Bài 3: Cần giải pháp đồng bộ giải quyết "điệp khúc" ngập mùa mưa
Nhiều khu vực “trắng” hạ tầng thoát nước
Thống kê của lực lượng chức năng cho thấy trong tổng số 11 điểm ngập úng tại Thủ đô trong năm 2022 thì có đến 8 điểm ở lưu vực sông Tô Lịch, 3 điểm còn lại nằm ở lưu vực sông Nhuệ và sông Cầu Bây. Trong đó, khu vực lưu vực sông Tô Lịch với diện tích khoảng 77,5km2 bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân, hệ thống thoát nước hoạt động theo chế độ bơm cưỡng bức ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở, kết hợp với tự chảy ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt vào mùa mưa. Hệ thống thoát nước cơ bản được thực hiện theo quy hoạch nên phần nào đã giải quyết được tình trạng ngập úng với các trận mưa có cường độ dưới công suất thiết kế ( dưới 50mm/2 giờ - PV).
Người dân chịu nhiều "áp lực" khi mưa lớn ở Thủ đô |
Trong khi đó, đối với lưu vực sông Nhuệ - diện tích 110km2 gồm các khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì việc thoát nước chủ yếu bằng hình thức tự chảy kết hợp với bơm cưỡng bức rác các nguồn chính tiếp nhận của lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy. Khu vực này có các trục thoát nước chính là mương kênh tiêu Hà Nội, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, kênh Ba La, La Khê…
Những tuyến đường "đau khổ" của Thủ đô mùa nước về |
Song, đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch, hồ điều hòa lớn chưa được xây dựng, một số tuyến mương có chức năng tiêu thoát nước đô thị chưa được duy tu, duy trì theo tiêu chí thoát nước đô thị. Thực tế thì việc tiêu thoát nước ở đây hoàn toàn bằng hình thức tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ… Chính điều này dẫn đến tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên, kéo dài khi mưa lớn xảy ra trên diện rộng.
Cần những quyết sách mạnh tay
Liên quan đến tình trạng ngập úng tại Thủ đô, đặc biệt là khu vực phía Tây Hà Nội, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cho rằng, các đơn vị chức năng cần xem xét triển khai thực hiện những tuyến cống thoát nước hai bên Đại lộ Thăng Long, trạm bơm tiêu Đào Nguyên 25m3/s theo quy hoạch phân khu S3, đặc biệt là các công trình đầu mối như trạm bơm Nam Thăng Long, Ba Xã, Liên Mạc… cùng hệ thống các hồ điều hòa của lưu vực.
Ông Phan Hoài Minh, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội |
Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho rằng, cùng với việc phát triển hạ tầng thoát nước, đơn vị cũng kiến nghị TP chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng rà soát các tuyến mương nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (hiện không còn nhiệm vụ thoát nước nông nghiệp) sang Sở Xây dựng quản lý, duy trì phục vụ thoát nước đô thị.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Giảng viên cao cấp môn Cấp thoát nước, khoa Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Xây dựng cho biết, thời gian gần đây Hà Nội liên tục rơi vào tình trạng ngập úng là do thời tiết có những diễn biến phức tạp, với những trận mưa lớn kéo dài trên diện rộng.
GS. TS Trần Hiếu Nhuệ |
Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, ngoài việc thời tiết diễn biến phức tạp, khắc nghiệt… thì một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng kéo dài trên diện rộng đến từ việc hạ tầng thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Tây chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Từ đó, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội cần khẩn trương rà soát, kiểm tra, bổ sung ngay các dự án phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước. Cùng với quá trình này, Hà Nội phải hài hòa lợi ích giữa mương thoát nước và mương tưới tiêu nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước, hạn chế úng ngập.
Ngoài ra, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cũng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ngập úng, Hà Nội cần quyết liệt yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị quản lý khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị phải xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh thảm cỏ… Cùng với đó, là sử dụng các vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm, thu nước mưa để điều hòa không khí, tăng khả năng thấm nước mưa, bổ sung nguồn nước ngầm, hạn chế lượng nước xả tập trung vào hệ thống thoát nước gây quá tải hệ thống thoát nước đô thị.
Những năm gần đây, biến đổi khi hậu diễn biến ngày càng phức tạp; Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu hướng gia tăng; Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hàng năm, trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần từ 5 - 10%. Chính vì vậy, để Hà Nội từng bước thoát khỏi tình trạng “Cứ mưa lớn là ngập” thì cần phải đồng bộ các giải pháp một cách nhanh chóng. |