Bài 3: Biến vỉa hè thành bếp riêng - lợi mình, hại người
Cấm bán trà đá, hàng rong vỉa hè phòng dịch Covid-19: Nơi quyết liệt, chỗ lơ là |
Từ điều không làm được trong nhà thì mang ra ngoài đường…
Những ngày này, Hà Nội chìm trong giá rét. Trời lạnh tê tái với nhiệt độ giảm sâu, rét như cắt. Ai có việc phải đi ngoài đường thì nào khăn nào mũ nào áo lớp trong lớp ngoài trùm kín mít. Có người “xấu rét” còn phải mặc áo mưa bên ngoài cho khỏi ngấm lạnh.
Còn những người phải mưu sinh ngoài đường thì chọn cách sưởi ấm rất thuận lợi, không tốn kém nhiều mà lại có thể nhiều người cùng được hưởng. Đó là đốt sưởi. Củi gộc củi cành, gốc cây, gỗ tạp, bất cứ thứ gì thường ngày vứt chỏng chơ trong không gian đô thị vốn quen dùng bếp gas, bếp từ thì nay được mang ra tận dụng.
Đốt sưởi để xua tan cái lạnh mùa đông Hà Nội |
Nhóm lên một đống lửa, dăm ba người chụm lại hơ tay, hơ chân, có khi còn nướng khoai, nướng ngô, chuyện trò rôm rả. Đó là cánh xe ôm, người bán quán trà đá, hàng hoa quả, hàng giầy dép vỉa hè, người chờ việc lao động chân tay. Đôi khi cả bà nhôm đồng nát sắt vụn, bà bán hàng rong, người đi chợ về cũng ghé qua, hơ đôi bàn tay buốt cóng vì giá rét.
Có người cảm thấy thích thú khi nhìn thấy hình ảnh ngọn lửa nhảy nhót tỏa hơi ấm trên vỉa hè. Có người cũng cảm thấy được ấm áp đôi chút khi đi qua chỗ đốt sưởi này. Có người lại chạnh lòng nao nao nhớ khói bếp quê nhà khi năm sắp hết, Tết sắp đến. Ngọn lửa đốt từ củi trong bếp ấm từ lâu vắng mặt trong các ngôi nhà nay lại được “tái hiện” ngoài đường.
Kể ra thì bao nhiêu điều thơ mộng và cả sự thú vị vì hình ảnh củi lửa lâu nay thiếu vắng trong đời sống đô thị. Anh Nam (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) còn bày tỏ: “Mình đi đường đã rét co ro, chỉ mong lao nhanh về nhà huống chi người ta phải ngồi trần mình cả ngày đến tận đêm khuya ngoài trời như thế. Lạnh buốt thấu xương, ốm chứ chả đùa nên mình thông cảm”.
Đa phần mọi người cũng không có ý phản đối nên những đám đốt sưởi này vẫn rải rác tự phát khắp các đường to ngõ nhỏ ở Hà Nội. Tuy vậy, không phải là nó không gây nên những bất tiện. Chị Cúc (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể mình từng bị tàn tro của một đám đốt sưởi bắn vào, thủng mất mấy lỗ trên chiếc áo phao đắt tiền mới sắm, bực không để đâu cho hết mà chẳng biết bắt đền ai.
Trong khi đó, chị Liễu (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết: “Vào những lúc tan tầm, tắc đường, đám đốt sưởi này gây trở ngại không nhỏ vì diện tích đường đi bị thu hẹp lại, mọi người muốn lách lên thì lại va phải củi lửa và than nóng, thực sự kèm cả nguy hiểm. Không chen lên thì bị người sau giục, mà phóng lên chỉ sợ đạp phải lửa, than bắn vào gầm máy của xe, ái ngại lắm”.
Cũng có người phàn nàn về việc những người đốt sưởi nhiều khi cũng không có ý thức dập tắt đám lửa sau khi rời đi. “Có hôm tôi đi làm về khuya, gió thổi mạnh qua, đám đốt sưởi bùng lửa lên. Rất may gần đó không có vật gì dễ bắt cháy chứ không thì gây hỏa hoạn to”, anh Minh (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Đám đốt sưởi này nhiều khi nằm trên vỉa hè, gần bốt điện, gần nhà dân, trong điều kiện thời tiết khô hanh như thế này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ “bà hỏa” nổi giận. Bên cạnh đó, đây còn là hành vi chiếm dụng vỉa hè. Nên chăng những người mưu sinh ngoài trời trong giá rét cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để sưởi ấm chứ đừng để xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Bên cạnh đó, do cần ấm mà “sát lại gần nhau”, việc tụ tập đông đúc cũng là một điều tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 khi toàn quốc đang nỗ lực để duy trì trạng thái không có ca lây lan trong cộng đồng. Do đó, rét cần giữ ấm, cần nâng cao sức khỏe thì có nhiều cách chứ không nhất thiết phải chụm đầu vào nhau bên đống lửa trong những ngày đông giá này.
… đến những đám lửa, đám khói
Hà Nội ngày thường đã có nhiều hàng vịt quay, thịt xiên, bánh khoai bánh chuối, bún đậu quanh năm phả khói. Vào đông còn rất nhiều những đám lửa, đám than khác. Đó là của bà hàng ngô nướng, khoai nướng, gần đây là cả hàng hàu nướng.
Tất nhiên, vào lúc trời rét căm căm, chỉ cần đi qua mấy hàng này thôi cũng đã được hưởng chút hơi ấm rồi. Còn nếu có thời gian sà vào ăn một củ khoai hay nhấm nháp bắp ngô nướng thì cái lạnh giá cũng được xua đi khá nhiều. Mỗi mùa đông Hà Nội trôi qua đi như thế cũng thêm hương, thêm vị, thêm nhớ.
Hàng ngô, khoai nướng đa phần đều "tận dụng" vỉa hè |
Mặc dù vậy, vẫn phải nhắc tại, tất cả các hàng quán này đều là chiếm dụng vỉa hè, làm trái với những điều khuyến cáo trong bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Người bán hàng đã vậy, người mua hàng, ngồi ăn ở vỉa hè cũng là hành vi tiếp tay cho những sai trái đó. Đương nhiên, cả người bán và người mua đều đang có lối ứng xử không đúng mực với không gian chung của đô thị.
Vẫn biết rằng, việc bán ngô nướng, khoai nướng trên vỉa hè là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ nhưng vi phạm vẫn là vi phạm. Vỉa hè là của chung, là nơi mọi người cùng hưởng lợi chứ không phải của bất cứ cá nhân nào. Dù một hàng ngô hay hàng khoai nướng nhỏ thì cũng chiếm diện tích không ít trên lối đi dành cho người đi bộ. Vì thế, nếu gặp cản trở, người đi bộ chỉ có thể đi xuống lòng đường, vô cùng nguy hiểm.
Trong khi đó, những hàng quán này còn quạt khói mù mịt, chẳng ai muốn đi đường, đến nơi hẹn hò hay họp bàn công việc quan trọng mà ám mùi thịt xiên, vịt nướng, mùi ngô nướng hay bánh khoai, bánh chuối.
Điều quan trọng là, ai cũng cho rằng đó chỉ là những hàng quán nhỏ lẻ. Nếu không có những đợt ra quân dẹp vỉa hè thì hoạt động kinh doanh buôn bán này vẫn diễn ra hàng ngày. Thực chất, những “đám lửa, đám khói” nhỏ này nhen nhúm lâu ngày sẽ để lại tác hại cũng không kém phần đáng lo ngại.
Đầu tiên là sự chây ì về ý thức. Người bán cứ bán, người mua cứ mua, bất chấp mọi quy định, khuyến cáo. Kế nữa, người sau thấy người trước bán được cũng vác ghế ra chiếm một góc, thế là ngày càng nhiều người lấy vỉa hè làm chốn kinh doanh không mất tiền mua hay thuê địa điểm của mình.
Đó là chưa kể việc những nơi nướng ngô, khoai, thịt xiên, bánh chuối… như thế này cũng thải ra một số lượng rác không nhỏ mỗi ngày. Nếu người bán có ý thức dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ thì còn may, trong trường hợp người mua ăn tại chỗ xong vứt giấy lau, lõi ngô, vỏ khoai bừa bãi thì chẳng những làm bẩn môi trường xung quanh mà cũng mang đến nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu chẳng may ai đó có sẵn virus SARS-CoV-2 trong người.
Chính bởi vậy, mỗi người hãy tự ý thức làm sao để hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung. Đừng để vì những đám lửa nhỏ mà bùng lên những đám cháy lớn về ý thức và lối ứng xử kém văn minh nơi công cộng. Đó cũng chính là cách chúng ta bảo vệ mình và gìn giữ cho cả cộng đồng.
Bài 2: Tôn trọng không gian chung để phòng, chống dịch được tốt hơn |
Bài 1: Đừng đẩy cái bẩn sang người khác |