Có thể thấy, gần 2 năm qua, công cuộc chuyển đổi số của TP Hà Nội đã để lại nhiều dấu rõ nét và thành công nổi bật. Bám sát 4 giá trị cốt lõi: “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ; Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến; Xã hội số - Xã hội niềm tin; Công dân số - người dân hạnh phúc”, TP Hà Nội đang quyết tâm tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại, hướng đến hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 18, đưa Thủ đô trở thành thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị thông minh. |
Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thành ủy Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành một thành phố thông minh được xây dựng trên ba trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời, đề ra 15 mục tiêu đến hết 2025. Tính đến thời điểm hiện tại, TP đã hoàn thành 8/15 mục tiêu, trong đó 7 mục tiêu hoàn thành vượt mục tiêu giao đến hết năm 2025; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các Bộ, ngành.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, hiện nay, công tác chuyển đổi số của thành phố vẫn còn 2 “điểm nghẽn”. Cụ thể, nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn thiếu; cơ chế chính sách cho đội ngũ nhân lực đặc thù này tại các cơ quan hành chính Nhà nước còn hạn chế so với khối tư nhân dẫn tới việc thu hút nguồn nhân lực còn nhiều điểm cần cải thiện. Anh Đinh Hoàng Tùng, chuyên viên của Phòng VH-TT quận Nam Từ Liêm cho biết: Hiện phòng có 6 biên chế, đảm nhận những công việc liên quan đến 3 Sở gồm: Sở VH-TT, Sở TT&TT, Sở Du lịch Hà Nội và đôi khi cả việc tuyên truyền của Ban Tuyên giáo. Bản thân anh Tùng được phân công phụ trách công việc liên quan đến các kế hoạch, đề án chuyển đổi số nhưng anh thừa nhận không có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. “Từ trước tới nay, tôi chỉ làm công việc liên quan đến văn hóa, thể thao. Để làm được những công việc như bây giờ, tôi phải tự học hỏi rất nhiều từ cán bộ, công chức các quận, huyện khác. Hiện tại, 10 địa bàn của quận chỉ có 1-2 đồng chí học CNTT nên khi phụ trách công việc này không khỏi bị bỡ ngỡ”, anh Tùng nói. Không chỉ tại quận Nam Từ Liêm, nhiều quận, huyện khác của thành phố cũng tương tự. Ông Đặng Giang Sơn, Huyện ủy viên, Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Anh cũng cho hay, hiện công chức của Phòng VH-TT huyện đảm trách rất nhiều việc liên quan đến chuyển đổi số và cả những phần việc văn hóa, thể thao… Công chức thiếu, lại yếu về chuyên môn công nghệ, khối lượng công việc nhiều ở đa lĩnh vực cũng chính là hạn chế dễ thấy hiện nay. Không chỉ ở cấp huyện, quận, tại khối xã, phường, thị trấn ở TP Hà Nội chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT. Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số quý I/2023 của TP Hà Nội cho thấy, nhiều công chức làm CNTT xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng công chức làm CNTT tại các cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ. |
TP Hà Nội tập huấn chuyển đổ số cho cán bộ, công chức ngành Thanh tra |
Bên cạnh đó, theo anh Đinh Hoàng Tùng: “Thực tế cho thấy, hiện tại, người làm CNTT, người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng dù đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và kinh nghiệm về CNTT. Những bác Tổ trưởng Tổ dân phố tuổi cao, nhưng vì sự nhiệt huyết vẫn miệt mài đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn người dân các kỹ năng số. Nếu TP Hà Nội áp dụng chế độ đãi ngộ cho họ, giống như TP Đà Nẵng đã thực hiện; cũng như xây dựng chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan Nhà nước thì họ sẽ yên tâm công tác”, anh Tùng nói. |
Tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ Tổ công nghệ số cộng đồng ở Nam Từ Liêm |
Thực tế cho thấy, một số ứng dụng số, phần mềm dịch vụ công hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều công chức bộ phận Một cửa ở một số huyện ngoại thành được PV báo Tuổi trẻ Thủ đô khảo sát cho biết, đôi khi phần mềm dịch vụ công liên tục thay đổi, đặc biệt là nhiều khi phần mềm bị "đơ" khiến việc giải quyết thủ tục hành chính bị ảnh hưởng, một số thủ tục, công chức phải gõ tay, nhập thông tin từ phần mềm của thành phố sang phần mềm của Bộ Tư pháp để in kết quả ra cho người dân. Còn với ứng dụng "Sổ tay đảng viện điện tử", theo Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7 (phường Trung Phụng, Đống Đa), ông Nguyễn Phi Ngọc cho rằng, ứng dụng thực sự “sống” và hấp dẫn đảng viên khi thường xuyên cập nhật những nội dung, vấn đề thời sự về lĩnh vực xây dựng Đảng, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, sự kiện chính trị của Trung ương và thành phố cũng như vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Song, nền tảng này vẫn còn một số hạn chế: Nhiều đảng viên không thể thực hiện cài đặt, đăng ký tài khoản vì hệ thống báo số thẻ đảng viên đã tồn tại; hoặc tình trạng đảng viên cao tuổi quên mật khẩu khá phổ biến. Từ thực tế phường Đống Đa, Bí thư Đảng ủy phường Phương Liên Đào Thị Minh Hiền cho biết, vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế vì phần lớn các đảng viên tại các chi bộ đã nghỉ hưu, tuổi đã cao. Sổ tay đảng viên điện tử không có chức năng chuông báo hoặc báo sáng nên không biết có nội dung mới hay không, khiến họ khó theo dõi. Ngoài ra, ứng dụng đôi lúc hoạt động chưa hiệu quả hoặc bị treo khi có lượng người truy cập quá đông tại cùng một thời điểm. Tính từ lúc bắt đầu thí điểm (tháng 1/2023), đến nay, “Sổ tay đảng viên điện tử” được triển khai ở 48/50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Đến ngày 16/4, đã có 436.459/472.869 đảng viên cài đặt thành công ứng dụng, đạt 92,30% so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ TP Hà Nội. Có thể thấy rõ, đây là bước đột phá trong chuyển đổi số hoạt động Đảng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Ông Nguyễn Văn Kết, Bí thư Chi bộ thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng: Cái khó nhất với người lớn tuổi là quên mật khẩu nếu không vào thường xuyên. Bên cạnh đó, đa phần những đảng viên sinh hoạt tại thôn đều là người lớn tuổi nên việc đọc các Nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng sẽ khó. Trước những hạn chế còn nêu trên, theo ông Kết, ứng dụng này nên ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc chuyển sang file âm thanh; tóm tắt ngắn gọn để dễ phố biến.
|
|
|
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng cho biết, từ thực tế và việc nhận diện những “điểm nghẽn” trên, TP Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp tập trung. “TP Hà Nội hoàn thiện, tăng số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức trực tuyến, đặc biệt tập trung đảm bảo và vượt chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đồng thời nâng cao chất lượng từng dịch vụ công trực tuyến đều đơn giản, thuận tiện, giảm tối đa chi phí của người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thông tin. |
|
Nhiệm vụ tiếp theo đặc biệt quan trọng được Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh là xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực để chia sẻ và kết nối, nhằm giảm thời gian công sức cho người dân. Đồng thời, triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm “Bốn không” trong đó đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHaNoi” để mọi kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp được lắng nghe và xử lý kịp thời. Bởi lẽ, theo đồng chí, “TP chỉ có thể đi tắt đón đầu, phát triển nhanh và bền vững thông qua khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính và chuyển đổi số - điều này đã được chứng minh trong thực tiễn”. Về chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan đến cán bộ chuyên trách về CNTT, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô: "Với vai trò tham mưu, trong những kế hoạch trình TP, chúng tôi có kế hoạch về nhân lực chuyển đổi số, đặt ra nhiệm vụ với ngành Nội vụ và ngành TTTT là phải có những giải pháp thu hút nhân lực tốt về CNTT làm trong bộ máy chính quyền. Điều này không đơn giản. Chúng ta phải rà soát vị trí việc làm liên quan đến chuyển đổi số, nhất là ở cấp phường xã, nơi rất khó khăn khi thu hút có người có trình độ chuyên môn vì thu nhập của cơ quan Nhà nước vẫn còn thấp hơn so với doanh nghiệp ngoài. Khó, nhưng chúng ta vẫn quyết làm. Ngay cả Luật Thủ đô cũng có những chính sách thu hút, tăng thu nhập cho những nhân tài, công nghệ cao". Cũng theo đồng chí Nguyễn Việt Hùng, nhằm thu hút những người có trình độ, năng lực về CNTT, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội. Song về giải pháp căn cơ, “Sở đã đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ TT&TT xây dựng cơ chế khuyến khích, đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, CNTT, an toàn thông tin để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Cơ chế đãi ngộ tốt hơn sẽ đảm bảo cho cán bộ yên tâm công tác, duy trì nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước” - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, TP phấn đấu đến năm 2025: 100% sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị; Phấn đấu đến năm 2030, 100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của TP được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Để hoàn thành mục tiêu, UBND TP Hà Nội giao các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, TP rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số các cơ quan nhà nước Thành phố; Đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số và khai thác hiệu quả bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số… Thành phố sẽ phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số; thiết lập và đẩy mạnh hoạt động mạng lưới chuyển đổi số của TP; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đề án, của mạng lưới chuyển đổi số. UBND Thành phố giao Sở Nội vụ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tăng cường biên chế từ nguồn biên chế được giao của địa phương cho đơn vị chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bổ sung nguồn lực kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; Nghiên cứu chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực chuyển đổi số. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin chủ động tham gia các hoạt động của mạng lưới chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển lực lượng nhân sự chuyển đổi số và việc sử dụng các nền tảng số quốc gia. "Tôi nghĩ rằng, bằng những giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ dần dần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Song, kết quả thời gian qua là minh chứng cho nỗ lực của Hà Nội trong triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số” đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW; đồng thời đẩy nhanh lộ trình xây dựng thành phố thông minh, hiện thực hóa mục tiêu mà Đề án 06 của Chính phủ, Nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy đặt ra", Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng khẳng định. |
|
Cách mạng số ở Hà Nội cần những "trái tim nóng"Trong cuộc trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, GS-TSKH Hồ Tú Bảo, một trong những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), Giám đốc Khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã liên tiếp có những bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh về chuyển đổi số của cả nước trước yêu cầu của thời đại. Trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số". Tôi cho rằng, điều rất hay ở đây đó là quan điểm của Tổng Bí thư dựa trên học thuyết Mác - Lê Nin nhưng gắn với thời đại. Đó là, phương thức sản xuất số hiện nay gắn với kỷ nguyên số. Đã là Thành phố số thì Hà Nội phải hoạt động theo phương thức số. Đối với Hà Nội, điều chủ đạo để cho Hà Nội hoạt động theo phương thức sản xuất số phải là dữ liệu. Ngoài hạ tầng về môi trường vật lý, Thành phố thông minh phải có dữ liệu. Gần đây, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “điểm nghẽn” chính là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đây cũng là vấn đề chung của cuộc cách mạng chuyển đổi số. Việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội thời gian qua đã có nhiều thành tựu quan trọng. Nếu chúng ta nói, chuyển đổi số là cách mạng, thì phải dành cho mọi người, nên người dân cần phải có năng lực số. Hiện một số địa phương như Đà Lạt, Đà Nẵng đã xây dựng Khung năng lực số cho người dân. Ngoài ra, về nhân lực số còn bao gồm nhân lực trình độ cao về CNTT, về quản lý, thực thi pháp luật, quản trị chuyển đổi số… TP Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều trường, viện nghiên cứu trên cả nước. Nửa triệu người đang làm việc, học tập ở các trường, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội, đầu tiên, phải có ý thức lan tỏa tinh thần chuyển đổi số tới gia đình, học trò, giống như các đoàn viên, thanh niên, tổ trưởng Tổ dân phố đã ra quân, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, hướng dẫn người dân các kỹ năng và sử dụng các ứng dụng số. Những công chức phường, xã, huyện còn chưa đủ năng lực, chuyên môn để thực hiện các công việc về chuyển đổi số thì chính họ phải thay đổi trước tiên về nhận thức và hành động, phải tự học, quyết tâm tìm ra vấn đề của mình, xem trong thể chế, có điểm nghẽn nào không cần phải thay đổi, nếu có thì đề xuất để giải quyết. Tôi vẫn nhấn mạnh, cuộc cách mạng chuyển đổi số là của mọi người, dành cho mọi người. Chúng ta sống ở Hà Nội thì phải vì Hà Nội, phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình với Thủ đô. Tất cả phải cùng hòa vào chuyển đổi số với một bầu nhiệt huyết, một "trái tim nóng" giống như trước đây, cha anh ta đã từng xung phong lên đường đi B và đầy sôi nổi, khí thế của tinh thần “Ba Sẵn sàng” của những năm tháng kháng chiến... |
- Chỉ số cải cách hành chính - PAR INdex năm 2021, 2022, 2023 của TP Hà Nội đứng trong top 10, đặc biệt năm 2022 và năm 2023, PAR INdex của thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021. - Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính) của thành phố tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80%, năm 2023 tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp vào nhóm các thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số hài lòng cao. - Kết quả Chỉ số PCI của Hà Nội năm 2023 đạt 67,15 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố - tăng 0,41 điểm. |
|
Thực hiện: Nguyễn Thủy - Thành Trung |