Bài 4: Càng khó càng phải kiên trì
Vẫn còn nhiều thách thức
Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) có hơn 260 doanh nghiệp với hơn 38 nghìn công nhân, tới giờ cũng chỉ có gần 450 đảng viên, chủ yếu cũng đã được kết nạp từ trước khi vào làm tại đây.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Bí thư Đảng bộ Khu công nghiệp cho biết, cái khó nhất trong phát triển Đảng là tạo nguồn, thì ở các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp tại KCN Quang Minh lại thoải mái về nguồn lực. Bởi người lao động đều ở độ tuổi trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật, nhận thức tốt, song do làm việc trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài nên vẫn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Vì vậy, nếu chủ doanh nghiệp không đồng thuận, không tạo điều kiện, rất khó để phát triển Đảng.
“Có nhiều doanh nghiệp, chúng tôi đi vận động nhiều lần, nhưng họ chỉ “vâng” rồi để đấy. Thậm chí, có những trường hợp, người lao động rất muốn vào Đảng nhưng họ lại lo chủ doanh nghiệp không thích sẽ tìm cách chuyển vị trí việc làm của họ sang chỗ không tốt bằng hiện tại, buộc họ phải phụ thuộc. Vì vậy, việc vận động để doanh nghiệp đồng thuận trên tinh thần tự nguyện là rất tốt để nhiều chủ doanh nghiệp có sự ủng hộ rất tích cực cho công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp mình, dù có thể họ không là đảng viên”- ông Nguyễn Tuấn Khải nêu quan điểm.
Lễ kết nạp đảng tại Chi bộ Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội |
Trong khi đó, tại Đảng bộ Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội, từ 5 tổ chức Đảng với gần 250 đảng viên; 10 năm qua, Đảng bộ đã phát triển lên 96 đảng bộ với hơn 1.300 đảng viên. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ với hơn 750 doanh nghiệp và hơn 200 nghìn lao động đang hoạt động ở 10 khu công nghiệp trên địa bàn.
Ở phạm vi nhỏ hơn, huyện Mê Linh có khoảng 1.600 doanh nghiệp tư nhân. 5 năm qua, từ 13 chi bộ, với hơn 90 đảng viên, tới nay, Đảng ủy khối doanh nghiệp huyện này đã phát triển được 40 chi, Đảng bộ trực thuộc với gần 240 đảng viên. Nhưng vấn đề ở chỗ, chỉ 1/3 lãnh đạo doanh nghiệp là Bí thư Chi bộ.
Đây không phải là khó khăn riêng của Hà Nội, bởi hầu hết các doanh nghiệp tư nhân chỉ quan tâm đến việc làm sao sản xuất, kinh doanh đạt kết quả cao, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, một số Ban Chỉ đạo quận, huyện hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa có kế hoạch cụ thể, chi tiết; Công tác rà soát, khảo sát cụ thể ở các doanh nghiệp chưa nhiều so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Minh cho biết: Vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nên ít quan tâm, không nắm rõ tình hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài ra, công tác đảng tại các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, hạn chế; Chưa được cập nhật các thông tin đầy đủ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, các nội dung sinh hoạt chi bộ, định hướng công tác tư tưởng cho đảng viên trong các doanh nghiệp… Vai trò một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp còn mờ nhạt và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, nội dung sinh hoạt còn sơ sài; Năng lực, trình độ của một số cán bộ chuyên trách làm công tác này còn hạn chế, chưa tâm huyết với nhiệm vụ được giao…
Nhiệm vụ then chốt
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ rất khó, tuy nhiên, càng khó thì càng phải làm tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, công tác phát triển Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến số lượng các tổ chức Đảng và đoàn thể của khu vực này còn hạn chế. Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp có tổ chức Đảng nhưng việc duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ cũng gặp không ít khó khăn.
Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ rất khó, tuy nhiên, càng khó thì càng phải làm tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn.
Tại hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị, TP sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Cải cách thủ tục hành chính; Phân cấp ủy quyền trong quản lý kinh tế xã hội; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó, có các doanh nghiệp tư nhân.
Hà Nội tiếp tục coi công tác phát triển đảng là nhiệm vụ then chốt. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của TP. Việc phát triển được tổ chức Đảng và các đoàn thể Nhân dân là để đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nữa.
Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 09-NQ/TU, đặc biệt là quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân, việc xây dựng các tổ chức Đảng và đoàn thể Nhân dân trong khu vực ngoài Nhà nước trong toàn xã hội. Đồng thời, các địa phương không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền với cách thức và hình thức mới phù hợp với thực tiễn.
TP Hà Nội sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước |
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp có tổ chức Đảng hoạt động. Đồng thời, sớm hoàn thiện bộ máy tổ chức của Đảng ủy khối doanh nghiệp của các quận, huyện, thị ủy trên địa bàn TP hiện nay để tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Đối với các quận, huyện, thị ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu cần chú trọng việc mở lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác đảng trong Đảng ủy khối doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho các quần chúng ưu tú trong các doanh nghiệp học các lớp cảm tình đảng, bồi dưỡng đảng viên mới. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
“Vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng nhưng các địa phương, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Cụ thể là nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp này. Chúng ta không thành lập tổ chức Đảng bằng mọi giá mà phải chú trọng đến chất lượng. Điều này cần được triển khai linh hoạt phù hợp với thực tiễn của các địa phương, doanh nghiệp và đúng với Điều lệ Đảng”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
(còn nữa)