Bài 3: Giải pháp nào tạo cú hích thấm đẫm "chất” thiết kế Hà Nội...
Trước yêu cầu, bối cảnh của thời đại mới, Hà Nội cần những giải pháp đột phá để tạo nên những cú hích cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Đổi mới tư duy, cách làm
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong từng chia sẻ, Hà Nội có bề dày văn hóa truyền thống hơn 1.000 năm cũng như hội đủ các thế mạnh nhưng muốn phát triển ngành công nghiệp văn hóa thì trước hết cần thay đổi suy nghĩ cho rằng văn hóa chỉ là lĩnh vực tiêu tiền. Ngược lại, nếu có cách làm sáng tạo, đây lại là lĩnh vực “hái ra tiền” cho kinh tế của Thủ đô.
Bàn về câu chuyện này, chuyên gia Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo cho biết ông đã thực hiện một khảo sát trên Facebook với 471 người trả lời, thì có đến 67,9% chưa hề biết rằng Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết “thành phố sáng tạo” là gì.
Như vậy, đã hơn hai năm Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo nhưng danh hiệu đó dường như mới được những người trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia tiến trình vận động quan tâm. Không ít người không rõ thông tin, thậm chí khái niệm “công nghiệp văn hóa” cũng chưa hiểu đúng.
Là Tổng đạo diễn của Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) - một thương hiệu văn hóa đặc trưng của Hà Nội những năm gần đây, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo vẫn đang được hiểu rất mơ hồ tại Việt Nam. Bởi vậy, việc đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn tới việc định hình, định nghĩa về công nghiệp văn hóa sai lệch và xây dựng kế hoạch thiếu tầm nhìn.
Vì vậy, theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, việc đầu tiên là cần thay đổi cách tư duy, xây dựng những tác phẩm ở bất cứ thể loại nào một cách nghiêm túc, có tầm nhìn, có đầu tư về mọi mặt. Cần một cái nhìn khách quan, hiểu biết và liên kết đến các nền công nghiệp văn hóa phát triển khác trong đánh giá hiện trạng về công nghiệp văn hóa và công nghệ sáng tạo của Hà Nội. Từ việc đánh giá khách quan về thực trạng và tiềm năng sẽ dẫn tới việc lựa chọn mô hình phát triển tập trung, tránh dài trải hay lãng phí ngân sách.
Thay đổi cơ chế đầu tư
Chỉ ra những thách thức của TP Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa - như rào cản chính sách, cơ chế phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả... PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, gợi mở một số chính sách, trong đó có việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học - công nghệ cho các ngành công nghiệp văn hóa; Tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa; Tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút nguồn vốn hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo; Triển khai quyết liệt chương trình hành động của TP Hà Nội đã cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, là một địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp, Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thành phố cần có các chính sách đột phá để tạo ra không gian sáng tạo, môi trường sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo.
PGS.TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định, Hà Nội đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản, nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng có một số điểm yếu, đó là các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, bản sắc, độc đáo xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế; Chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, cũng như chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý…
![]() |
Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng một thị trường công nghiệp văn hóa thực thụ, nơi có người bán, người mua, có cơ chế vận hành |
Theo PGS.TS Lê Thị Minh Lý, Hà Nội cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế; Xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, quyền,lợi ích của chủ thể văn hóa (cộng đồng), bình đẳng văn hóa và bản quyền.
Xây dựng thành phố là trung tâm thiết kế, sáng tạo
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo (VCE CLUB) thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội đang có hơn 100 trung tâm sáng tạo nhưng nằm tản mát, quy mô nhỏ, nếu không phải là người trong ngành thì không biết đến; Công chúng Hà Nội cũng không nhìn thấy, người nước ngoài, người từ tỉnh khác đến Hà Nội cũng không nhìn thấy…
Trong khi đó, Hà Nội nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, mà cụ thể trong lĩnh vực thiết kế. Vì vậy, chúng ta cần định hình, xây dựng hình ảnh một thành phố thiết kế thực sự, để mọi người nhìn thấy “chất” thiết kế của thành phố thấm đẫm trong các công trình lớn, tòa nhà, công trình công cộng hay những trung tâm sáng tạo, nơi tập trung các công ty thiết kế, sản phẩm thiết kế...
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần nhanh chóng thiết lập một thị trường thiết kế, một thị trường công nghiệp văn hóa thực thụ, nơi có người bán, người mua, có cơ chế vận hành và đặc biệt có “tòa án” về bản quyền, nơi thụ lý rất nhanh và đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời mọi sao chép, “ăn cắp” trí tuệ, chất xám trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế…
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo là lối đi gần như bắt buộc của Hà Nội để tạo ra giá trị thặng dư vượt trội gấp nhiều lần so với chi phí vốn bỏ ra. Do đó, thành phố càng nhanh chóng tạo tiền đề, tạo cơ hội để công nghiệp sáng tạo có thể phát triển càng sớm càng tốt.
Ông Thanh cho rằng, Hà Nội là tình yêu của rất nhiều bạn trẻ làm trong lĩnh vực sáng tạo. Họ có thái độ làm việc dấn thân để thực hiện ý tưởng sáng tạo, biến thành sản phẩm hiện thực, là tiền đề tốt cho phát triển thành phố sáng tạo. Do đó, thành phố cần có cái “tổ” nhiều lực hút họ lại. Thành phố chỉ việc reo men rồi tự nó sẽ nảy nở, phát triển thành nhiều sản phẩm hay, xây dựng đời sống nghệ thuật, đời sống sáng tạo...
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đọc sách - con đường hướng đến thành công

Tình yêu văn hóa truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ"

TP Hồ Chí Minh: Biển người mãn nhãn với màn trình diễn pháo hoa

Đại tiệc văn hóa, công nghệ chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam

Độc đáo bộ sưu tập áo dài "Sen Việt"

Dấu ấn thời gian tại những buổi triển lãm mừng đại lễ 30/4

Nghệ An hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025

Những chương trình đậm chất lịch sử - văn hóa - nhân văn

Hấp dẫn và bổ ích chuỗi hoạt động tại Phố Sách Hà Nội
