Tag
TP Thủ Đức “loạn” nhà không phép, sai phép

Bài 5: Chuyên gia và người dân chỉ ra nhiều bất cập

Đô thị 07/06/2023 15:19
aa
TTTĐ - Tình trạng quy hoạch “treo” nhiều năm, thủ tục xin cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình nhiêu khê, vướng mắc… là những bất cập tồn tại bấy lâu. Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân mà còn làm cho công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, thậm chí cả “bế tắc”…
TP Thủ Đức “loạn” nhà không phép, sai phép Bài 2: Muôn kiểu xây dựng công khai Bài 3: Những “chiêu thức” cải tạo, sửa chữa công trình Bài 4: Tránh báo chí hay né sự thật?

Liên quan đến thực trạng “loạn” nhà không phép, sai phép ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có loạt bài phản ánh, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Hồ Chí Minh) cùng nhiều người dân đã có những ý kiến chia sẻ, đóng góp liên quan:

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Hồ Chí Minh):

Cần phải thắt chặt vai trò kiểm soát từ địa phương

Cần phải nói rõ thực trạng quy hoạch treo, nhà không phép, sai phép này là câu chuyện lịch sử từ lâu của thành phố. Từ thời mà người ta làm các khu nhà tạm, không có bất cứ hệ thống nào về hạ tầng đường xá, cấp nước; Đường dây điện ban đầu đều không có. Thực tế này bắt nguồn từ nhu cầu ở thực của người dân.

Lúc đó, người dân nhập cư tìm đến TP Hồ Chí Minh làm việc, cần chỗ ở nên cứ có đất trống là xây dựng. Người bán nhà, người mua nhà, mua đất để xây chủ yếu là bằng giấy viết tay. Nhà xây không phép thì địa phương đến kiểm tra nhưng cho nộp phạt và được tồn tại.

Thực tế đó kéo dài trở thành nếp, cộng thêm các loại thủ tục liên quan đến nhà đất phức tạp, nhiêu khê, nên người dân không đợi giấy phép mà tìm cách để xây dựng. Do vậy, thực trạng nhà không phép cứ tồn tại kéo dài.

Có một thực tế là số tiền phạt nó không đáng bao nhiêu so với giá trị của cái nhà. Theo quan điểm của tôi, việc đóng phạt cho tồn tại đó chỉ là cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài nếu có quá nhiều khu nhà ở tạm sẽ phá vỡ quy hoạch chung của khu vực.

Với thực trạng nhà xây không phép, sai phép ở TP Thủ Đức hiện nay, giải pháp trước mắt là phải bắt đầu từ địa phương. Vấn đề siết chặt kỷ cương trong xây dựng và trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền phường cùng quận phải chịu trách nhiệm về thực trạng đó. Đi tìm một giải pháp mới theo tôi khó.

Việc cưỡng chế tháo dỡ với những công trình sai phép, không phép thật ra có nơi không cần thiết và gây lãng phí xã hội lớn. Những chỗ nào phù hợp thì nên có chính sách đơn giản hóa thủ tục, hướng dẫn người dân thực hiện xin cấp phép; Những vị trí đã có quy hoạch, không thể cho tồn tại do phá vỡ quy hoạch thì mới phải cưỡng chế.

Tôi cũng không ủng hộ quan điểm cứ để xây xong rồi đóng phạt cho tồn tại. Trước đây, chúng ta đã lỏng lẻo mới để xảy ra thực trạng đó, còn bây giờ luật đã có thì không thể để sai rồi lại tìm cách hợp thức hóa cái sai.

Phải quy trách nhiệm về cho địa phương là quan trọng nhất. Cấp cơ sở phải nghiêm minh thì mới có thể sửa cái thói quen đã tồn tại khá lâu. Nếu để xảy ra thêm nữa thì cái đó là lỗi của địa phương…

Liên quan loạt bài viết “TP Thủ Đức “loạn” nhà không phép, sai phép”, vừa qua Văn phòng Thành ủy TP Thủ Đức đã có văn bản gửi Thường trực UBND TP Thủ Đức và Bí thư Đảng ủy 34 phường của thành phố đề nghị UBND TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, xác minh nội dung báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng và báo cáo Thường trực Thành ủy Thủ Đức.

Đảng ủy 34 phường nhanh chóng chỉ đạo và rà soát báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức về tình hình trật tự xây dựng theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh trên địa bàn. Đồng thời, các phường có liên quan loạt bài đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ Đô kiểm tra, rà soát, giải trình cụ thể đối với từng công trình mà báo phản ánh.

Thực hiện chỉ đạo, Phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức đã có báo cáo UBND TP Thủ Đức và cho biết những nội dung báo phản ánh là đúng sự thật.

Phòng Quản lý đô thị cũng cho biết, số công trình phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2023 là 65 trường hợp; tổng số công trình đang tiếp tục xử lý đến nay: 2.207 trường hợp, trong đó không phép: 866 trường hợp; sai phép: 1.320 trường hợp; tự ý thay đổi thiết kế: 21 trường hợp...

Anh Cao Thiên Hữu (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức):

Nên tạo điều kiện phù hợp để người dân an cư khiđất nằm trong quy hoạch kéo dài nhiều năm

Trường hợp nhà, đất của tôi nằm trong quy hoạch đường giao thông và đất công viên cây xanh trên địa bàn phường Tăng Nhơn Phú B, thuộc dự án đường Vành đai 2 nhưng việc triển khai quá lâu, nhà thì xuống cấp không thể ở được, còn giấy tờ pháp lý để làm ra sổ thì không thể. Dự án chậm triển khai, cũng không có phương án đền bù để tôi có thể lấy kinh phí đi tái lập một vị trí ở mới, trong khi nhà cửa thì như vậy.

Còn về trường hợp tôi phải xây nhà không phép là vì nhà cửa như vậy rồi làm sao có thể ở được, trong khi đó con cái còn phải ăn ở, học hành. Quy hoạch treo thì lại quá lâu. Tôi có liên hệ nhiều công ty về dịch vụ để làm giấy tờ thì người ta kêu đất này là quy hoạch treo, mình không thể làm sổ được.

Bây giờ, tôi mong sao Nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi được sửa chữa, cải tạo lại hiện trạng nhà cũ trong khi đang chờ quy hoạch và phương án đền bù để triển khai đường Vành đai 2.

Tôi cũng đã liên hệ với rất nhiều công ty về dịch vụ nhà, đất, thật sự cái khó luôn là thành phần hồ sơ, vì nó quá rườm rà. Công ty trả lời là có thể được hoặc không nhưng với chi phí thực hiện cho một bộ hồ sơ rất cao. Hiện nay, với kinh tế hạn hẹp tôi không thể làm được hồ sơ liên quan tới đất đai của mình…

Bài 5: Chuyên gia và người dân chỉ ra nhiều bất cập
Một người dân chỉ phần đất của gia đình nằm trong quy hoạch "treo", ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của gia đình

Anh Nguyễn Hùng (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức):

Thủ tục xin phép sửa chữa, cải tạo công trình có quá “cứng”?

Về thủ tục cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình thì liên hệ trực tiếp với Địa chính phường. Sau khi liên hệ gặp cán bộ địa chính phường, thủ tục đầu tiên của tôi đó là chụp hình hiện trạng nhà cũ, xác định vị trí gửi phường. Nếu 2 - 3 ngày sau, phường xác nhận các thủ tục rồi thì mình tiến hành sửa chữa, cải tạo.

Như hiện trạng nhà tôi có quy mô cấp 4, các vách tường xung quanh đã hư hỏng, lún nứt, xuống cấp. Tôi có nhu cầu muốn xây dựng lại các vách tường trên nhưng khi Địa chính phường xác minh lại không giải quyết mà cứ trả lời là phải làm theo quy định chỉ cải tạo, gia cố không được đập ra xây lại. Thiết nghĩ việc các bức tường trên không còn cách nào cải tạo được nữa thì tôi mới xây dựng mới, không lấn chiếm diện tích, cũng như không tăng thêm diện tích sử dụng, vậy mà cũng không được giải quyết.

Để hạn chế người dân làm sai, theo tôi, khi cử các cán bộ xuống xác minh, xem xét hiện trạng thực tế và đánh giá chất lượng công trình cần đứng ở nhiều góc độ khác nhau chứ đừng cứng nhắc quá mà ảnh hưởng tới nhu cầu cấp thiết của người dân.

Anh Trịnh Tấn Bình (phường Long Trường, TP Thủ Đức):

Thủ tục, hồ sơ nhà, đất hiện nay phức tạp, quá nhiều thủ tục “con”

Vấn đề tách thửa hiện nay đang gây nhiều bức xúc cho người dân, cụ thể là gia đình tôi. Gia đình có một khu đất, muốn chia cho các thành viên ra ở riêng nhưng khi tiến hành thủ tục tách giấy chứng nhận thì gặp quá nhiều các yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Đầu tiên là yêu cầu phải cam kết bỏ phần đất thuộc quy hoạch lộ giới, trong khi trước đây tôi đã đóng tiền chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cho phần đất thuộc lộ giới đó, đã được công nhận trên giấy chứng nhận. Theo quy định, nếu giải phóng mặt bằng mở rộng đường thì phải xem xét đền bù cho tôi phần đất ở thuộc lộ giới đó. Bây giờ nếu muốn tách giấy chứng nhận thì tôi phải cam kết bỏ phần đất đó ra đường, coi như vừa mất đất, vừa mất tiền chuyển mục đích, thiệt hại cho người dân quá lớn.

Chưa hết, tôi cũng rất nhiều lần đến liên hệ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, đề nghị hướng dẫn thủ tục tách thửa nhưng được hướng dẫn gặp công ty có chức năng đo vẽ. Đến khi đo vẽ xong thì chi nhánh lại trả lời không đủ điều kiện để tách thửa. Nếu ngay từ đầu được hướng dẫn và cho biết không đủ điều kiện thì người dân đâu phải mất chi phí đo vẽ, mà lý do không đủ điều kiện tách là do tôi chưa bỏ đất làm đường.

Nếu thủ tục cứ nhiêu khê như vậy thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng xây lụi, xây tạm, xây không phép. Muốn hạn chế tình trạng xây không phép, sai phép, thì trước tiên các quy định cần phải phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

công trình góc đường Nguyễn Thị Định - Lê Hữu Kiều không tìm thấy thông tin cấp phép xây dựng trong bản đồ thông tin quy hoạch  TP Thủ Đức
Một công trình ngay góc đường có phần lớn diện tích đất nằm trong quy hoạch đất giao thông

Ông Phạm Thanh Việt (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức):

Nhu cầu chính đáng của người dân cần được xem xét và tạo điều kiện để đảm bảo quyền sử dụng đất

Tôi cảm nhận được nhiều chính sách trong quản lý đô thị, xây dựng hiện nay không có đảm bảo nhu cầu, lợi ích chính đáng cho người dân. Thực tế, quy hoạch lộ giới và đường giao thông, công viên, giáo dục… quá nhiều nhưng triển khai không bao nhiêu. Khu nào bị áp quy hoạch là y như rằng đời sống người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khu nhà tôi nằm trong quy hoạch đường giao thông gần 15 năm nay. Theo thời gian, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, tole hư hỏng, xà gồ mục nát... Tôi muốn sửa chữa, cải tạo đổ sàn mái bê tông để đảm bảo an toàn, ổn định nơi ở nhưng khi liên hệ với các cơ quan để xin cấp phép xây dựng thì không được. Lý do vì vị trí nhà đất nằm trong quy hoạch lộ giới, không thuộc diện được cấp phép xây dựng. Sau đó, cán bộ hướng dẫn chúng tôi về phường để xin sửa chữa, cải tạo. Nộp hồ sơ xin ở phường, cán bộ địa chính đi kiểm tra về, sau đó trả lời thẩm quyền giải quyết chỉ được thay tole, nâng nền, cải tạo những vết nứt, không cho xây mới…

Nhà nước có chính sách phù hợp thì sẽ hạn chế được những cái sai. Theo tôi, Nhà nước và các cấp chính quyền cần có chính sách, tạo điều kiện cho những hộ có nhà đất nằm trong khu vực quy hoạch kéo dài, không xác định được thời gian thực hiện... thì được sửa chữa, cải tạo theo nhu cầu thực tế để người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền sử dụng đất...

Liên quan đến thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 23/CT-TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Hưng - Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức cho biết:

Ngay từ khi sáp nhập 3 quận: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức thành TP Thủ Đức, Thường trực HĐND thành phố đã đặt ra nhiệm vụ giám sát việc thực hiện CT 23 là nhiệm vụ thường xuyên, trong suốt các kỳ họp của HĐND thành phố và trong quá trình đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình tại các đơn vị ứng cử.

Trên cơ sở nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND thành phố, ngày 6/9/2022, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Quyết định số 226/QĐ-HĐND về việc thành lập đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện CT 23 ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP Thủ Đức.

Trước khi thực hiện CT 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Thủ Đức cũng diễn ra khá phức tạp. Nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trên nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.

Nguyên nhân khách quan của tình hình trên chủ yếu là do người dân nhập cư tăng cao, nhu cầu về nhà ở lớn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của các quy định pháp luật và chế tài chưa đủ để răn đe, cố tình vi phạm.

Nguyên nhân chủ quan là chương trình nhà ở dành cho người nhập cư chưa được quan tâm.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng; Chưa quyết liệt, cá biệt có nơi còn buông lỏng, để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu.

Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng ở nhiều nơi chưa được tập trung đúng mức, chưa nhận trách nhiệm trước Nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương.

Sự phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận và UBND phường trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả…

Từ tháng 1/2021 đến nay, UBND TP Thủ Đức đã quan tâm, tập trung triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo nội dung CT 23 và Kế hoạch số 3333/KH-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh.

UBND TP Thủ Đức đã ban hành và thường xuyên tập trung chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, bám sát tình hình thực tế; Duy trì giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý định kỳ hàng tháng.

Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực trong lĩnh vực trật tự xây dựng; Tập trung tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng có quy mô lớn, phức tạp trên địa bàn một số phường để đảm bảo hiệu quả răn đe...

Qua giám sát, TP Thủ Đức đã đánh giá về tình hình vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn có chiều hướng kéo giảm so với giai đoạn trước đây, bình quân khoảng 0,27 trường hợp/ngày.

Hiện nay, Thường trực HĐND TP Thủ Đức vẫn xác định việc giám sát UBND TP Thủ Đức và 34 phường trong thực hiện CT 23 là một nhiệm vụ quan trọng…

Kết quả giám sát về công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP Thủ Đức sẽ được báo cáo đại biểu tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm để cùng nhau thảo luận, đánh giá và có giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả…

Đọc thêm

Tuyệt đối không cho phương tiện lưu thông qua các vùng ngập lụt Đô thị

Tuyệt đối không cho phương tiện lưu thông qua các vùng ngập lụt

TTTĐ - Ngày 11/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác bến xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vận hành trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách khi thời tiết bất lợi.
EVNHANOI nỗ lực huy động, tìm và khắc phục sự cố do bão lũ Đô thị

EVNHANOI nỗ lực huy động, tìm và khắc phục sự cố do bão lũ

TTTĐ - Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) nỗ lực huy động nhân lực, vật lực, duy trì điện các trạm bơm tiêu thoát nước; đảm bảo an toàn trong công tác và trong sử dụng điện nhất là vùng ngập úng; Khắc phục nhanh nhất cấp điện phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
EVN nỗ lực ứng phó và vận hành an toàn lưới điện Đô thị

EVN nỗ lực ứng phó và vận hành an toàn lưới điện

TTTĐ - Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 3, lưu lượng nước lớn vẫn tiếp tục đổ về các hồ thuỷ điện. Các hồ chứa thủy điện ở phía Bắc hiện đang thực hiện mở các cửa xả để điều tiết theo điều hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố.
Hà Nội cấm xe đi đường gom đại lộ Thăng Long do ngập úng Đô thị

Hà Nội cấm xe đi đường gom đại lộ Thăng Long do ngập úng

TTTĐ - Chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo phân luồng giao thông trên đường gom Đại lộ Thăng Long do mưa kéo dài gây ngập sau bão số 3. Thời gian thực hiện từ hôm nay đến khi có thông báo thay thế.
Cấm người đi bộ và phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên Đô thị

Cấm người đi bộ và phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên

TTTĐ - Chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo về việc điều chỉnh giao thông qua cầu Long Biên, trong đó cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu từ 15h cùng ngày cho đến khi có phương án thay thế.
EVN cập nhật thông tin và khôi phục cung cấp điện sau bão Đô thị

EVN cập nhật thông tin và khôi phục cung cấp điện sau bão

TTTĐ - Vào lúc 15h ngày 10/9, EVN tiếp tục cập nhật thông tin về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đến vận hành và cung cấp điện.
EVNHANOI sẵn sàng ứng phó nguy cơ ngập lụt tại Hà Nội Đô thị

EVNHANOI sẵn sàng ứng phó nguy cơ ngập lụt tại Hà Nội

TTTĐ - Dự báo hoàn lưu cơn bão số 3 sẽ tiếp tục gây mưa lớn khiến mực nước sông dâng cao lên mức báo động, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đồng thời duy trì các lực lượng tại chỗ, tăng cường các lực lượng xung kích sẵn sàng ứng phó nguy cơ ngập lụt tại Hà Nội.
Hải Phòng di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư xuống cấp Đô thị

Hải Phòng di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư xuống cấp

TTTĐ - UBND TP Hải Phòng vừa đồng ý đề xuất của Sở Xây dựng Hải Phòng về việc bố trí, sắp xếp di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư cũ nguy hiểm do ảnh hưởng của bão Yagi để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Cấm phương tiện vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ Đô thị

Cấm phương tiện vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

TTTĐ - Do mưa kéo dài, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ngập sâu, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với các địa phương cấm phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Cầu Chương Dương vẫn đảm bảo khả năng chịu lực Đô thị

Cầu Chương Dương vẫn đảm bảo khả năng chịu lực

TTTĐ - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo khẳng định, cầu Chương Dương tuy đã xuống cấp nhưng vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản hoạt động bình thường.
Xem thêm