng lúc nào cũng phập phồng lo lắng hoả hoạn. Chung cư nhỏ, người sống thì đông, ý thức phòng chống cháy nổ không phải ai cũng thực hiện tốt. Chung cư cũng chỉ có cầu thang bộ chặt hẹp là lối thoát hiểm duy nhất, khi xảy ra hoả hoạn thì chen nhau không chạy được. Lo lắng là vậy, nhưng để bán đi mua chỗ khác thì không đủ tiền mua nên đành sống trong sợ hãi”.
Cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm
Cách đây 3 năm, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các địa phương siết chặt quản lý nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ. Tuy nhiên, khi chưa có một chế tài cụ thể, vi phạm đã xảy ra và hậu quả lần này rất thương tâm. Trong khi đó, nhiều chung cư mini mới vẫn tiếp tục mọc lên.
Nhiều ngõ vào chung cư mini chỉ đủ cho 1-2 chiếc xe máy tránh nhau |
Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ cháy chung cư mini, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Ngay sau vụ cháy thương tâm ở chung cư mini tại quận Thanh Xuân, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini). Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini;
Các đơn vị kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC theo quy định của pháp luật; Yêu cầu, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại vi phạm về PCCC, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, báo cáo đề xuất giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục trước ngày 30/10/2023.
Trao đổi với PV TTTĐ việc thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tổng rà soát các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn, một số lãnh đạo các phường Văn Miếu, Thịnh Quang, Trung Liệt (quận Đống Đa) đều cho biết: Ngay sau khi nhận được văn bản hoả tốc của TP Hà Nội và chỉ đạo của lãnh đạo quận, các phường đã tổ chức họp, triển khai rà soát nhà ở cao tầng, cho thuê trọ để báo cáo. Qua đó, các phường cũng tuyên truyền, yêu cầu chủ cơ sở cho thuê trọ cùng người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về PCCC và CNCH.
Chung cư mini 9 tầng (số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, Thanh Xuân), bị cháy đêm 12/9 khiến nhiều người thương vong |
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), Luật Nhà ở sửa đổi có quy định về mô hình nhà chung cư mini thuộc sở hữu tư nhân.
Nhưng từ vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ thì để phát triển mô hình chung cư mini cần một loạt biện pháp quản lý đi kèm. Và chỉ những khu vực đủ điều kiện về diện tích, lối thoát nạn, môi trường và phù hợp với hạ tầng khu vực xung quanh mới cấp phép cho xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng chung cư mini.
Luật Nhà ở sửa đổi dành riêng một điều để quy định về nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân, theo đó với nhà chung cư cá nhân dưới 20 hộ và trên 20 hộ sinh sống phải tuân thủ các quy định khác nhau.
Vụ cháy chung cư mini nổi lên mấy vấn đề. Thứ nhất là cấp phép thiếu quản lý chất lượng và giám sát thực hiện. Thứ hai, quy hoạch đô thị chưa quy định cụ thể khu vực được cấp phép nhà chung cư mini bảo đảm kết nối thuận lợi giao thông, bảo đảm an toàn PCCC.
Quy hoạch đô thị chi tiết hiện nay chưa nói rõ khu vực nào cấm xây dựng chung cư mini, đây là lỗ hổng trong quản lý. Thứ ba, chính quyền địa phương chưa giám sát việc khai thác sử dụng chung cư mini.
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội bày tỏ, bên cạnh làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp phép, quản lý xây dựng sau cấp phép, quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý nghiêm các cá nhân để xảy ra sai phạm; thành phố cũng cần thực hiện rà soát toàn bộ chung cư mini trên địa bàn, đánh giá, phân loại các trường hợp đủ/không đủ tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy để kịp thời có phương án khắc phục.
(Còn nữa)
Kiểm tra 1 chung cư mini khác của bị can Nghiêm Quang Minh
Ngày 14/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cùng UBND và Công an phường Trung Liệt đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra khẩn cấp việc thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà số 58B-C ngõ 117 Thái Hà. Đây là một chung cư mini khác của bị can Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979 ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang bị Công an thành phố Hà Nội tạm giam để điều tra trong vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự. Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận, tòa nhà nằm trong ngõ 117 Thái Hà, xe chữa cháy không tiếp cận trực tiếp được công trình, chỉ có thể đỗ ở đầu ngõ trước lối vào tòa nhà (khoảng 100m).Tòa nhà không có đường giao thông nội bộ. Bên trong có 1 bể nước ngầm dưới sàn tầng 1, phục vụ sinh hoạt và hệ thống chữa cháy bằng nước của tòa nhà. Tại thời điểm kiểm tra, chưa kiểm tra thực tế được thể tích bể nước; xung quanh có thể tận dụng bể nước ngầm của các nhà dân khi cần thiết; cách tòa nhà khoảng 500m có các trụ nước chữa cháy thành phố trên mặt đường Thái Hà… Hạn chế, tồn tại chưa đảm bảo: Hệ thống chữa cháy của tòa nhà không hoạt động. Một số khu vực trong tòa nhà chưa được trang bị đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn. Tòa nhà chưa được trang bị các dụng cụ phá dỡ, bảo hộ chống khói. Tòa nhà có 1 lối thoát nạn trực tiếp ra mặt ngõ dân sinh; từ tầng 1 lên tầng tum bố trí 1 cầu thang bộ dạng hở; có lối thoát nạn khẩn cấp ra tum. Tòa nhà chưa có lối thoát nạn thứ 2 tại các tầng. Cầu thang, lối thoát nạn tại một số tầng có bố trí đồ dùng, vật dụng gây cản trở cầu thang bộ thoát nạn; không phát hiện hàn cắt tại các khu vực; tòa nhà không sử dụng hệ thống gas trung tâm. |