Bài 3: Tận tâm vì học trò nghèo
Bài 2: Thầy giáo Mua Mí Lầu “mang chữ" về bản Mông
|
Thiên tai, lũ lụt không thể cản bước chân người "gieo chữ"
Chị Lê Na sinh năm 1982, hiện là giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Chị đã có 17 năm công tác trong nghề sư phạm, với 15 năm dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn. Khi mới nhận công tác ở vùng biên giới Kỳ Sơn, với cô gái trẻ khi ấy không hề dễ dàng vì bất đồng ngôn ngữ, đường sá cách trở do địa hình đồi núi, kinh tế và nhận thức người dân nơi đây còn nhiều hạn chế...
Cô giáo Lê Na |
Nghề sư phạm vất vả, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Với chị Na dạy học là sở thích và ước mơ nên chị luôn cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm với học trò và mong các em tiếp tục theo con chữ, để sau này có thể cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
Cô giáo trẻ kể: "Để chinh phục ước mơ trở thành cô giáo, tôi thi vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Vinh. Năm 2005, tốt nghiệp đại học, chị nhận công tác tại huyện Kỳ Sơn. Từng ấy năm gắn bó với mảnh đất này, tôi đã thấu hiểu vùng quê đầy gian khó". |
Chị Na cho hay: “Người dân Kỳ Sơn nghèo, cộng thêm thiên tai quanh năm nên gia đình học sinh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các em phải đi bộ đến trường từ 5 đến 10km, nhiều em phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà cho bố mẹ… Chính vì vậy công tác giảng dạy và học tập lại càng gặp muôn vàn khó khăn, mình và đồng nghiệp phải tiếp cận tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh để giúp đỡ các em đến trường”.
Mới đây, huyện Kỳ Sơn vừa trải qua một trận lũ lụt kinh hoàng đã cướp đi hàng trăm ngôi nhà của giáo viên và của học sinh. Trang thiết bị dạy học của nhà trường bị hư hỏng nặng do nước lũ ngập và cuốn trôi… Tuy nhiên, bằng bầu nhiệt huyết, mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với các em khiến cô giáo Lê Na và các thầy cô nơi đây không ngại gian khổ, vượt lên khó khăn, truyền tải tri thức đến học trò.
Cô giáo Lê Na cùng các đồng nghiệp |
Bản thân cô giáo Na cũng luôn cố gắng trong học tập, tiếp cận kiến thức mới, nâng cao trình độ. Chị đã lấy xong bằng Thạc sĩ và không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, với mục tiêu cùng tập thể giáo viên nâng cao chất lượng học sinh niềm núi và không để học sinh phải bỏ lại phía sau trên con đường chiếm lĩnh tri thức.
“Với mình, hạnh phúc nhất là khi thấy học trò thành đạt, bước tới vinh quang, đạt được nhiều thành tựu. Mình mong muốn những thế hệ học sinh sau này sẽ thành công và giúp Kỳ Sơn ngày càng giàu đẹp”, cô giáo 8X bày tỏ.
Kiên nhẫn, sáng tạo rèn tiếng Việt cho các bé Tày
Cô giáo Nông Thị Hiệu, sinh năm 1990, là người dân tộc Tày đã giảng dạy gần 11 năm ở trường Mầm non Bình Văn, thôn Tài Chang, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nhiều năm liền, chị Hiệu đạt danh hiệu lao động tiên tiến; Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Chị được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn khen thưởng về những đổi mới sáng tạo trong công tác dạy và học, cùng nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Cô giáo Nông Thị Hiệu |
Thấm thoát đã gần 11 năm, chị Hiệu “gieo chữ” tại trường Mầm non Bình Văn, một ngôi trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Từ những năm đầu tiên với rất nhiều thiếu thốn, trường mầm non được thành lập, tách ra từ trường tiểu học. Có phòng thì chia làm hai, một nửa làm phòng hội đồng, một nửa làm lớp học, thậm chí phải tận dụng cả nhà công vụ để làm lớp nhà trẻ.
Toàn bộ sân trường là đất đỏ. Đường lên cổng trường thường xuyên trơn trượt mỗi lúc trời mưa to. Nhà bếp được quây từ những tấm phên tạm bợ. Với địa thế trên núi cao nên trường học thường xuyên hứng chịu những trận gió to làm bật tung hết đồ chơi, bảng biểu, thời tiết nồm ẩm, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang trí lớp.
"Tôi làm xa nhà 120km. Sau khi lập gia đình, tôi có 2 con nhỏ, mẹ đẻ và bố chồng đều mắc bệnh ung thư. Nhà neo người không có ai chăm sóc, cũng có những lúc tôi khóc thầm, cảm thấy buồn lòng vì còn công việc, lại ở quá xa không chăm sóc được cho cha mẹ hai bên nội, ngoại…", cô giáo trẻ trải lòng. |
Đa phần các em học sinh của trường Mầm non Bình Văn thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Những ngày mưa rét ở đây nhiệt độ thấp hơn các khu vực khác từ 2-3 độ. Các em học sinh đến lớp không có áo ấm để mặc. Có em, bố làm công nhân phải ở với ông bà, lúc nào trên khuôn mặt cũng đầy vẻ lo lắng, vì nhà đông con cháu, lại quá nghèo không có tiền ăn học.
Các em học sinh ở Bình Văn chủ yếu là người dân tộc Tày, ít có cơ hội giao tiếp bên ngoài nên rất nhút nhát, vốn tiếng Việt và khả năng diễn đạt cũng hạn chế. Đa phần các em nói ngọng theo tiếng địa phương nên cô Hiệu gặp rất nhiều khó khăn khi dạy trẻ phát âm đúng và diễn đạt đủ câu.
Cô Hiệu giảng dạy học trò |
Dù muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng không sờn lòng quyết tâm và tình yêu nghề, yêu trẻ của cô giáo 9X. Thời gian trôi đi, những lứa học trò cũng lớn khôn. Năm 2015, trường Mầm non Bình Văn đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ. chị Hiệu mạnh dạn áp dụng các biện pháp dạy học mới có ứng dụng công nghệ thông tin và đi sâu vào tận dụng đồ dùng, đồ chơi có sẵn tại địa phương, thực hiện tốt các chuyên đề “Dạy học lấy trẻ làm trung tâm” và “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số”.
Chị chia sẻ: “Kết quả nhận được thật bất ngờ, các em học sinh nói lưu loát tiếng Việt, khả năng diễn đạt tốt. Trẻ còn có thể tự kể những câu chuyện sáng tạo theo ý thích của bản thân. Phụ huynh đồng hành cùng giáo viên trong việc dạy trẻ tại nhà, ủng hộ các nguyên vật liệu cho trẻ học tại lớp: Trứng, rau, củ... Vì vậy kết quả học tập chuyển biến rõ rệt. Nhà trường còn đạt thành tích cao trong phong trào “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp và thân thiện”.
Niềm vui ấy đã tăng nguồn động viên cho cô giáo trẻ, thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp trồng người. Bên cạnh công tác giảng dạy, chị Hiệu phụ trách công tác nữ công ở trường. Chị còn tích cực kêu gọi cá nhân, tổ chức xã hội quyên góp, ủng hộ các em học sinh, chung tay giúp đỡ học trò nơi vùng khó.
(Còn nữa)