eMag azine
10/11/2024 07:00
Bài 3: Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

10/11/2024 07:00

TTTĐ - Triển khai Nghị quyết 18, nhiều giải pháp, mô hình thông minh, nhiều ứng dụng thiết thực đã được các quận, huyện, TP ra mắt, tạo điểm nhấn ấn tượng trong quá trình chuyển đổi số của Thủ đô.

Thông minh

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2023 (gọi tắt là Nghị quyết 18), nhiều giải pháp thông minh, mô hình hiệu quả, nhiều ứng dụng thiết thực đã được TP, các quận, huyện thực hiện, tạo điểm nhấn ấn tượng trong quá trình chuyển đổi số của Thủ đô.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, 3 trục mục tiêu “Hạ tầng số - Nền tảng số - Dữ liệu số” cùng 2 trục “An toàn thông tin và Phát triển dịch vụ” được TP thực hiện đồng bộ, bài bản, đảm bảo hiệu quả và thực chất, ứng dụng vào thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. TP đã có những lộ trình, bước đi phù hợp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số theo tinh thần của Nghị quyết 18. Trong quá trình ứng dụng công nghệ số, thành phố lựa chọn những vấn đề cấp thiết để tập trung giải quyết, đem lại lợi ích cho người dân.

Bởi vậy, kết quả chuyển đổi số của Hà Nội không chỉ thể hiện ở cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành mà còn ở những mô hình, ứng dụng hữu ích liên tiếp ra mắt.

Cụ thể như: Thành phố đã triển khai ứng dụng thẻ vé giao thông Hà Nội, sử dụng thẻ QR động cho vận tải hành khách công cộng, áp dụng đối với thẻ vé tháng 1 tuyến và liên tuyến và thẻ miễn phí sử dụng xe buýt. Thẻ vé ảo được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý, tiết kiệm chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để nhận thẻ vé tháng của khách hàng.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Thẻ vé xe buýt “ảo” đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới hệ thống giao thông thông minh và bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người dân Hà Nội

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt và thúc đẩy các hình thức “Thanh toán không dùng tiền mặt” trong nhiều lĩnh vực; các tuyến phố không dùng tiền mặt, chợ không dùng tiền mặt tại Thị xã Sơn Tây, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Long Biên, Chương Mỹ, Ba Vì được hình thành được người dân hưởng ứng tích cực.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến giữa tháng 8/2024, tổng số điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố đã đạt 99 điểm tại 8 quận, trong đó, Hoàn Kiếm có 49 điểm, Cầu Giấy 11 điểm, Nam Từ Liêm 10 điểm, Đống Đa 9 điểm...

Quá trình thí điểm đã ghi nhận nhiều kết quả khá tích cực. Các điểm, bãi trông giữ cơ bản hoạt động ổn định, người dân đều đồng tình ủng hộ bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế được tiêu cực, công khai minh bạch. Cùng với đó, mô hình này giúp tăng cường quản lý tại các bãi đỗ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, giảm ùn tắc giao thông...

Chị Đào Quỳnh Giang (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, việc thanh toán tiền gửi xe khá bất tiện, nhất là với xe máy, lúc nào chị cũng phải chuẩn bị tiền lẻ. Hiện việc thanh toán trực tuyến đã rất phổ biến, thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt mang đến cho người dân sự thuận tiện, cũng không sợ bị thu quá giá niêm yết. "Mức phí gửi 5.000 đồng/lượt rất hợp lý, trong khi trước đây, tôi phải gửi ở bãi tự phát phải trả 10.000 đồng/lượt. Việc thanh toán chuyển khoản có sẵn số tiền cũng tiện hơn”, chị Giang nói.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Chị Đào Quỳnh Giang thanh toán tiền gửi xe bằng cách quét mã QR

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên trông giữ xe ô tô ở Bãi đỗ xe Phủ Tây Hồ, nơi đầu tiên thí điểm thu phí xe không dùng tiền mặt cũng thừa nhận ưu điểm của việc áp dụng công nghệ trong thu phí xe không dùng tiền mặt là giảm bớt áp lực về nhân sự. “Ngày lễ, rằm, mùng 1, bãi đỗ xe có thể lên tới 800 xe, cần tới 8-10 người để phân luồng, hướng dẫn, kiểm soát việc đỗ xe nhưng từ khi áp dụng công nghệ thu phí không dùng tiền mặt, chỉ cần 5 người để trông giữ, điều phối xe ở bãi”, ông nói.

Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ chia sẻ: “Việc áp dụng thu phí xe không dùng tiền mặt góp phần không phát sinh bãi đỗ xe tự phát, việc gửi xe diễn ra nhanh chóng, không còn cảnh ùn tắc, xếp hàng giờ đồng hồ để gửi xe vào ngày lễ, hội khiến người dân và du khách đều thấy hài lòng. Hơn thế, điều này còn giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác, phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu quá giá, thu tiền không xuất chứng từ”.

Trong lĩnh vực giao thông, mới đây, Hà Nội cũng khai trương thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh (TOC). Đây là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, đồng thời là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” trong thời gian tới.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Đồng chí Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra việc triển khai việc không dùng tiền mặt trong trông giữ xe ở phủ Tây Hồ
Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Theo báo cáo của Sở TT&TT TP Hà Nội, về phát triển trụ cột kinh tế số, hiện TP có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với năm 2023. Hơn 90% các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh; Kê khai và nộp thuế điện tử tại Hà Nội đạt 99%.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Hội nghị Triển khai kế hoạch tăng cường công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế và Tập huấn cài đặt ứng dụng eTax Mobile tại phường Bồ Đề, quận Long Biên

Ông Nguyễn Tiến Minh - Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội cho biết, Cục Thuế Hà Nội là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử gắn với mã số thuế. Đơn vị đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế. Cục thuế TP Hà Nội đã tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ về việc đổi mới phương pháp quản lý thuế gắn với chuyển đổi số, trong đó một điểm nhấn là ứng dụng Etax Mobile, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế…

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đánh giá, Kế hoạch 310/KH-UBND về xây dựng các mô hình chuyển đổi số điển hình đã tạo một không khí thi đua, sáng tạo của các địa phương trên địa bàn thành phố với nhiều mô hình sáng kiến rất hiệu quả, tạo kết quả nhanh cho công tác chuyển đối số trong cả các hoạt động của cơ quan Nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Điển hình như mô hình “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt” đã được triển khai tại đa số các đơn vị (Long Biên, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên).

Mô hình “Chuyển đổi số trong trường học” như: Đăng ký sử dụng chữ ký số cho giáo viên; lưu trữ hồ sơ điện tử; thu học phí không dùng tiền mặt được một số đơn vị triển khai như: Long Biên, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên; Mô hình xã thông minh được huyện Đan Phượng triển khai tại xã Song Phượng, huyện Gia Lâm triển khai tại xã Dương Xá...

Có thể thấy, chuyển đổi số đã thực sự hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế của Thủ đô. Không chỉ đối với các doanh nghiệp, tiểu thương, người dân Hà Nội đã quen với việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán QR code trở thành thói quen trong chi tiêu hàng ngày của người dân. Không chỉ các cửa hàng lớn, phương thức thanh toán này còn được ưa chuộng ở cả chợ dân sinh hay các kiot bán hàng trong khu dân cư.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Mô hình "Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt", Tuyến phố 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt được nhân rộng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội

Dạo quanh các chợ dân sinh như chợ Yên Thường, Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp (Hà Nội) hay những chợ “Chợ 4.0 - chợ không dùng tiền mặt” ở Thượng Thanh (quận Long Biên), người mua có thể thấy bất cứ cửa hàng thời trang, hàng rau, hàng thịt nào cũng đều được trang bị QR code theo đủ hình thức như treo, dán, hay trang trí bắt mắt... Cảm nhận rõ sự tiện lợi, chị Nguyễn Thị Thoảng, tiểu thương ở chợ Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Khi thanh toán QR code, khách hàng chuyển khoản nhanh, không phải chờ đợi lâu, cả người bán lẫn người mua đều hài lòng vì thuận tiện”.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Điểm nhấn đáng chú nhất trong năm 2024 là sự ra đời và lan tỏa mạnh mẽ của siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHaNoi". Đến nay, iHanoi đã trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố.

iHaNoi được UBND TP. Hà Nội vận hành chính thức từ ngày 28/6/2024 với slogan “Chạm để kết nối”. Nền tảng ứng dụng này nhằm giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp chính quyền tại Hà Nội với các tính năng, tiện ích nổi bật như: Phản ánh hiện trường, cho phép người dân, doanh nghiệp gửi kiến nghị về các lĩnh vực về đời sống; về thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phản ánh khó khăn khi giải quyết TTHC; Đăng ký tiếp công dân, cho phép đăng ký lịch tiếp công dân trực tuyến; những tiện ích về đô thị thông minh, các thông tin về văn hóa, giáo dục, y tế, về quy hoạch, về môi trường cho người dân; tin tức cảnh báo giao thông, tội phạm, thiên tai hiển thị các ý tưởng, sáng kiến của người dân để góp ý, xây dựng Thủ đô; hỗ trợ giao tiếp trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Chia sẻ về việc trải nghiệm ứng dụng này, chị Đinh Ngọc Mai (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ngày 10/10, chị gửi phản ánh trên iHanoi về việc sau bão Yagi một tháng nhưng đoạn đường ở đường Hà Huy Tập thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm vẫn bị úng ngập sâu, gây cản trở giao thông, bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Ngay hôm sau, chị nhận được thông báo trên ứng dụng là phản ánh đã được chuyển đến BQL Dự án huyện Gia Lâm. Đúng ngày 19/10, chị nhận được thông báo tiếp theo là đơn vị phụ trách đã xử lý dứt điểm đoạn đường úng ngập trên.

“Tôi thật sự rất hài lòng về cách xử lý nhanh gọn, kịp thời của chính quyền huyện Gia Lâm và những tiện ích của iHanoi. Hàng ngày, đi làm qua tuyến đường trên, chứng kiến sự vào cuộc của BQL Dự án huyện để xử lý dứt điểm vấn đề được phản ánh, đoạn đường thông thoáng, nước bẩn đã thoát, giao thông thuận lợi, tôi thấy iHanoi thật hữu ích. Từ đây, tôi cũng cảm nhận được vai trò công dân của mình, thấy vui vì phản ánh của mình đã mang lại những đổi thay tích cực cho đường phố trở nên đẹp hơn”, chị Mai nói.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Những phản ánh của chị Đinh Ngọc Mai gửi lên iHanoi đã được chính quyền nhanh chóng kịp thời xử lý

Cùng cảm nhận trên, anh Nhật Huy (Hà Nội) chia sẻ trải nghiệm của mình với PV báo TTTĐ. Cụ thể, theo anh Huy, iHanoi kịp thời "cứu nguy" bức hoạ dài 12m vẽ Thủ đô trong những ngày tháng đáng nhớ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ngày 7/10, anh Nhật Huy đăng trong mục "Phản ánh hiện trường" trên ứng dụng iHanoi về việc bức tranh Panorama dài 12m với chủ đề Hà Nội: "Kháng chiến - Dựng xây - Đổi mới" (tại Quảng trường ẩm thực Đảo ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bị cản trở, che chắn tầm nhìn bởi những chiếc quạt điều hòa. Sự vô duyên này khiến các du khách và người dân không thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của bức tranh. Lo sợ hành động của mình có thể làm hỏng tác phẩm nghệ thuật nên anh Nhật Huy đành phải phản ánh sự việc thông qua ứng dụng iHanoi.

“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, iHanoi đã gửi phản ánh của người dân đến UBND phường Trúc Bạch. Cùng ngày, phường Trúc Bạch đã tiếp thu và yêu cầu đơn vị tổ chức sự kiện thu gọn các thiết bị gây cản trở, trả lại không gian trưng bày cho bức hoạ lớn để đáp ứng nhu cầu hoạt động, chiêm ngưỡng nghệ thuật của du khách, người dân trong dịp kỷ niệm trọng đại này”, anh Huy bày tỏ sự hài lòng.

Từ góc độ chính quyền, chia sẻ về iHanoi, ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm nhận xét: “iHanoi là một ứng dụng rất thông minh, dễ sử dụng, kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Phường Xuân Đỉnh có diện tích 3,5km2. Trên địa bàn phường có khoảng 30 tòa chung cư, địa bàn phân tán với 4 vạn dân. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ phường chỉ có 14 người, trong đó có cả lãnh đạo. Khối lượng công việc rất nhiều, nhiều yêu cầu, mong muốn của người dân cần được giải quyết. Thông qua iHanoi, chúng tôi đã kịp thời trả lời, đáp ứng nguyện vọng của người dân”.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm nhận xét về iHanoi
Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Theo số liệu từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, tính từ ngày 28/6 đến nay, ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHaNoi đã có trên 1,1 triệu tài khoản của người dân; hơn 9 triệu lượt người truy cập ứng dụng; đã tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị. Trong đó, các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố đã xử lý hơn 9.500 phản ánh, đạt gần 80%.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, từ tháng 10/2023, Hà Nội đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, xây dựng quy trình nghiệp vụ và lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm xây dựng nền tảng iHanoi. Ứng dụng đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền, cung cấp tiện ích cho người dân và tiếp nhận các sáng kiến đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Với tinh thần “thông suốt” và “sẵn sàng”, các quận, huyện, Ban, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của TP, từ người đứng đầu đã “vào cuộc”, quyết liệt chỉ đạo và tập trung, khai thác, quảng bá thế mạnh của địa phương để phát huy trên nền tảng số. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm, với ưu thế là trung tâm Thủ đô, nơi hội tụ và kết tinh những tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, quận đã ra mắt ứng dụng Ẩm thực Hoàn Kiếm trên hệ điều hành iOS và Android.

App được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ dàng thao tác ngay cả với những người không quen thuộc với công nghệ. Người dùng bất kể độ tuổi hay trình độ công nghệ đều có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả về các món ăn ngon, nhà hàng, giúp du khách thuận tiện trong việc lựa chọn, thưởng thức ẩm thực địa phương. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Hà Nội xây dựng một ứng dụng chuyên biệt để quảng bá ẩm thực, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, công nghiệp văn hoá trên địa bàn nói chung.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Chùa Bà Tấm ở huyện Gia Lâm gắn mã QR để du khách tiện tìm hiểu, tham quan.

Ngoài ra, các di tích tại Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… đã ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa (công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR…); phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ, như: Hệ thống hỗ trợ thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây, hệ thống tương tác trên điện thoại thông minh: Ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, nội dung trải nghiệm đa phương tiện; triển khai vé điện tử, góp phần thu hút và gia tăng trải nghiệm của du khách.

Trong năm 2024, quận Hai Bà Trưng là đơn vị đầu tiên của Hà Nội hoàn thành triển khai số hóa 360 độ cho toàn bộ điểm di tích có trên địa bàn quận. Trang https://haibatrung.hanoi.vietnaminfo.net được xây dựng với mục đích đẩy mạnh quảng bá du lịch văn hóa, giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn quận. Người xem có thể tìm thấy toàn bộ 51/51 di tích trên địa bàn quận được chia theo các cấp độ khác nhau và được hệ thống một cách khoa học, trải nghiệm “không gian tham quan ảo 360o” cùng với những hình ảnh 3D sinh động của các hiện vật lịch sử của di tích, tạo trải nghiệm trực quan và chân thực cho du khách.

Tại huyện Gia Lâm, công tác số hóa di tích cũng được triển khai khá hiệu quả. Ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm cho hay, hiện toàn huyện Gia Lâm đã kiểm kê hiện vật và số hóa các hiện vật tại 287 di tích trên địa bàn huyện. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cũng làm bảng giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa thông qua mã QR gắn tại 110 di tích có giới thiệu bằng chữ và thuyết minh tự động bằng 2 thứ tiếng (Tiếng Việt và Tiếng Anh) gắn với tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch. Trong đó, đáng chú ý, Hội Gióng ở đền Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được tư liệu hóa bằng hình ảnh, video, chữ viết, giúp khách thập phương và Nhân dân tiện tra cứu thông tin, tìm hiểu về di sản này khi về trảy hội.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội trải nghiệm quét mã QR, tìm hiểu di tích qua bản đồ số

Trong lĩnh vực quảng bá làng nghề, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế số, làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã xây dựng Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng, xây dựng mô hình AR/VR cho các di tích lịch sử, nhà thờ 13 dòng họ, các điểm tham quan như Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, con đường gốm, chùa Kim Trúc, đền Mẫu, đình làng Bát Tràng và Văn chỉ…

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho hay, mỗi năm, Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 20%. Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá làng nghề trong thời công nghệ số hiện nay, góp phần thu hút khách đến làng nghề đông hơn.

Không chỉ tại huyện Gia Lâm, quận Hai Bà Trưng mà tại Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đan Phượng, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai... công tác số hóa các di tích, nguồn gốc lễ hội, làng nghề cũng được triển khai tích cực với sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn viên, thanh niên, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích, đồng thời phát triển thế mạnh du lịch văn hóa.

Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 11/10/2024 về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Một điểm đáng chú ý trong Kế hoạch là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa, với mục tiêu là 100% di tích được số hóa vào năm 2025.

Với kế hoạch toàn diện và chi tiết này, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong chuyển đổi số không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội mà còn cả văn hóa, để văn hóa không chỉ là “tiêu tiền” mà còn tạo ra giá trị kinh tế, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, hình thành lối sống, văn hóa số.

Bài 3. Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực

Bài viết liên quan loạt bài "Nghị quyết 18 đột phá đưa Thủ đô vươn mình trong kỷ nguyên số":

Bài 1: Tư duy Thủ đô - Hành động Hà Nội Bài 2: Quyết liệt tháo gỡ "điểm nghẽn" thủ tục hành chính Bài 4: Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số Bài 5: Quyết tâm khơi thông điểm nghẽn, xứng tầm đô thị thông minh

Thực hiện: Nguyễn Thủy - Thành Trung

« Xem bài 2

Xem bài 4 »

Thái Sơn Phạm Thành