Bài 3: Giữ chắc mối đại đoàn kết toàn dân
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong thực hiện “nhiệm vụ kép” |
Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân
Sự vào cuộc, chi viện từ Hà Nội cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 có ý nghĩa rất to lớn. Bởi lẽ, Hà Nội là Thủ đô, là trái tim thiêng liêng của cả nước. Hà Nội tập trung nhiều nhân lực, vật lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm qua những làn sóng dịch bệnh trước. Với tất cả những điều kiện ấy, chắc chắn sẽ giúp ích được cho công cuộc chống dịch đang rất gay go tại nơi mình đến.
Bên cạnh đó, lực lượng hùng hậu giúp các tỉnh thành phía Nam “chiến đấu” với Covid-19 là thể hiện rõ nhất của lá cờ tiên phong phất lên để “nhất hô bá ứng”. Đội quân từ Hà Nội rầm rập ra đi, các tỉnh thành phía Bắc cũng “chung lửa” nhiệt tình, cùng sẻ chia trách nhiệm chống dịch, gửi các y bác sĩ, công an, quân đội vào “chiến trường”.
Đúng như PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, sau các cuộc chiến tranh giành hòa bình, thống nhất cả nước, có thể xem đây là cuộc ra quân rất lớn.
Trước đây, quân và dân ta chống lại kẻ thù xâm lược hiện hữu ngay trước mắt để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, còn hiện nay, Chính phủ xác định “chống dịch như chống giặc”, mà giặc ở đây lại là kẻ thù giấu mặt, vô hình, tấn công vào cộng đồng dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Với tình thế đó buộc phải hình thành thế trận chống dịch không chỉ có lực lượng y tế mà phải có sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an... cùng “hiệp đồng tác chiến” để sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.
Niềm quyết tâm cao của các y, bác sĩ Đại học Y Hà Nội trước khi lên đường |
Điều này còn chứng tỏ, “vòng tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam” như câu hát chúng ta từng ngân vang về tình đoàn kết gắn bó keo sơn như an hem một nhà giữa các tỉnh thành, địa phương trong cả nước.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hai miền Nam - Bắc là một thực thể thống nhất, khi một trong hai miền có khó khăn, cần sự giúp đỡ thì miền Nam hay miền Bắc chi viện bằng tất cả nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến những đoàn quân trùng trùng điệp điệp hành quân vào Nam chiến đấu, vào sự chi viện của “hậu phương lớn” cho “tiền tuyến lớn” cho ngày Bắc Nam một nhà thống nhất mấy chục năm về trước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến trường miền Nam diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt, còn miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa đóng vai trò hậu phương lớn để chi viện cho miền Nam. Cùng với đó là hàng triệu người con của miền Bắc vào miền Nam chiến đấu và hàng triệu tấn vật chất được đưa vào miền Nam để làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: “Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra chưa từng có tiền lệ và đợt thứ 4 bùng phát với tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp, một lần nữa Đảng, Nhà nước huy động lực lượng quân đội, công an vào phía Nam hỗ trợ chống dịch. Đây là một đợt ra quân chưa có tiền lệ và hy vọng với sự góp sức của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế ở miền Bắc sẽ cùng với các địa phương ở miền Nam cùng chung tay sớm ngăn chặn dịch bệnh”.
Khối đại đoàn kết toàn dân ấy chưa bao giờ ngừng kết nối và phát huy tác dụng bừng bừng khí thế trong cuộc chiến mà đất nước đang phải đối mặt.
“Sự quyết liệt và hữu ích của đoàn quân Nam tiến cho thấy Chính phủ quyết tâm dập dịch bằng những biện pháp quyết đoán, đúng đắn và hiệu quả. Sự hết lòng của những chiến sĩ trong thời bình này đã nhận được sự tin yêu, cảm phục của người dân TP Hồ Chí Minh, bước đầu đem đến những hiệu quả to lớn cho 15 ngày quyết định này. Dù khó khăn còn nhiều, dù mất mát có thể xảy ra nhưng chúng ta có niềm tin chắc chắn vào ngày chiến thắng, như lịch sử đất nước ta đã bao lần vượt qua với tinh thần đoàn kết Bắc Nam một nhà như thế này”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định.
Niềm hy vọng vào ngày mai tất thắng
Virus SARS-CoV-2 vẫn đang tấn công mạnh mẽ vào từng ngôi nhà, từng góc phố, từng gia đình của thành phố mang tên Bác. Ở nơi đông dân vào bậc nhất của Việt Nam này, việc giãn cách, đặc biệt là trong 15 ngày quyết định này, nhu cầu về nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh tại nhà là rất lớn.
Công việc này thực sự vất vả nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Hàng ngày qua báo chí, các kênh thông tin và mạng xã hội, ta thấy bao nhiêu hình ảnh khiến chúng ta rưng rưng xúc động, nghẹn ngào và tự hào vì những việc làm tốt đẹp này. Trong bộ đồ bảo hộ y tế nóng bức và bất tiện, các y, bác sĩ đi đến từng nhà khám bệnh, hướng dẫn người dân điều trị. Dưới trời nắng chang chang, bộ đội, công an xoay trần khuân vác bao nhiêu tải, bao nhiêu tấn lương thực, thực phẩm.
Nụ cười rất tươi và sức trẻ của đoàn Đại học Y Hà Nội như gửi trọn niềm tin vào ngày chiến thắng dịch bệnh không còn xa |
Được đào tạo để đánh trận, để trấn át tội phạm, giờ đây, họ đang làm những việc có thể mình chưa từng làm trước đó như lẩn mẩn tính toán tiền nong cộng đơn hàng, đi mua hàng và đi đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để giao hàng. Có những bà già bật khóc vì xúc động khi được bộ đội mang nhu yếu phẩm đến tận nơi trong những ngày tháng khó khăn này. Có những lời ca ngợi, những hình ảnh được sẻ chia lan truyền khắp mạng xã hội.
Tất cả những hành động, việc làm ấy đang viết nên một trang sử mới về lớp sinh viên, thanh niên, người Hà Nội trong đoàn binh “Nam tiến” để “đánh trận” giữa thời bình. Trong mặt trận không tiếng súng mà nguy hiểm, khốc liệt, gian khổ chẳng kém chiến trận khi xưa, dù khó khăn còn nhiều, dù mất mát có thể xảy ra nhưng chúng ta có niềm tin chắc chắn vào ngày chiến thắng, như lịch sử đất nước ta đã bao lần vượt qua với tinh thần đoàn kết Bắc Nam một nhà như thế này.
Chính vì thế, mảnh đất Thủ đô chắc chắn càng thêm tự hào vì truyền thống “lớp cha trước, lớp con sau”, cống hiến hết mình khi Tổ quốc gọi.
Bài 2: Tinh thần Hà Nội vì cả nước |
Bài 1: Khí thế lên đường góp phần chống dịch |