Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, những khoảng không gian xanh như công viên, sân chơi, ao hồ của đô thị Hà Nội nói chung và các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội nói riêng đang dần bị thu hẹp, thậm chí biến mất. Tuy vậy, ở một số địa phương, thực hiện chủ trương của thành phố, bằng sự quyết tâm chung sức của chính quyền và người dân, nhiều công trình ao làng đã được cải tạo, tu sửa, tạo điều kiện để người dân tập luyện, vui chơi, giải trí... từ đó, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư.
Những ngày hè năm nay, người dân ở thôn Phố Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh có thêm một sân chơi mini để tập luyện bên cạnh khuôn viên nhà văn hóa thôn. Sân chơi này nằm trong một ngõ nhỏ, được lắp đặt các thiết bị thể thao như xoay eo, lưng bụng, xà đơn, xà kép, xe đạp di động, ghế đá...
Ông Trần Văn Thành, Bí thư chi bộ thôn Phố Yên cho hay, trước đây, khu đất này là một bãi đất xen kẹt. Nhận thấy nhu cầu vui chơi của bà con ngày càng nâng cao, trong khi không gian công cộng thì thiếu, ông Thành đã đứng lên kêu gọi xã hội hóa khu đất hơn 100m2 này. Sân mới khánh thành hồi tháng 5/2024.
“Chúng tôi kêu gọi, vận động Nhân dân tham gia cùng đóng góp. Người ủng hộ ngày công dọn dẹp vệ sinh, người ủng hộ tiền. Tổng số xã hội hóa công trình này để mua dụng cụ, thiết bị xấp xỉ 50 triệu đồng. Hiện người dân vẫn đang tiếp tục ủng hộ để mua thêm dụng cụ thể thao ngoài trời”.
Ông kể thêm, cứ sáng sớm và chiều tối, người già, trẻ em, thanh thiếu niên tập trung vui chơi ở đây rất đông. Người tập thể dục, người chơi cầu lông, bóng chuyền, đi dạo. “Dù chỉ hơn 100m2 nhưng từ sự đồng lòng và quyết tâm, chúng tôi đã biến bãi đất kẹt này thành một không gian thực sự ý nghĩa và có tác dụng nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người dân” - ông nói thêm.
Ông Trần Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Phố Yên và Trưởng phòng VH -TT xã Tiền Phong (Mê Linh) Vũ Xuân Dương trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô về công trình sân chơi mini vừa được khánh thành trên địa bàn. |
Về thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) những ngày này, câu chuyện biến ao nước thải trở thành bể bơi tiền tỷ khổng lồ được người dân nơi đây tự hào kể mãi.
Ao làng Hưng Giáo có diện tích hơn 1.000m2, vốn từ lâu chứa nhiều loại rác thải gây ô nhiễm. Ông Lê Công Năng, người khởi xướng ý tưởng này cho hay, ao khá lớn, lại có nhiều bùn đất, nước thải đen ngòm. Từ lâu, ông đã khao khát thấy được hình ảnh xưa, thế hệ ông đã được đắm mình dưới nước ao làng trong xanh, mát lành. Nghĩ vậy, ông đưa ra ý tưởng và thuyết phục chính quyền thôn. Được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, vậy là, mồng 4 Tết năm 2023, thôn Hưng giáo đã long trọng tổ chức buổi họp mặt đầu Xuân và lễ phát động Dự án cải tạo ao làng.
Sau một thời gian, cả làng đã quyên góp được hơn 3 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng ao làng thành bể bơi phục vụ cho cho trẻ em tập bơi, người lớn có nơi tắm giải nhiệt vào hè.
Ông Bùi Thế Dũng, Bí thư thôn Hưng Giáo cho hay: “Sự thống nhất và chung tay của người dân cả thôn làm nhiều người ngạc nghiên. Chúng tôi thực sự vui mừng vì đó là công trình thể hiện sự đoàn kết của người Hưng giáo trước các công việc cộng đồng. Đó là dấu ấn của sức mạnh tập thể. Để làm được bất cứ việc gì thành công, thì điều tiên quyết chính là mọi người, từ cấp ủy, chính quyền cùng toàn thể Nhân cùng đồng ý, đồng lòng, đồng sức”.
Ông Dũng tự hào kể, ngay từ đầu, khi đưa ra ý tưởng cải tạo ao làng thành “bể bơi”, thôn đã thành lập ra Ban Xây dựng. Sau 7 cuộc họp dân để xin ý kiến, vận động, tuyên truyền thì dự án bắt đầu được triển khai. “Chúng tôi thật không ngờ là 100% người dân đồng tình. Giai đoạn đầu, số tiền xã hội hóa được 1,3 tỷ; giai đoạn 2 là 1,8 tỷ.
Chúng tôi công khai sổ sách, minh bạch tất cả việc đóng góp, thu, chi; cập nhật thông tin trên hệ thống loa phát thanh của thôn, trên website làng Hưng Giáo, trên Zalo của làng với hơn gần 700 đại diện hộ dân. Tất cả “đồng thanh tương ứng”, tạo thành hiệu ứng “người người, nhà nhà” ủng hộ. Đến khi khánh thành, nhìn những đứa trẻ thỏa sức vẫy vùng dưới làn nước xanh trong, ai cũng phấn khởi và tự hào vì được đóng góp vào công trình đó” – ông nói.
Để vận hành, thôn Hưng Giáo lập ra Câu lạc bộ bơi. Ban quản lý gồm 11 người, thay nhau quản lý, giám sát hoạt động ở đây hang ngày. Nước trong bể được thay 2 lần mỗi tuần, lấy từ giếng ngầm và qua bể lắng khoảng ba ngày trước khi bơm vào ao. CLB tổ chức dạy bơi cho các cháu thanh thiếu nhi, người dân. Sau 2 năm hoạt động, thôn đã tổ chức được 10 đợt cho 400 cháu học bơi. Nhờ có bể bơi giữa làng này mà đến nay, nhiều trẻ em đã biết bơi, được nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước và biết bảo vệ bản thân khi có sự cố xảy ra. Bể bơi giữa làng Hưng Giáo giờ đây không chỉ là địa chỉ tập bơi của người trong thôn mà còn là điểm tập luyện, vui chơi của người dân các địa phương xung quanh.
Mỗi chiều hằng ngày, ông Bùi Xuân Vệ quan sát, đảm bảo an toàn cho các cháu tới bể bơi. |
Anh Nguyễn Văn Đức, người làng Hưng Giáo tự hào kể: “Tôi thường cho con trai ra đây tập bơi. Thực sự, tôi rất tự hào vì công trình này mỗi khi nhận được lời khen từ những người dân ở các làng xung quanh. Đây là công sức của tập thể, là dấu ấn của trách nhiệm, của sự đoàn kết của người dân Hưng Giáo”.
Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng thôn Quy Mông, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội tại cuộc họp Chi bộ thôn Quy Mông cách đây 2 năm khi ông đưa ra ý tưởng vận động người dân cùng tham gia vào xây dựng ao bơi giữa làng.
Ông Hải kể, năm 2023, cùng với sự đầu tư của huyện Gia Lâm, công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa tại thôn Quy Mông bao gồm Đền Quy Mông, đường, ao... trị giá hơn 15 tỷ đồng, trong đó, riêng cải tạo ao bơi hết hơn 1 tỷ đồng. Với tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cấp ủy địa phương Quy Mông đã triển khai nhiều cuộc họp với sự tham gia của đầy đủ các đảng viên.
“Chúng tôi xác định phải xây giếng khoan để lấy nước bơm vào ao, tiếp đến là đầu tư khối lượng cát vàng, sỏi, cầu, ghế đá…với tổng kinh phí khoảng 240 triệu đồng. Đầu tiên, khi đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến, có một số đồng chí băn khoăn “Lấy tiền làm giếng ở đâu?”. Tôi khẳng định luôn: “Tiền ở trong dân chứ ở đâu?”, sau đó chúng tôi cùng phân tích, bàn bạc cách huy động. Chỉ trong vài ngày, chúng tôi đã huy động đủ tiền để triển khai” – ông Hải nói.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ao làng Quy Mông với gần 2000m2 trước đó vốn bị ô nhiễm bởi rác thải, nước thải ùn ứ đã biến thành biến thành bể bơi xanh mát, phục vụ nhu cầu bơi lội trong mùa hè của dân cư trong làng và địa phương xung quanh. 2 năm nay, suốt mùa hè, trung bình hàng ngày có khoảng 50 - 100 em nhỏ, thanh thiếu niên được thỏa sức vẫy vùng, bơi lội ở đây.
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân tại địa phương bên cạnh cho biết: “Trước đây, ao này bốc mùi hôi thối vì ô nhiễm, nước đen kịt. Nhưng từ khi cải tạo thành bể bơi, dân làng phấn khởi lắm. Bản thân tôi chiều nào cũng cho con trai ra đây tập bơi mà không mất tiền. Các cháu nhỏ ra đây đều được các thành viên ban quản lý ao giám sát và dạy bơi” – chị nói.
Còn Trưởng thôn Nguyễn Hồng Hải thì vui mừng, phấn khởi: “Thấy được lợi ích thì người dân nào cũng đồng tình hưởng ứng. Tiền của dân đóng góp thì phải chi sao cho xứng đáng. Dân chỉ cần thấy đồng tiền họ ủng hộ được công khai, minh bạch, dân chủ và mang lại hiệu quả rõ ràng thì không có gì khó khăn khi vận động để làm các công trình tiếp theo cả”.
Chiều muộn, tại Nhà thi đấu Kim Quan, ông Phạm Ngọc Thuần (90 tuổi) ở thôn Kim Quan, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm cùng một số thành viên CLB cầu lông Kim Quan vẫn chơi cầu. Dù tuổi đã cao nhưng ông Thuần vẫn tỏ vẻ tinh anh, minh mẫn, đến mức nhiều người trẻ tuổi ở đây vẫn đùa “không lại được với cụ”. Ông Thuần bảo, ông có thói quen luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, chơi cầu khiến ông linh hoạt, nhanh nhẹn, lại được giao lưu với nhiều bạn trẻ tuổi và được cập nhật nhiều kiến thức mới mẻ từ họ.
2 năm nay, Nhà thi đấu Kim Quan trở thành địa chỉ quen thuộc của ông Thuần và những người yêu thích bộ môn cầu lông trong thôn. Mỗi ngày, nơi đây đón hàng trăm lượt người đến vui chơi, luyện tập thể thao suốt từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối. Đối với ông Thuần, một đảng viên gần 70 năm tuổi Đảng, thì Nhà thi đấu Kim Quan chính là thành quả của một chủ trương hợp lòng dân và được lòng dân.
Nhà thi đấu Kim Quan nằm trong khuôn viên 2000m2 của Nhà văn hóa thôn Kim Quan, được huyện Gia Lâm đầu tư xây dựng hơn chục năm trước. Công trình này bao gồm hội trường được trang bị các thiết bị cơ bản như loa, âm ly, bàn ghế, phông, bục, quạt… và 2 sân bóng bê tông trước và sau.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng thôn Kim Quan, việc tập luyện ngoài sân của người dân bị ảnh hưởng do môn cầu lông đòi hỏi phải trong không gian kín gió; sân tập phải đảm bảo tiêu chuẩn. Trong khi với thực trạng hiện tại, mỗi khi mưa gió, nắng quá thì sẽ không thể chơi được. “Chúng tôi thấy như vậy rất lãng phí. Trong khi đó, thôn có CLB Cầu lông được thành lập nhiều năm rồi. Chúng tôi bàn với Ban chủ nhiệm làm sao để phát huy tối đa sân chơi này, để mọi người vui chơi, tập luyện thỏa thích bất cứ thời gian nào” - ông Thành nói.
Vậy là, một cuộc họp với đầy đủ cấp ủy, chính quyền, Ban công tác mặt trận, đoàn thể trong thôn để lấy ý kiến dân đã diễn ra ngay sau đó. 100% người dân thôn Kim Quan đồng tình ủng hộ việc cải tạo sân bóng sau nhà văn hóa thôn thành nhà thi đấu. Đề xuất này ngay sau đó được trình UBND huyện Gia Lâm và nhanh chóng nhận được sự nhất trí. Kết quả không ngờ, sau 3 tháng, Nhà thi đấu Kim Quan được khánh thành với kinh phí hơn 300 triệu đồng từ đóng góp của dân làng và các mạnh thường quân yêu thích môn cầu lông. Mọi hạng mục của công trình được ghi chép cẩn thận, dự toán, quyết toán công khai, minh bạch và được niêm yết ngay ở cửa Nhà thi đấu để mọi người dân được biết.
“Đến tận bây giờ, Nhà thi đấu được sử dụng 2 năm rồi mà vẫn có người ngỏ ý ủng hộ để hoàn thiện, đầu tư thêm trang thiết bị. Cả huyện mới có một nhà thi đấu thôn đạt chuẩn như thế này từ nguồn xã hội hóa đấy” – ông Thành nói đầy vẻ tự hào.
Nhà thi đấu Kim Quan khánh thành năm 2022, giờ đây không chỉ trở thành điểm hẹn vui chơi thể thao của người dân trong thôn mà của các “tay cầu” ở khu vực lân cận. Ngoài việc người dân, thanh thiếu niên tập luyện thì nơi này cũng thường xuyên diễn ra những cuộc giao lưu, thi đấu với CLB ở các địa phương khác trên địa bàn vào dịp cuối tuần. Việc quản lý được giao cho Ban chủ nhiệm CLB dựa trên hướng dẫn vận hành các thiết chế văn hóa của huyện và quy định của thôn.
Ông Phạm Ngọc Thuần chia sẻ với phóng viên: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, chưa bao giờ thấy phong trào tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao trong thôn lại phát triển như giai đoạn này. 5h thì có CLB dưỡng sinh, yoga, aerobic, bóng bàn; chiều thì mọi người chơi cầu lông đên 9h tối tại Nhà thi đấu, đi bộ, tập thể dục ngoài sân Nhà văn hóa; tối thì các cháu thiếu nhi sinh hoạt đến tận 11h đêm… Cấp ủy, chính quyền thôn đã bắt “trúng” và “đúng” nhu cầu của người dân khi hoàn thành Nhà thi đấu này” – ông Thuần khẳng định.
(Còn nữa)
|
Thái Sơn - Phạm Mạnh |