Bài 3: Gia đình chớ buông lỏng, “nối giáo”, tiếp tay
Gia đình vẫn là nền tảng cốt lõi xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh
Bài liên quan
Hàng ngàn đầu sách hay, sách mới phục vụ độc giả tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020
Các bạn nhỏ hào hứng tham dự "Ngày hội của bé" tại Nhà hát Tuổi trẻ
Đừng đổ lỗi tại hoàn cảnh
Là thành phố lớn, Hà Nội có nhiều đặc trưng khác với các tỉnh thành trên cả nước. Đó là công chức, viên chức, người lao động thường bắt đầu công việc muộn hơn và ở lại công sở, nơi làm việc cả buổi trưa. Điều đó cũng có nghĩa, các bậc phụ huynh thường ra khỏi nhà buổi sáng và chỉ trở về nhà lúc chiều muộn.
Nếu như ở nông thôn, các gia đình thường về nhà ăn trưa nên cha mẹ có thể kết hợp tan giờ làm tạt qua trường đón con. Bên cạnh đó, với mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường, trẻ con ở các vùng nông thôn, ngoại tỉnh thường sẽ được ông bà, cô dì, chú bác hỗ trợ đưa đón. Với mật độ giao thông thưa thớt, nếu để các em tự đến trường bằng xe đạp, phụ huynh ở đây có thể yên tâm hơn nhiều.
Ở Hà Nội, đặc biệt là ở vùng nội đô, có rất nhiều lý do để học sinh “được” tự đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy đến trường. Chị Hoàng Kim (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mình bán hàng tạp hóa ngoài chợ. Hằng ngày chị đi từ sáng sớm cho đến 7, 8 giờ tối mới về. Mọi việc từ ăn uống, học hành, đi lại các con chị đều phải tự lo hết.
“Ban đầu anh cả chở em út đến trường bằng xe đạp. Khi cháu đầu vào cấp 3 tôi sắm cho cháu chiếc xe đạp điện. Hai đứa học lệch giờ nhau nên đứa tự đi xe đạp, đứa đi xe đạp điện đến trường. Không làm thế tô cũng chẳng có cách nào khác. Bố cháu làm công nhân xây dựng đi theo công trình cả tháng trời, tôi ở chợ lo kiếm ăn, ông bà nội ngoại không có, chả nhẽ không cho các cháu đi học”, chị Kim chia sẻ.
Chị Hiền Mai (ở Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ mình cũng không thực sự yên tâm cho con gái tự đi xe máy đến trường nhưng không còn cách nào khác. Bởi lẽ nhà chị trong ngõ ngách, ra bến xe buýt rất xa. Hơn nữa, cháu đang chuẩn bị thi đại học, hằng ngày phải luyện thi ở rất nhiều nơi, nếu cứ kẽo kẹt bắt xe buýt thì không kịp giờ vào lớp.
Nhà xa, không tiện đi xe buýt, không có người đưa đón là… 101 lý do để các gia đình “buộc” phải giao xe dù biết con mình có thể gặp nguy hiểm, chưa đủ tuổi sử dụng, chưa có bằng lái.
Đúng là ở Hà Nội nhịp sống hối hả, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông mưa gió rét căm căm, có khi mưa xuống là ngập ngõ phố, đi lại rất khó khăn. Khoảng cách giữa nhà và trường, các điểm học thêm, luyện thi của các con nhiều khi cũng khá xa nhưng rõ ràng bản thân chúng ta, những bậc phụ huynh ngày nay suốt những năm tháng sinh viên xưa kia vẫn có thể đạp xe đi học, đi làm, đảm bảo được giờ lên lớp.
Nếu cứ dựa vào hoàn cảnh mà quên đi thực tế rằng ngay cả người lớn, điều khiển xe máy lâu năm vẫn có thể gây tai nạn, gặp tai nạn như thường với các cuộc va quệt như cơm bữa hàng ngày. Trong khi đó, các con đang tuổi ăn học, tâm trí chưa thực sự tập trung, lái xe theo cảm xúc và cả sự sĩ diện thì nguy cơ mất an toàn rất cao.
Dù có trăm nghìn lý do nhưng giao xe máy cho con chưa đủ tuổi điều khiển chứng tỏ một điều cao nhất đấy là ý thức tôn trọng, thượng tôn pháp luật của cha mẹ đang bằng không. Khi cha mẹ đã không tuân thủ pháp luật thì đó là tấm gương xấu để các con “tội gì” mà không noi theo.
Việc này cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa thực sự quan tâm, lo lắng cho các con đến tận cùng vấn đề, tìm ra phương cách khắc phục hoàn cảnh nhà xa, con phải “chạy sô” học hành. Cũng bằng cách này, cha mẹ đang “nối giáo cho giặc”, tiếp tay cho các hành động không tuân thủ luật pháp của con.
Được bố mẹ cho phép và cung cấp phương tiện, các con sẵn tuổi đang thích thể hiện “tội gì” mà không đi xe. Đó chính là sự dễ dãi, thiếu thống nhất từ trong gia đình để xã hội phải gánh chịu hậu quả.
Đừng để hối hận khi đã muộn
Anh Tuấn Dũng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều lần “than trời” vì “ông con” cứ xách xe máy đi suốt cả ngày. Đi đá bóng, đi học, sinh nhật bạn... cứ sểnh ra là đi, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Ngay cả đến bữa cơm cuối tuần có khi gọi chán chê con mới mò về cho cả nhà được nhìn thấy mặt.
Anh còn rất bức xúc, than thở: “Có phải mỗi chuyện đi suốt ngày, coi nhà như chỗ trọ không đâu. Nay nó ngã xước mặt, mai nó trầy đầu gối, ngày kia nó rạn xương tay… Đêm nào nó chưa về là tôi với bà xã mất ngủ đêm ấy. Tuy nhiên, bảo “thu hồi” chiếc xe thì đã quá muộn. Mua xe máy cho con từ năm vào lớp 11, giờ bảo nó đi học bằng xe đạp lúc nó đang ôn thi đại học thì đời nào nó chịu”.
Sau lần con ngồi sau xe máy bạn chở bị ngã gãy chân, chị Hải Anh (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhất quyết không cho con động vào xe máy hay xe đạp điện. “Tôi thuê bác “xe ôm” gần nhà hằng ngày đưa đón nó. Còn không chịu thì mời nó đi xe đạp”, chị bày tỏ sự cương quyết.
Không phải ai cũng đủ cứng rắn được như chị Hải Anh. Chị Thúy (ở Long Biên, Hà Nội) thì không dám nhờ ai đón con gái mình. “Quanh nhà tôi các bác xe ôm toàn là đàn ông. Tôi cũng muốn tìm bác gái nào đó về hưu nhờ đón con mà không ai nhận. Để đàn ông đưa đón con ngày hai buổi tôi không thể yên tâm. Rất nhiều sự việc xảy ra khiến mình không chủ quan được, đành phải để nó đi xe máy vậy”, chị Thúy nói.
Em Hoàng My (ở Mê Linh, Hà Nội) thì lại thích đi xe buýt đến trường. Bây giờ xe buýt rất tiện lợi, chạy khắp Hà Nội. Dù em ở làng và nhà cũng cách xa trường gần chục cây số nhưng hàng ngày em vẫn đi bộ ra bến xe buýt. My bảo có hôm nguyên cả chuyến xe toàn các bạn cùng trường.
“Bọn em vừa chuyện trò, ôn bài, tán gẫu, ăn sáng hoặc tranh thủ ngủ thêm một chút, vui lắm ạ. Sắp tốt nghiệp cấp 3 rồi, em còn tiếc vì không được đi xe buýt đến trường nữa. Tất nhiên, cũng bất tiện, phải dậy sớm hơn một chút nhưng em khắc phục được. Có hôm mưa bão đi từ nhà ra bến xe ướt hết người nhưng em chủ động mang theo quần áo đến trường thay nên chẳng vấn đề gì. So với đi xe đạp thì tiện lợi hơn nhiều”, Hoàng My vui vẻ tâm sự.
Như vậy, có trăm nghìn lý do và rất nhiều cách để học sinh đến trường bằng các phương tiện khác nhau và cũng có đủ cách để khắc phục nếu chúng ta chủ động thích nghi. Để các học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn tràn lan, tham gia giao thông với nhiều hành vi vi phạm luật pháp, không có ý thức, thiếu văn hóa như hiện nay thì phần lớn trách nhiệm từ gia đình.
Bởi lẽ, giao xe cho con cũng từ gia đình, tiếp tay cho con vi phạm pháp luật cũng từ gia đình. Không dạy con những kiến thức, hành vi tối thiếu về văn hóa giao thông cũng chính từ các bậc phụ huynh.
(Còn nữa)