eMag azine
11/11/2024 07:00
Bài 4: Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

11/11/2024 07:00

TTTĐ - Chuyển đổi số đang hiện diện khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở Thủ đô. Để có được chuyển biến tích cực ấy, phải kể đến sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của những hạt nhân như Bí thư Chi bộ ở cơ sở, tổ trưởng Tổ dân phố hay những thủ lĩnh Đoàn tiên phong và đầy sáng tạo.

Chuyển đổi số

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

2 năm qua, ông Nguyễn Phi Ngọc, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7, phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã quen với việc tỉ mỉ chuẩn bị từng văn bản, báo cáo và đăng tải Nghị quyết, thông tin tới Chi bộ qua ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử trước mỗi cuộc họp Chi bộ. Sau cuộc họp, chỉ với vài thao tác lướt phím điện thoại, các đảng viên đã nắm được thông tin. Ông Ngọc bảo, chưa bao giờ các buổi sinh hoạt đảng lại diễn ra thuận lợi, hiệu quả như thế này với 81 đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ.

Khi mới tiếp cận phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, ông Ngọc không cảm thấy khó khăn vì trước giờ ông luôn tìm hiểu và cập nhật các kiến thức về công nghệ. Trái lại, nhiều đảng viên cao tuổi thì lo lắng. Mặc dù vậy, sau khi được ông Ngọc tập huấn, hướng dẫn thực hành, 100% đảng viên của Chi bộ đã cài đặt, sử dụng phần mềm và thao tác thành thạo.

Ông Ngọc kể: “Trước khi tiến hành sinh hoạt chi bộ, tôi gửi thông báo về thời gian, địa điểm và chương trình, nội dung, tài liệu của buổi sinh hoạt đến đảng viên qua ứng dụng. Việc này không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn, văn phòng phẩm mà các đảng viên có thời gian nghiên cứu tài liệu, từ đó tham gia ý kiến tại cuộc họp tập trung hơn, có chất lượng hơn. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt thường xuyên đạt từ 90 - 95%. Số ý kiến phát biểu thảo luận cũng tăng lên, nếu trước kia mỗi cuộc họp chỉ có 4,5 ý kiến, thì nay thường có từ 7 - 8 ý kiến".

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Ông Nguyễn Phi Ngọc, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7, phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội)

"Trước đây, cần tìm hiểu về nội dung gì, chúng tôi phải mò tìm tài liệu in hoặc hỏi xin của Đảng ủy phường rất mất công, tra Google thì nhiều rủi ro, không chắc chắn. Còn bây giờ, với mục “Trợ lý ảo” trong “Sổ tay đảng viên điện tử”, chúng tôi có thêm một "người đồng hành thông thái”, ông Ngọc vui vẻ nói.

Để những buổi sinh hoạt đảng tại Chi bộ diễn ra hiệu quả hơn, tại Nhà Văn hóa khu dân cư số 7 được trang bị thêm TV màn hình lớn và máy chiếu. Theo ông Ngọc, việc sử dụng nhiều hơn các thiết bị công nghệ và các ứng dụng như Sổ tay Đảng viên điện tử, Công dân Thủ đô (iHanoi) hay Công dân học tập… đang thực sự rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, giúp dân có thể tương tác, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng với chính quyền nhanh chóng hơn và ngược lại.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

Tại quận Đống Đa, việc triển khai phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử được thực hiện bài bản, khá linh hoạt. Trong đó, phường Phương Liên là một trong những đơn vị triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy phường Phương Liên Đào Thị Minh Hiền cho biết, nửa đầu năm 2023, khi lần đầu tiên phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” được triển khai tại Hà Nội, quận ủy Đống Đa đã tổ chức các lớp tập huấn cho các cơ sở Đảng trực thuộc, trong đó có Đảng bộ phường Phương Liên.

Ngay sau đó, Đảng ủy phường đã tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm đến cấp ủy các chi bộ trực thuộc, chỉ đạo lực lượng đoàn thanh niên phường tiến hành hỗ trợ cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng này trên điện thoại thông minh tại các buổi sinh hoạt chi bộ. Song song với đó, cấp ủy của phường cũng tuyên truyền việc cài đặt và sử dụng ứng dụng trên hệ thống thông tin hiện có của Đảng ủy phường như các trang, nhóm Zalo của các Chi bộ, trang thông tin điện tử của phường. Chỉ một thời gian ngắn, 100% các đảng viên tại Đảng bộ phường đã cài đặt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, hoàn thành đăng ký tài khoản.

Nhờ đó, các đảng viên tại Đảng bộ đã nắm bắt thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách, hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước trên phần mềm thông qua các các bài viết trên ứng dụng.

Từ Quý III/2023 đến nay, việc đăng ký lịch sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của các Chi bộ đã được đăng ký 100% trên phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” đem lại hiệu quả cao trong công tác tổ chức sinh hoạt chi bộ.

“Hiện tại, Đảng bộ phường Phương Liên có trên 860 đảng viên. Công tác chuyển đổi số tại phường được thực hiện đồng loạt, đồng bộ, có hiệu quả. Ngoài cài đặt phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” , các ứng dụng của các cơ quan đơn vị thuộc thành phố triển khai như “iHanoi”, “Hapulico”, “Báo cháy 114”… cũng đã được Đảng bộ phường quán triệt, triển khai tới toàn thể đảng viên trong toàn Đảng bộ tại các buổi sinh hoạt chi bộ và trang thông tin, Zalo”, bà Hiền cho biết thêm.

Để triển khai toàn diện và thành công ứng dụng này, Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, thanh niên trên địa bàn phường được coi là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Quận đoàn đã cử đoàn viên tham gia lớp tập huấn sử dụng phần mềm do Ban tổ chức Quận uỷ chủ trì. Tranh thủ lịch sinh hoạt chi bộ, đoàn viên, thanh niên xuống hỗ trợ trực tiếp cho các đảng viên, đặc biệt là các đảng viên cao tuổi và đảng viên không có thiết bị di động.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Lực lượng đoàn viên, thanh niên quận Đồng Đa hỗ trợ trực tiếp cho các đảng viên cao tuổi về sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử"

Ngoài ra, khi ứng dụng eTax Mobile và Công dân Thủ đô iHanoi được triển khai, tranh thủ từng lúc, lực lượng thanh niên địa bàn cũng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người", hướng dẫn người dân cài đặt, hỗ trợ tra cứu thông tin, tương tác, phổ biến lợi ích của các phần mềm này.

“Với iHanoi, ban đầu có nhiều người từ chối cài đặt, hoài nghi vì sợ bị đánh cắp thông tin; tuy nhiên với sự vận động nhiệt tình của thanh niên, nhiều người dân hiểu, ủng hộ và đồng thuận, tự nguyện tham gia cài đặt, tạo tài khoản. Khi thấy các kiến nghị của người dân qua iHanoi được các cấp chính quyền giải quyết kịp thời, nhiều người bảo nhau, người nọ lan tỏa cho người kia, tạo hiệu ứng nhanh chóng, rộng khắp", Bí thư Quận đoàn Đống Đa Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Có thể thấy, tinh thần chuyển đổi số ở Hà Nội lan rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ nhà ra ngõ. Điều này chứng tỏ, Nghị quyết 18 đã thực sự "bén rễ" và đi vào đời sống người dân. Nhà nhà, người người đều có điện thoại thông minh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream trên các nền tảng số. Có được điều này, một phần có sự tiên phong của "áo xanh tình nguyện" đã triển khai những chiến dịch ra quân hỗ trợ người dân.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Bí thư Huyện đoàn Thạch Thất, Phùng Thị Huyền chia sẻ: “Bám sát sự chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội, chúng tôi đã triển khai nhiều phong trào cách mạng của Đoàn, đặc biệt là các hoạt động quảng bá giá trị làng nghề truyền thống như tổ chức Phiên chợ điện tử giới thiệu sản phẩm OCOP, tập huấn hướng nghiệp cho thanh niên, chủ doanh nghiệp trẻ và đăng tải các sản phẩm làng nghề trên mạng xã hội,” chị Huyền chia sẻ.

Với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", không ngạc nhiên khi tại Lễ hội Đền chùa Bà Tấm năm 2024, Đoàn Thanh niên xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) tranh thủ livestream bán các sản phẩm OCOP của địa phương, tổ chức bán hàng tại “Chợ phiên điện tử”, bố trí gian hàng “Hướng đến nông thôn mới thông minh” để giới thiệu với du khách các sản phẩm như hành khô, tinh dầu, nghệ… của xã Dương Xá.

“Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các bạn đoàn viên, thanh niên đã bán được 27 triệu đồng (giá trung bình mỗi sản phẩm chỉ 50 - 100.000 đồng). Con số doanh thu tuy nhỏ nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả của việc tận dụng nền tảng số để quảng bá văn hóa, đặc sản của quê hương” - chị Lê Thị Thùy Dương, Bí thư Đoàn xã Dương Xá chia sẻ với PV.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

“Tổ dân phố Số”, “Thôn thông minh”, “Phường thông minh”, "Xã thông minh", “Nhà văn hóa thông minh”… là những mô hình mà nhiều quận, huyện ở TP Hà Nội đang triển khai vô cùng rõ nét, hiệu quả. Góp phần lan tỏa sâu rộng những mô hình này có dấu ấn quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng. Họ chính là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Tại quận Nam Từ Liêm, nơi thí điểm quản lý nhà trọ thông minh và kênh Zalo OA phường Phương Canh, Tổ Công nghệ số cộng đồng, đứng đầu là ông Tống Tô Nguyên, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 8 - được nhắc đến như một điển hình.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Phó chủ tịch UBND phường Phương Canh Nguyễn Thị Minh Thu cho hay, Phương Canh không có nhiều nghề phụ như những phường khác trên địa bàn nhưng có lợi thế là hai trường học (Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và trường Đại học Công nghệ Đông Á) đóng trên địa bàn, với số lượng sinh viên đông đảo.

Bên cạnh đó, phường nằm trong cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm nên nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân, người lao động rất lớn. Mô hình kinh doanh nhà trọ mang lại giá trị kinh tế chủ đạo cho người dân trên địa bàn, nhưng cũng phát sinh khó khăn trong quản lý dân cư. Vì vậy, phường Phương Canh đã thí điểm triển khai “Nền tảng nhà trọ chuyển đổi số”. Nền tảng này cung cấp cho mỗi nhà trọ một mã QR. Khách thuê có thể dễ dàng quét để khai báo đăng ký thuê phòng và trả phòng bằng cách quét QR code này, các thông tin khai báo sẽ tự động hiển thị trên phần mềm để chủ trọ có thể theo dõi và quản lý.

Ưu thế của nền tảng này là, thay vì ghi chép bằng tay theo cách truyền thống, thì giờ đây quá trình quản lý được tối ưu hóa, khách thuê dễ tìm nhà trọ phù hợp với nhu cầu, chủ trọ lại tiệ theo dõi tình trạng phòng trống, xem lịch sử thuê trọ, tạo hợp đồng cho thuê, tạo các khoản thanh toán định kỳ cho khách. Với nền tảng này, chủ trọ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể tải và sử dụng.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Phó chủ tịch UBND phường Phương Canh - bà Nguyễn Thị Minh Thu

Từ tháng 4/2024 đến nay, ngày ngày, ông Tống Tô Nguyên, Tổ tưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng TDP số 8 vẫn miệt mài "đi từ ngõ, gõ từng nhà" để vận động các chủ trọ dùng ứng dụng này.

Ông kể lại: “Lúc đầu, nhiều người dân cũng e ngại vì họ đã quen với cách làm truyền thống. Chúng tôi phải vận động, tuyên truyền, thuyết phục để họ thấy được lợi ích của nền tảng quản lý nhà trọ thông minh này. Đến nay, toàn bộ chủ trọ, người thuê trọ đã cài đặt phần mềm, khai báo thông tin cư trú, từ đó, an ninh trật tự trên địa bàn phường được đảm bảo an toàn hơn, giúp người đến thuê trọ an tâm hơn khi lựa chọn nhà trọ và cũng nâng cao được giá trị nhà trọ trên địa bàn phường”.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

Bên cạnh mô hình quản lý nhà trọ thông minh, phường Phương Canh còn tập trung xây dựng kênh Zalo OA.

“Riêng kênh này đã có hơn 12.000 theo dõi và tương tác của người dân. UBND Phường cũng đã ban hành quy trình phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với từng cán bộ có trách nhiệm trả lời từng kiến nghị, đề xuất của người dân phản ánh qua kênh Zalo OA. 100% các phản ánh, khiếu nại qua kênh đều được cán bộ phường trả lời và giải quyết ngay lập tức. Điều này đã góp phần hiệu quả trong việc quản lý, điều hành và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, rút ngắn khoảng cách, tạo mối quan hệ thân thiết giữa chính quyền địa phương và người dân”, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Canh nói.

Đánh giá về thành công của 2 mô hình chuyển đổi số trên địa bàn với sự đóng góp tích cực của người Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, Phó chủ tịch UBND phường Phương Canh Nguyễn Thị Minh Thu nhấn mạnh, để kênh Zalo OA phường đi vào hoạt động hiệu quả, UBND phường Phương Canh đã tổ chức các chiến dịch “15 ngày cao điểm để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, tuyên truyền người dân theo dõi kênh. Tổ Công nghệ số cộng đồng, đứng đầu là ông Nguyên, tiếp đến là lực lượng cán bộ Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn phường, cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên, sinh viên am hiểu công nghệ của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã "góp công lớn" trong chiến dịch này.

“Bác Nguyên đã tranh thủ từng lúc, kể cả mưa gió, buổi tối đi đến từng hộ gia đình để vận động, hoặc tập trung người dân thành từng nhóm nhỏ tại nhà văn hóa để hướng dẫn người dân trực tiếp các thao tác trên điện thoại. Tinh thần nhiệt huyết của bác đã truyền cảm hứng cho những người dân khác nhập cuộc. Chúng tôi vẫn hay nói đùa rằng: “Ở đây, việc gì khó đã có bác Nguyên”, bà Thu nhấn mạnh.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

Đến Tổ dân phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã được tận mắt chứng kiến sự tận tình và đầy tâm huyết của ông Đặng Xuân Lợi, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP Thành Trung, Quản trị viên trang Zalo OA, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng Thành Trung.

Kể từ tháng 8/2024, huyện Gia Lâm chọn Tổ dân phố (TDP) Thành Trung để thí điểm mô hình Tổ dân phố số. Với hơn 1.300 hộ dân, 82% người dân từ 15 tuổi trở lên có điện thoại thông minh, khi triển khai trang Zalo OA, người dân nơi đây đã thực sự nhận thấy lợi ích của công nghệ thông tin.

Hàng ngày, ông Lợi cập nhật kênh Zalo OA của TDP Thành Trung thông tin về những vấn đề nổi bật như chủ trương của TP Hà Nội, việc giải quyết phản ánh của người dân trên địa bàn về giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hoạt động phổ biến, tập huấn về phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền về an toàn thực phẩm...

Vốn là cán bộ về hưu, ông Lợi bảo, ưu thế của ông là ham học hỏi cái mới, thích theo dõi thông tin thời sự, chính trị, xã hội. Thêm nữa, lại được con cháu tận tình chỉ bảo, nên ông "già mà không già". Nhiều bạn trẻ khi chứng kiến ông chỉnh sửa video hoặc viết bài còn phải "ngả mũ kính nể".

“Nếu trước đây, tôi phải in các thông báo mà UBND phường giao, hoặc đến tận nhà dân tập hợp, nhắc nhở, thông báo những vấn đề thì nay, tôi chỉ cần đăng tin trên kênh Zalo OA TDP Thành Trung" - ông Lợi nói.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Dù tuổi đã cao, song ông Lợi vẫn thao tác thành tạo trên máy tính và điện thoại

Ông Lợi thông tin thêm: “Chẳng hạn, sáng 9/9, ngay sau bão Yagi, khi đi kiểm tra dọc phố, tôi thấy cây gãy đổ nhiều ở đầu phố, liền chụp ảnh lại, quay video rồi đăng lên kênh để cảnh báo bà con đi lại, đồng thời thông báo mọi người cùng đến dọn dẹp. Cộng đồng dân cư sau đó cùng huy động nhau ra phố tổng vệ sinh, dọn cây gãy đổ.

Lần khác, hệ thống thiết bị chiếu sáng ở trục đường trên địa bàn bị trục trặc, có người dân gửi tin nhắn cho tôi, tôi liên hệ ngay đơn vị chiếu sáng trên địa bàn và đề nghị họ khắc phục. Chỉ khoảng 2h sau, toàn bộ hệ thống điện trở về trạng thái bình thường. Nhanh, thiết thực, hiệu quả - đó là điều dễ nhận thấy khi tôi đăng tin trên kênh Zalo OA TDP Thành Trung”.

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị Thu Huyền, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Gia Lâm cho hay, thực hiện các chủ trương, kế hoạch về chuyển đổi số của TP và huyện, năm 2024, huyện Gia Lâm đã thí điểm mô hình Tổ dân phố số Thành Trung và xã nông thôn mới thông minh tại xã Dương Xá từ thành công của mô hình Thôn thông minh ở Thuận Quang. Theo đó, ở địa bàn thí điểm, các nhà văn hóa, vui chơi công cộng đều được lắp đặt wifi miễn phí; camera an ninh tại các trục đường đầy đủ nên ANTT được đảm bảo, trung tâm giám sát camera thông minh được các trưởng thôn, Tổ trưởng TDP... túc trực, giám sát, góp phần giữ vững an ninh ở địa phương.

Và để duy trì mô hình hiệu quả, không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của ông Lợi cũng như những thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng. Bằng trách nhiệm người đảng viên, người đứng đầu khu dân cư, họ vẫn miệt mài, nhiệt huyết, tình nguyện "là cánh tay nối dài" của chính quyền, đưa kiến thức số đến với người dân, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ công dân số thông minh.

Bài 4. Hạt nhân lan tỏa tinh thần chuyển đổi số
Ông Đặng Xuân Lợi – Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP Thành Trung, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng Thành Trung trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô về kênh Zalo của TDP

Bài viết liên quan loạt bài "Nghị quyết 18 đột phá đưa Thủ đô vươn mình trong kỷ nguyên số":

Bài 1: Tư duy Thủ đô - Hành động Hà Nội Bài 2: Quyết liệt tháo gỡ "điểm nghẽn" thủ tục hành chính Bài 3: Hiệu quả từ những mô hình, ứng dụng thông minh, thiết thực Bài 5: Quyết tâm khơi thông điểm nghẽn, xứng tầm đô thị thông minh

Thực hiện: Nguyễn Thủy - Thành Trung

« Xem bài 3

Xem bài 5 »

Thái Sơn Thành Trung