Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước tại Hà Nội: Quả ngọt và thách thức
Bài 1: “Đặc sản riêng” của Hà Nội
Nghị quyết số 09-NQ/TU được ví như một "đặc sản" riêng của Hà Nội. "Đặc sản" này xuất phát từ việc bản thân Hà Nội có điều kiện, yêu cầu và có đòi hỏi khách quan về việc cần xây dựng, triển khai thực hiện.
Những con số biết nói
Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” là 1 trong 2 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XV. Đến Đại hội XVI, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục xác định Nghị quyết 09 là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết cũng chính là cụ thể hóa và thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” trên địa bàn TP.
Hà Nội là một trong số không nhiều địa phương quan tâm công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước |
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Đào Đức Toàn, khi ấy là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội được giao làm Trưởng ban chỉ đạo đã nhận định: Nghị quyết 09 ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã kịp thời góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó để phát triển. Đồng thời, Nghị quyết giúp các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trong nền kinh tế; Thôi thúc các cấp ủy, chính quyền nâng cao trách nhiệm, hành động cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển.
Nghị quyết 09 giúp đội ngũ doanh nghiệp Hà Nội ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thấy rõ vị trí, vai trò và lợi ích thiết thực của tổ chức Đảng, các đoàn thể Nhân dân đối với sự ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Xác định rõ mục đích ban hành Nghị quyết 09 là giúp cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển thuận lợi và ngày càng lớn mạnh, một mặt, Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo TP phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; Một mặt tổ chức các buổi gặp mặt, tôn vinh, biểu dương, trao đổi với lãnh đạo, chủ doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời vận động thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Thành phố cũng có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ủng hộ việc thành lập và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp… Thành ủy, các ban Đảng Thành ủy đã ban hành các văn bản cần thiết giúp cho việc thực hiện Nghị quyết 09 của các cấp ủy thuận lợi cũng như giúp cho các tổ chức Đảng, các đoàn thể hoạt động hiệu quả sau khi thành lập…
Sau hơn 8 năm, đánh giá tổng kết giai đoạn 2012-2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020-2025. Ban Chỉ đạo, các ban Đảng Thành ủy, các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các tổ chức chính trị - xã hội TP đã tích cực, nghiêm túc, tập trung thực hiện Nghị quyết; Đề ra và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp mới, sáng tạo, thiết thực…
Đến nay, sau 10 năm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống,việc thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội đã thu được những “quả ngọt” ban đầu, trước hết là những “con số” biết nói.
Từ 117.740 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đăng ký hoạt động nhưng chỉ có 633 tổ chức đảng; 2.301 công đoàn cơ sở, đến nay, toàn TP có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập; 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân. TP cũng thành lập được 7.067 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên, kết nạp được 483.837 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể…
Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện tại các địa phương |
Các quận ủy đã thực hiện chủ trương, từng bước thành lập các đảng ủy khối doanh nghiệp nhằm quy tụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp trực thuộc. Hầu hết các đảng bộ đã có sự phát triển lớn mạnh đáng kể về quy mô, số lượng tổ chức Đảng và đảng viên.
Trong đó, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Cầu Giấy đã thành lập 103 chi bộ, 1.044 đảng viên. Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Hoàn Kiếm có 53 chi bộ, 569 đảng viên, trong đó có 13 bí thư chi bộ là chủ doanh nghiệp. Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa có 102 chi bộ với 1.026 đảng viên. Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Hai Bà Trưng có 78 chi bộ, 903 đảng viên. Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Ba Đình có 86 chi bộ với 836 đảng viên, trong đó có 65 bí thư chi bộ là chủ doanh nghiệp.
Những con số biết nói trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị với cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Yêu cầu song trùng và khách quan
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 09-NQ/TU là hướng đi đúng đắn của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đi trước một bước trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế nước ta và phù hợp với quan điểm lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Nói về Nghị quyết này, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy đã đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Quan trọng hơn, hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động và góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 09 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; Củng cố niềm tin của cán bộ, Nhân dân với Đảng. “Đây không chỉ là hướng đi đúng đắn mà còn đi trước một bước trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế nước ta và phù hợp với quan điểm lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân”, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Nghị quyết số 09-NQ/TU đi trước một bước trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế nước ta |
Thực tiễn trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho thấy, để chăm lo cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp là yêu cầu song trùng và khách quan chứ không phải muốn hay không muốn.
Nghị quyết số 09-NQ/TU được ví như một "đặc sản" riêng của Hà Nội. "Đặc sản" này xuất phát từ việc bản thân Hà Nội có điều kiện, yêu cầu và có đòi hỏi khách quan về việc cần xây dựng, triển khai thực hiện.
Chính vì thế, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh về số lượng, Thành ủy luôn chú trọng nâng chất cho các tổ chức Đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, để đây thực sự là những hạt nhân quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người lao động.
Thành phố đã ban hành những chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thành lập, phát triển; Kiện toàn, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Cùng với việc đưa nội dung sinh hoạt theo hướng thực chất, hiệu quả và công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường để tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp khẳng định được vai trò, vị trí của mình, cùng doanh nghiệp phát triển bền vững hơn…
(còn nữa)