Bữa trưa miễn phí cho học sinh: Chủ trương đúng, lợi ích dài lâu
Bữa trưa bán trú “ngon hơn mẹ nấu” của học sinh Hà Nội Chuẩn hóa thực đơn để trò hứng thú với bữa ăn bán trú |
Chủ trương nhân văn, hợp lòng dân
Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở, Hà Nội có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh song song với việc miễn học phí và có thể triển khai từ năm học 2025 - 2026.
![]() |
Bữa ăn bán trú sạch sẽ, đầy đặn khiến học sinh cảm thấy ngon miếng khi ăn tại trường |
Tổng Bí thư cho biết vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn tổ chức học hai buổi mỗi ngày đối với học sinh tiểu học và THCS. Chính sách miễn phí bữa trưa tại trường sẽ giúp phụ huynh giảm áp lực đưa, đón con giữa buổi.
Theo Tổng Bí thư, nếu Hà Nội thực hiện được bữa trưa miễn phí cho học sinh thì có thể xem xét nhân rộng ra cả nước. Gợi ý này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cử tri và người dân, nhất là với các gia đình công nhân, lao động phổ thông, hộ nghèo, chính sách.
Hà Nội hiện có khoảng 1,2 triệu học sinh bậc tiểu học và THCS. Nếu mỗi suất ăn trị giá khoảng 30.000 đồng, tổng kinh phí thực hiện chính sách này sẽ là con số không nhỏ. Tuy nhiên, với nguồn thu ngân sách cao top đầu cả nước, Hà Nội được cho là địa phương có đủ tiềm lực để tiên phong triển khai.
Đề xuất, gợi mở của Tổng Bí thư chạm tới mối quan tâm “sát sườn” của người dân, nhất là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, trong khi nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư vẫn còn rất khó khăn.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, phần lớn học sinh tiểu học đều ăn bán trú tại trường. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hà Đông cho biết, chi phí cho một bữa trưa bán trú của học sinh có giá dao động từ 30 - 35 nghìn đồng. Như vậy, mỗi tháng, chi phí cho bữa trưa của 1 học sinh dao động từ 720 - 840 nghìn đồng.
“Khoảng trên 100 học sinh của nhà trường không ăn bán trú, phần lớn trong số này là các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc nhà ngay sát trường, có ông bà, cha mẹ đưa đón buổi trưa”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Nếu sớm được đưa vào triển khai cùng với chính sách miễn học phí, bữa trưa miễn phí sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và người được hưởng lợi chính là học sinh, phụ huynh. Trẻ đến trường được ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh, từ đó có thể tập trung học tập, rèn luyện cả ngày. Phụ huynh cũng yên tâm khi cho con tới trường học tập.
Từ thực tế tại cơ sở, bà Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Trường có tổ chức bán trú nhưng chỉ có khoảng 50 học sinh trên tổng số hơn 250 em được ăn tại trường. Mặc dù chi phí bữa ăn bán trú chưa đến 30 nghìn đồng nhưng nhiều gia đình vẫn chọn phương án đón con về buổi trưa để tiết kiệm chi phí.
"Nam Phương Tiến là xã nghèo, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Nếu Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai được chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí thì đây là sự chăm lo thiết thực cho học sinh và phụ huynh. Không chỉ giúp các em đảm bảo sức khỏe, học tập tốt hơn mà phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em ở trường", bà Hoa nói.
![]() |
Học sinh trường Tiểu học Thăng Long ăn bán trú (Ảnh: Thanh Tùng) |
Ủng hộ chủ trương miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh, thầy Nguyễn Khánh Hoàn - giáo viên Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc này sẽ thúc đẩy các nhà trường tiến hành dạy học 2 buổi/ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại Hà Nội, đa phần học sinh tiểu học đều ăn bán trú do cha mẹ đi làm cả ngày nhưng sang đến cấp THCS, không nhiều trường duy trì được bán trú nên phụ huynh gặp khó khăn. Khoản ăn trưa hiện nay dao động khoảng 30 nghìn đồng mỗi ngày. Nếu được miễn phí sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các gia đình có hai con cùng đi học.
Cần đầu tư đồng bộ, lộ trình rõ ràng
Mặc dù mang tính nhân văn sâu sắc nhưng các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, chính sách này chỉ thực sự phát huy tác dụng khi có lộ trình rõ ràng và đầu tư đồng bộ về nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực. Để triển khai chương trình cần tính toán cụ thể để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Theo ông Nguyễn Phạm Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nếu triển khai bữa ăn miễn phí, nhà trường hoàn toàn có thể bởi đã đầy đủ cơ sở vật chất, có bếp ăn, căng tin. Tuy nhiên, nhà trường cần tính toán để đầu tư trang thiết bị bếp ăn đạt chuẩn, nhân sự tổ chức nấu ăn, chăm sóc học sinh.
![]() |
Học sinh Trường Tiểu học Phú Lãm, quận Hà Đông ăn bán trú |
Do đó, nhà trường mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đơn vị liên quan và cả sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh để có thể từng bước nâng cấp và mở rộng quy mô bán trú, hướng tới việc đảm bảo bữa ăn cho toàn bộ học sinh khi học 2 buổi/ngày.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc có được bữa ăn miễn phí cho học sinh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là về sức khỏe, các em được đảm bảo bữa ăn đầy đủ dưỡng chất sẽ phát triển tốt cả về thể lực và trí tuệ. Thứ hai là về tâm lý, học sinh sẽ yên tâm học tập suốt cả ngày, phụ huynh cũng bớt lo lắng hơn. Đặc biệt, với những em có hoàn cảnh khó khăn, bữa ăn trưa miễn phí sẽ là một sự hỗ trợ rất lớn.
Tuy nhiên khi triển khai, các trường cần tính toán cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những trường học vùng khó khăn, vùng sâu xa, khó để tìm những đơn vị cung cấp thực phẩm, việc tổ chức bữa ăn bán trú gặp trở ngại nhất định.
Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cũng cho rằng, để đảm bảo hiệu quả, nên ưu tiên triển khai trước tại các địa bàn khó khăn, trường học thiếu điều kiện bán trú. Bữa ăn miễn phí là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu triển khai vội vàng sẽ dẫn đến hình thức và không hiệu quả.
Mỗi ngày, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú. Nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn quan tâm đến việc đảm bảo bữa ăn học đường giúp học sinh có đủ sức khỏe học tập, tạo điều kiện phát triển thể lực và thể chất. “Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh theo gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm là chủ trương nhân văn. Hà Nội hoàn toàn có thể triển khai chủ trương này. Đầu tư cho bữa ăn học đường là đầu tư cho tương lai nhưng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương để đảm bảo bền vững”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Nhịp cầu giáo dục thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt - Nga

Quận Hai Bà Trưng xác minh thông tin giáo viên dạy thêm sai quy định

Cảnh báo thủ đoạn lôi kéo học sinh mở tài khoản ngân hàng

Cơ quan Giáo dục New Zealand tổ chức loạt hoạt động trải nghiệm mới mẻ dành cho học sinh sinh viên Việt Nam

10.000 người tham gia ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp Hà Nội

Tiểu học và THCS dạy 2 buổi/ngày, miễn học phí từ năm học tới

Trách nhiệm nhà giáo trên hành trình sẻ chia, nâng tầm giáo dục

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Giao gần 14.000 chỉ tiêu học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên
