Bài 3: Phát huy tinh thần "sống mãi với Thủ đô"
Tuổi trẻ Thủ đô thiết lập "vùng xanh" trên không gian mạng |
Giữ chắc những “pháo đài bình yên”
Phố phường, ngõ ngách Hà Nội những ngày này đúng là như trong thời chiến. Từng con ngõ với những tấm biển màu xanh mát mắt, mang đến cho người ta cảm giác yên tâm vì dịch bệnh được kiểm soát nơi đây. Việc triển khai đánh dấu vùng xanh, vùng đỏ rất nhanh chóng của chính quyền Hà Nội thực sự đã cho thấy nỗ lực phòng, chống dịch rất quyết liệt.
Thêm những con ngõ, đoạn phố được đánh dấu vùng xanh là thêm một niềm hi vọng. Rồi những vùng xanh ấy sẽ lấn dần vùng đỏ, để cả Hà Nội xanh mướt một màu, như mùa thu hi vọng, mùa thu cách mạng đang đến trên phố phường vắng bóng người qua lại.
Tại một số ngõ nhỏ, người dân còn mang bàn ghế, thang tre… ra bịt kín mít để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tinh thần cảnh giác, cách ly cao độ với xung quanh như thế này rất đáng được hoan nghênh trong thời điểm vàng để dập dịch.
Bởi lẽ, chặn kín lối như vậy, người ngoài không thể vào, người trong không thể ra, hạn chế tối đa nguồn tiếp xúc và lây lan. Nếu như bình thường thì đó là hành động “ngăn sông cấm chợ” rất phản cảm, tư duy cục bộ địa phương nhưng “thời chiến” như hiện tại, đó là cách bảo vệ rất chính đáng của người Hà Nội.
Những vùng xanh là pháo đài bình yên cho người Hà Nội trong những ngày này |
Cảnh tượng này khiến nhiều người nhớ đến những ngày “tiêu thổ kháng chiến” khi xưa của Hà Nội. Rồi mỗi góc phố, mỗi con đường của Hà Nội đều là các pháo đài, công sự chống trả quyết liệt sự tấn công của kẻ thù những ngày “Hà Nội mùa đông năm 46”, những ngày chiến đấu với B52 bảo vệ bầu trời Thủ đô khi xưa.
Tất nhiên, hai sự việc không giống nhau nhưng cũng gần gần ở một điểm, đó là người Hà Nội làm tất cả để bảo vệ sự bình yên của mình. Đó là những pháo đài bất di bất dịch, là sự đoàn kết gắn bó tin tưởng lẫn nhau, cùng chung nhận thức, chung mục đích là chống giặc, chống dịch đến cùng.
Cứ thêm một con ngõ bình yên là thêm một niềm hi vọng. Nhiều con ngõ bình yên như thế, chặn đứng được nguồn lây nhiễm, cùng với việc truy quét F0 quyết liệt, cùng với chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn, chúng ta có thể nghĩ đến ngày bình thường sẽ sớm trở lại.
Tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới
Có thể nói, những ngày qua, toàn thể chính quyền, các cơ quan chức năng các cấp của Hà Nội đã làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo thành phố luôn đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, hợp lòng dân. Cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và Hà Nội liên tục tuyên truyền, phản ánh tình hình phòng, chống dịch bệnh của thành phố để người dân được cập nhật.
Bên cạnh đó, chính quyền đã từng bước điều chỉnh những phản hồi của báo chí, của người dân về các biện pháp như phiếu đi chợ, giấy đi đường... rất nhanh chóng, làm sao để người dân thuận tiện nhất trong những ngày chống dịch. Điều này cho thấy sự làm việc cầu thị, khẩn trương, của các cấp chính quyền. Việc chống dịch quy củ đã tăng hiệu quả, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh và đem lại sự yên tâm, tin tưởng của Nhân dân.
Dù vậy, để công cuộc này đạt được hiệu quả tối đa, Nhân dân cũng phải hết sức hợp tác với chính quyền trong cuộc chiến không của riêng ai. Thực tế đã chứng minh, chỉ cần một vài người thiếu ý thức thì công sức của bao người đổ xuống sông xuống biển, phải làm lại từ đầu. Tốc độ lây nhiễm của virus ngày càng khủng khiếp, không cho phép bất cứ người nào được chủ quan, khinh địch hay mất cảnh giác.
Dù nhiều vùng xanh được thiết lập, dù đã có quy định những trường hợp cụ thể được ra ngoài đường nhưng vẫn có những cá nhân đi loanh quanh chẳng bởi lí do gì. Thậm chí, lấy cớ đi đổ rác, đi dạo trong ngõ, có người còn không đeo khẩu trang.
Những người tình nguyện góp sức nhỏ bảo vệ vùng xanh |
Chị Mai (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy lo ngại khi hàng xóm nhà mình cứ 5h sáng là đạp xe đi chợ. Khu nhà chị phát phiếu đi chợ ngày chẵn. Dù có phiếu nhưng chị cứ 4 ngày mới đi một lần để hạn chế tiếp xúc. “Bây giờ đòi hỏi gì đồ ăn phải đầy đủ, tươi ngon đâu. Mang về để tủ lạnh ăn dần cũng chẳng sao. Mình chấp nhận được hết, miễn sao dịch bệnh đừng đến sát cửa là được”, chị Mai nói.
Thế mà, hàng xóm nhà chị, một cán bộ hưu trí, cứ sáng ra là đạp xe đi mua đồ. Ngày nắng cũng như ngày mưa làm chị rất ái ngại. Góp ý thì bà kia mặt nặng mày nhẹ mà không nói thì có sự nhỡ nhàng gì cả xóm "lĩnh đủ”.
Chị Hà (ở quận Đống Đa, Hà Nội) thì bày tỏ sự lo lắng khi những người bạn trong nhóm mách nhau cách trốn tránh chốt chặn. Đấy là vào sáng sớm, buổi giữa trưa, khi những người làm nhiệm vụ canh gác tại đây đổi gác hoặc về ăn cơm, ai có việc gì cứ đi thoải mái hoặc gọi ship hàng vô tư.
“Còn những người như thế này thì bao giờ mới hết dịch được. Chống dịch là phải chống tận gốc, mọi người cùng làm chứ đâu phải việc của người khác. Ai cũng nghĩ virus nó chừa mình ra đến lúc nhỡ nhàng ra thì biết kêu ai. Tôi đã gay gắt nhắc nhở bạn bè nhưng họ chẳng những điều chỉnh hành vi mà còn mắng lại tôi, bởi vậy tôi vẫn mong chính quyền các cấp làm nghiêm hơn nữa”, chị Hà tâm sự.
Ý thức, ý thức hơn nữa, coi phòng chống dịch là việc của chính mình, đó là điều tất cả người Hà Nội đều phải làm trong lúc này. Mỗi người hãy tự xây dựng những pháo đài từ ý thức của chính mình, trong mỗi gia đình mình, trong từng ngõ phố, từng khu dân cư vững chắc, kiên cường hơn nữa.
Có như thế, ngày "sạch bóng quân thù" mới đến gần để cuộc sống bình yên trở lại như xưa.
Bài 1: Kiên quyết đấu tranh loại trừ phần tử xấu |
Muốn sớm bình yên trở lại, hãy đặt ý thức lên hàng đầu |