Bài 3: Cần một quyết tâm chính trị cao
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Bài 2: Trẻ hóa cán bộ, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc
Bài 1: Tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động
Không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy
Hiệu quả to lớn từ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã được khẳng định. Song về tổng thể, vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ này nói riêng, cũng như hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung, nhất là trong bối cảnh thành phố đang xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Bởi theo như dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị mà Hà Nội đang xây dựng và trình Trung ương thông qua, dù theo phương án nào thì vấn đề đặt ra là phải tiếp tục hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở, gắn với quy định rõ mối quan hệ giữa chính quyền cấp cơ sở với tổ chức cộng đồng dân cư.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn cũng như thôn, tổ dân phố là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, quá trình làm phải bám sát bối cảnh thành phố đang xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Do vậy, các thôn, tổ dân phố và xã, phường, thị trấn tới đây cũng phải thay đổi để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiêm nhiệm và khoán kinh phí hoạt động đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tăng cường đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý từ cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là bối cảnh đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, quá trình triển khai thực hiện Đề án số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy giai đoạn 2013-2015 Nghị quyết số 39, Nghị quyết số 18, 19 và triển khai thí điểm ở 5 quận, huyện, đã rút ra được những kinh nghiệm quý, là cơ sở để Ban Thường vụ Thành ủy rút kinh nghiệm, thực hiện trên toàn Đảng bộ.
Khẳng định mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, phụ vụ nhân dân tốt hơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các quận, huyện khi tiến hành sắp xếp, kiêm nhiệm, phải căn cứ vào quy định của Đảng, phù hợp với điều lệ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc sắp xếp, kiện toàn phải căn cứ vào đặc thù cơ sở, do vậy phải rà soát kỹ và nắm chắc tình hình, đặc biệt đối với việc kiện toàn các thôn, tổ dân phố, phải lưu ý đến các điều kiện tự nhiên, văn hóa, tôn giáo... Trường hợp vướng mắc phải báo cáo thành phố để xin ý kiến chỉ đạo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, công tác tư tưởng, xác định rõ vai trò trách nhiệm người đứng đầu; quá trình triển khai phải bài bản, khoa học, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tiến độ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn; rà soát kỹ, nắm chắc tình hình cơ sở, từ đó đưa ra các nguyên tắc chung, tiêu chí khung để thực hiện.
Việc triển khai sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách cũng phải gắn với kiện toàn thôn, tổ dân phố; quan tâm đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ dôi dư sau sắp xếp, kiêm nhiệm…
Hướng tới cộng đồng tự quản
Để giải bài toán cán bộ cấp cơ sở, về lâu dài, theo các chuyên gia nên hướng tới cộng đồng tự quản. TS Trần Thị Hương, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, truyền thống Việt Nam thời xưa ở thôn - xã tự tổ chức hoạt động. Họ có những đất ruộng công rồi tự khai thác hoặc cho thuê tạo nguồn quỹ riêng cho làng xã, không lấy tiền từ trên chi xuống. Một cộng đồng được hình thành trong một không gian sống, điều kiện văn hóa, xã hội chung sẽ có nhiều gắn kết. Còn nếu nhập lại một cách cơ học sẽ không hình thành cộng đồng.
Trên cơ sở đó, TS Trần Thị Hương đề xuất, ở cấp cơ sở như khu phố, tổ dân phố nên tổ chức theo hình thức cộng đồng tự quản, không nên hành chính hóa những cấp này. Trong “tổ dân phố tự quản” này, người dân tự họp nhau lại và tổ chức đời sống tự quản trong khu vực sinh sống. Trong đó cũng có thể có chức danh tổ trưởng, tổ phó nhưng do người dân tự bầu. Người dân muốn tổ chức đời sống và sử dụng các dịch vụ về an ninh, môi trường thì phải tự bỏ tiền ra đóng góp để hoạt động, không lấy từ ngân sách nhà nước. Còn nếu hiện nay vẫn muốn giữ mô hình tổ dân phố để giúp việc cho cấp trên thì cần phải cải cách, tinh gọn lại. Có thể nhập nhiều tổ dân phố lại để giảm chi phí cho bộ máy; Đồng thời, chọn người thạo việc, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc của cấp này.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Thanh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới không có tổ dân phố, nhưng trật tự an ninh, môi trường vẫn tốt. Việc duy trì số lượng lớn tổ dân phố, kéo theo đội ngũ người làm việc ở tổ dân phố như hiện nay sẽ rất tốn kém ngân sách, nhưng hiệu quả về mặt hành chính không cao.
Mặt khác, chính quyền hành chính hiện đã hướng đến quản trị minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các dữ liệu, các phương tiện truyền thông cũng đa dạng hơn nên vai trò tuyên truyền của tổ dân phố không còn nhiều như trước đây. Do vậy, về lâu dài nên tính toán xem chức năng, nhiệm vụ của các thôn, tổ dân phố để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm được một cấp hành chính.