eMag azine
02/08/2024 08:00
Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

02/08/2024 08:00

TTTĐ - Thực hiện chủ trương nâng cao đời sống văn hóa của người dân, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có những đề án, chương trình, kế hoạch, bước đi có lộ trình trong đầu tư, xây dựng nhà văn hóa thôn, điểm sinh hoạt cộng đồng và đạt được mục tiêu rất đáng khích lệ.

Xã hội

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

Thực hiện chủ trương nâng cao đời sống văn hóa của người dân, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có những đề án, chương trình, kế hoạch, bước đi có lộ trình trong đầu tư, xây dựng nhà văn hóa thôn, điểm sinh hoạt cộng đồng và đạt được mục tiêu rất đáng khích lệ.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

Cùng với sự đầu tư của thành phố Hà Nội, việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa thôn như nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng được nhiều quận, huyện triển khai khá hiệu quả. Điển hình như, tại huyện Thanh Oai, 119 nhà văn hóa thôn tại đây đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đạt tỷ lệ 100%). Tại các nhà văn hóa thôn, trang thiết bị không chỉ được đầu tư cơ bản mà còn được đầu tư xây mới.

Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai, chị Thu Hằng cho biết, đa số các nhà văn hóa trên địa bàn được đầu tư hơn 10 năm trước có các thiết bị như bàn, ghế, loa, đã xuống cấp nhưng giờ được đầu tư nhờ huy động xã hội hóa hiệu quả, trở nên khang trang, hiện đại đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Nhân dân.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương
Các nhà văn hóa tại huyện Thanh Oai được xây mới khang trang, sạch sẽ và hiện đại.

“Các nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện đang phát huy hết công năng trong việc nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng cho người dân. Chẳng hạn, ngoài mục đích sử dụng theo đúng quy định thì nhà văn hóa còn phục vụ được các việc hỷ của các hộ gia đình trên địa bàn. Nếu trước đây, việc cưới được tổ chức ở các dãy phố thì giờ đây, Nhân dân trong thôn đều tổ chức ở nhà văn hóa. Việc quản lý, vận hành nhà văn hóa được giao cho thôn. Mỗi thôn lại đề ra quy định sử dụng, đưa vào quy ước, hương ước riêng của làng nên việc quản lý, vận hành, khai thác nhà văn hóa thêm chặt chẽ, hiệu quả và không bị lãng phí. Nguồn thu từ những việc hỷ như vậy được tái đầu tư lạ, mua thêm, nâng cấp các thiết bị như bàn ghế, loa, đài, điều hòa, quạt, bổ sung đầu sách tại thư viện trong nhà văn hóa” – chị Thu Hằng nói.

Cũng theo chị Hằng, nhiều năm nay, Thanh Oai tập trung phương châm xây dựng các thiết chế văn hóa có trọng điểm, gắn với các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu. Hằng năm, huyện họp bàn và chọn lựa thôn nào sẽ ưu tiên xây dựng mô hình nào trước. Toàn huyện Thanh Oai đặt chỉ tiêu 2025 đạt 6 làng văn hóa kiểu mẫu nhưng nay đã có 7 thôn đạt. Tất cả là nhờ chủ trương đầu tư trọng điểm và chú trọng phát huy vai trò của Nhân trong công tác xã hội hóa, lắp đặt nhiều thể dục thể thao; trồng cây xanh, xây công viên mini...

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương
Những công trình bích họa trên đường làng, ngõ xóm tại các thôn ở huyện Thanh Oai góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê ngoại thành.

“Cũng nhờ coi trọng đầu tư cho các công trình văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng nên các CLB Thơ, CLB Kiều, CLB trống, CLB cầu lông, bóng bàn, CLB hát chèo, hát Văn ở các xã đều hoạt động sôi nổi. Thậm chí, một xã có thể có 2-3 CLB dân vũ, các thành viên tập luyện sôi nổi vào các buổi trong tuần. Các buổi sinh hoạt, giao lưu, cuộc thi đều được tổ chức ở Trung tâm văn hóa huyện, tạo nên sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn” – chị Thu Hằng chia sẻ thêm.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

Đầu tháng 6/2024, tìm về thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, tôi không khỏi ngạc nhiên khi khắp đường làng, ngõ xóm ở đây đều được được phủ kín những bức bích họa. Tìm đến Nhà văn hóa thôn Tảo Dương đúng lúc các thành viên trong cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể thôn họp bàn việc xử lý rác thải tại nguồn và một số phần việc cho 2 công viên mini vừa đi vào hoạt động, ông Phạm Văn Cường, Trưởng thôn Tảo Dương hồ hởi: “Nhà báo về đúng lúc quá!” và nhiệt tình dẫn tôi đi thăm 2 công viên giữa làng. Vừa đi, ông Cường vừa kể với giọng đầy vẻ tự hào: “100% các công trình công cộng, điểm sinh hoạt vui chơi ở đây được người dân đóng góp để xây mới hoặc bổ sung thiết bị”.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương
Ông Phạm Văn Cường, Trưởng thôn Tảo Dương (ngoài cùng bên phải) và các thành viên các đoàn thể thôn Tảo Dương.

Cùng ông Cường đi một vòng làng Tảo Dương, được ông kể về công tác dân vận, kêu gọi người dân đóng góp xây dựng công viên, bổ sung trang thiết bị loa đài, ghế, sách cho nhà văn hóa thôn, mới thấy được phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thật sự lan tỏa và thấm sâu đến từng người dân nơi đây.

Khu vui chơi thể thao tại “Làng văn hóa kiểu mẫu” thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai). Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương
Sân chơi, công viên mini ngoài trời cùng những công trình bích họa tại "Làng văn hóa kiểu mẫu" Tảo Dương, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai).

Khuôn viên của Nhà văn hóa thôn Tảo Dương rộng hơn 2000m2, bao gồm hội trường nhà văn hóa với cả trăm bộ bàn ghế, trang thiết bị loa đài hiện đại; thư viện với hơn 700 đầu sách, sân bóng chuyền, sân bóng mini. Đặc biệt, xung quanh đó còn là những công trình đường hoa, vườn hoa, công viên, ghế đá, tranh tường bích họa… Tất cả khiến làng quê này trở nên nhộn nhịp, đẹp mắt và đầy sức sống.

Ông Cường bảo: “Khi thực hiện chủ trương của huyện là xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu, chúng tôi phải họp dân, tuyên truyền cho Nhân dân hiểu thế nào là Nông thôn mới kiểu mẫu, thế nào Làng văn hóa kiểu mẫu tại các hội nghị, trên hệ thống loa của thôn. Đặc biệt, vào các dịp lễ hội làng, bà con đi làm ăn xa ở khắp nơi về đông, chúng tôi tập trung tuyên truyền mạnh. “Mưa dầm thấm lâu”, chỉ trong 10 ngày, bà con ủng hộ 200 bộ ghế đá; 25 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, vui chơi giải trí tương đương 400 triệu đồng. Cả dân làng tạo thành một phong trào ủng hộ, người nọ nhìn người kia mà theo. Người có tiền thì ủng hộ tiền, người có sức, có của ủng hộ sức. Chúng tôi đã vẽ được 1.000 bức tranh bích họa ở tuyến đường ngõ chính trong thôn và hoàn thành xong 2 công viên mini với cây xanh rợp bóng, ghế đá, thiết bị thể thao ngoài trời đầy đủ”.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương
Ông Phạm Văn Cường, Trưởng thôn Tảo Dương giới thiệu với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô về các công trình thiết chế văn hóa của làng

Để có được thành công ấy, ông Cường bảo, với kinh nghiệm nhiều khóa làm trưởng thôn, và bản thân ông là đảng viên nên phải “nói đi đôi với làm”. Ông Cường cùng ông Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Chi bộ, Nguyễn Đức Thành – Phó thôn và người đứng đầu các đoàn thể trong thôn luôn luôn phải gương mẫu ủng hộ trước khi kêu gọi bà con chung tay xã hội hóa bất cứ công trình, phần việc nào.

“Dân phải thấy mình thực sự bỏ tiền ra để làm vì mình tâm huyết, mong muốn vì lợi ích chung thì sẽ không ngần ngại cùng chung tay với chính quyền” – ông Cường quả quyết.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

Vị trưởng thôn vui tính cho biết thêm, cấp ủy và chính quyền, Ban công tác mặt trận, đoàn thể của thôn đều nhất quán chủ trương là làm trọng điểm trong từng giai đoạn. Ví như, năm nay là làm đường, năm sau lại đầu tư cho nhà văn hóa, đình, đền, miếu. “Cổng làng chúng tôi xã hội hóa 100%; chùa, miếu làng, khu vui chơi, hồ sen trong và sau làng cũng vậy. Chỉ tính riêng năm 2023, dân làng đã ủng hộ trồng 200 cây xanh, phủ kín trên đường làng, ra đồng; 2 công viên trị giá 300 triệu đồng. Hệ thống đèn điện do dân đóng góp nên được lắp đặt suốt đêm tại 100% các trục đường, khu vui chơi. Do vậy, đường làng, ngõ xóm luôn đảm bảo an toàn, trật tự, sáng - xanh - sạch - đẹp” - vị trưởng thôn vui tính với giọng nói hào sảng khoe với chúng tôi.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương
Người dân được huy động tham gia vẽ bích họa, làm đẹp đường làng, ngõ xóm.

Kể về hơn 1.000 bức tranh bích họa đang làm cho diện mạo thôn trở nên đẹp và khang trang, ông Cường nói: “Chúng tôi phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện huy động học sinh và các cô giáo, thày giáo dạy môn vẽ Mỹ thuật trên địa bàn cùng chung tay vẽ. Tiền mua màu bột 3D thì Nhân dân ủng hộ; sơn lót được anh em làm nghề thợ xây của làng mua hộ, không lấy tiền. Thành viên Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên góp sức, đi theo đoàn vẽ để căng phông, bạt, nước uống… Nếu tính tiền vẽ tranh bích họa, rẻ nhất là 500.000/m2 thì cũng khoảng 600-700 triệu đồng đấy nhà báo ạ”.

Có thể thấy rõ, nhờ tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng chủ trương quyết liệt từ huyện đến xã, thôn, nên các thiết chế văn hóa ở đây được khai thác, sử dụng khá hiệu quả, nếp sống văn minh từng bước hình thành. Hiện tại, thôn Tảo Dương có hơn 96% số hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" 3 năm liên tục. Quy ước làng văn hóa được chỉnh sửa, bổ sung theo tiêu chuẩn xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu", áp dụng nghiêm các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư thôn Tảo Dương nói: “Bí quyết để xã hội hóa thành công là phải để dân hiểu, dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Lãnh đạo địa phương phải đi đầu, ủng trước tiên. Tiếp theo là sự kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, công khai, minh bạch, dân chủ trước dân. Trước khi tiến hành, chúng tôi đều phải thành lập tiểu ban do người đứng đầu, giao cho người uy tín trong dân giám sát. Khi hoàn thành xong thì phải có chứng từ, báo cáo, hóa đơn có ký đầy đủ. Thu – chi không được mập mờ, các thành viên trong tiểu ban phải ký, giải trình rõ, sau đó chúng tôi niêm yết tại nhà văn hóa và thông báo công khai tình hình đóng góp, thu - chi loa truyền thanh thôn. Thành quả là, người dân được nhìn thấy tận mắt và được hưởng thụ hàng ngày”.

Câu chuyện ở thôn Tảo Dương khiến tôi thấy háo hức và lại tiếp tục hành trình “khám phá” nét đẹp về sự dân chủ, tình đoàn kết trong cộng đồng ở một vùng trũng của Hà Nội – đó thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa.

Đi trên con đường trải nhựa, bước vào cổng làng, hiện ra trước mắt chúng tôi là câu đối: "Linh chi lai hề vân vi cái nguyệt vi sa đồng nhân cộng ngưỡng. Thần sở lao hỹ danh ư triều lợi ư thị xuất môn hữu công". Hàm ý rằng: Nơi đây cảnh quan thật là đẹp, mây như lọng che, mặt trăng như xe kéo, mọi người ai qua cũng đều ngưỡng vọng. Quê hương là gốc rễ chặt bền, danh tiếng ở chính trường, lợi lộc nơi chợ búa, con dân của làng ra khỏi làng là làm nên và phải làm nên.

Bước vào trong là đến một khuôn viên gồm đình, chùa, hồ sen, nhà văn hóa, giếng làng, nhà thi đấu thể thao, sân chơi…. được quy hoạch rất quy củ, tạo nên một cảnh quan thân quen, bình dị, mang đậm nét văn hóa của làng quê Bắc Bộ.

ông Nguyễn Bá Cường, Trưởng thôn Cao Lãm
Ông Nguyễn Bá Cường, Trưởng thôn Cao Lãm sắp xếp lại Thư viện sách trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn.

Như đoán được tôi định hỏi gì, ông Nguyễn Bá Cường, Trưởng thôn Cao Lãm bảo, tất cả các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn đều do con em trong làng đóng góp. “Chẳng hạn, thư viện trong khuôn viên nhà văn hóa với 700 đầu sách đã được một số con em làm ăn xa gửi về. Năm 2023, người dân đóng góp 2,6 tỷ đồng để tu bổ đình, chùa, còn nhà văn hóa thì xã hội hóa các thiết bị bàn ghế, mái che sân, điều hòa… với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng; hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, lắp biển số nhà, vẽ tranh bích họa cũng lên đến hơn 2 tỷ đồng”…

Với thâm niên hơn 10 năm làm cán bộ thôn, trong đó 5 năm làm trưởng thôn, ông Cường hiểu, nhà văn hóa thôn đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; cũng như tập hợp toàn dân đoàn kết nên phải được đặc biệt coi trọng. Do đó, từ năm 2012, thôn Cao Lãm đã đề ra những quy định quản lý nhà văn hóa thôn như: Giao việc trông coi, giữ gìn vệ sinh, lau dọn, mở cửa mỗi dịp hội họp, tập luyện cho một cá nhân. Việc chi trả thù lao 2 lần/năm với tổng số tiền khoảng 7 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó là các quy định sử dụng nhà văn hóa cho các công việc phục vụ cộng đồng như hỷ, mừng thọ, ra mắt đồng niên… đều được đưa vào quy ước của làng, tạo ra sự đồng bộ, nhất quán.

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

Người dân thôn Cao Lãm đi làm ăn xa nhiều và rất thành đạt nhưng vẫn giữ được truyền thống là về làng vào các dịp hội làng, khao thọ và Tết. Vào những dịp đó, chúng tôi tranh thủ lấy ý kiến của họ về việc xã hội hóa, cải tạo các công trình của làng. Ai còn ngần ngại, thì chúng tôi mời những vị cao niên hoặc người có uy tín thuyết phục. Khi toàn thể dân đồng ý, bắt tay vào triển khai thì bản thân những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thôn như chúng tôi cũng phải xắn tay vào làm trước; đã làm là đâu gọn đấy, minh bạch, công khai để dân kiểm tra; chỉ đơn giản vậy thôi”, Trưởng thôn Cao Lãm Nguyễn Bá Cường cho biết.

Nghe câu nói “Chỉ đơn giản vậy thôi” một cách “nhẹ tênh” của vị trưởng thôn và được tận mắt thấy cách ông rốt ráo kê lại chiếc ghế, sắp xếp lại mấy cuốn sách trên kệ ở thư viện thôn, tôi thực sự thán phục. Những người đứng đầu cấp cơ sở xốc vác, tận tâm và đầy nhiệt huyết như ông Phạm Văn Cường, ông Nguyễn Bá Cường, ông Nguyễn Hoàng Sơn… chính là nhân tố góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, gắn kết các tầng lớp Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư phong phú, đầy bản sắc, tạo nên hình ảnh đẹp cho những miền quê đáng sống.

(Còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Sử dụng hiệu quả thiết chế văn hoá, thể thao ở nông thôn Hà Nội: Đột phá tư duy, phát huy nguồn lực":

Bài 1: Lan toả để hiện thực hoá những mục tiêu lớn Bài 2: Hiệu quả từ những cách làm sáng tạo Bài 4: Trong cái khó, ló cái khôn Bài 5: Hình thành những miền quê đáng sống nhờ '5 có, 3 không'

Thái Sơn - Phạm Mạnh

Bài 3: Tăng cường xã hội hoá và bài học về sự nêu gương

« Xem bài 2

Xem bài 4 »

Thái Sơn