Bài 5: Sinh viên Y tình nguyện lên đường chống dịch
Dương Thu Hương, sinh viên trường Đại học Y tế công cộng
Bài liên quan
Những thầy thuốc trong lòng dịch Covid-19
Bài 2: “Thiên thần áo trắng” trong khu cách ly
Bài 3: Bác sĩ công an ứng trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Tình nguyện lên đường
Đã gần 10 ngày, Dương Thu Hương (sinh viên năm cuối, ngành Y tế công cộng, trường Đại học Y tế công cộng) tình nguyện về Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tham gia công tác phòng chống dịch. Các công việc do cô chú lãnh đạo trung tâm giao đều được cô sinh viên nắm bắt và thực hiện rất thành thạo.
Hương là một trong số 40 sinh viên của trường Đại học Y tế công cộng viết đơn tình nguyện đến các “điểm nóng” để hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Tự hào, đó là cảm xúc đầu tiên cô sinh viên này cảm nhận được khi cầm quyết định điều động. Tuy nhiên, Hương cũng hiểu rõ đây là trách nhiệm và cơ hội để học tập, cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc.
Hương kể: “Ngay từ khi mình đăng kí học Y tế công cộng, bố mẹ đã chuẩn bị tinh thần khi có dịch bệnh là mình phải lên đường. Tuy nhiên, với dịch Covid-19 lần này, mình cũng phải động viên để bố mẹ yên tâm. Mình nói: “Con đã học ngành y rồi, lại là ngành Y tế công cộng. Đây là lúc con hiểu được những việc sau này ra trường mình sẽ phải làm. Hơn nữa, nhà trường và đơn vị thực tập đã trang bị những biện pháp tốt nhất để chúng con tự bảo vệ bản thân”. Vì vậy, bố mẹ rất ủng hộ”.
Nhiệm vụ của Hương khi về Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm là cùng một số nhân viên khác nhận điện thoại thông báo về ca bệnh, báo cáo lại với Giám đốc Trung tâm Y tế quận và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; phân loạt đối tượng tiếp xúc; lấy mẫu xét nghiệm và phun khử khuẩn tại các hộ gia đình… Mặt khác, Hương tham gia tập huấn cho nhân viên các trạm y tế tuyến phường về lấy mẫu, mặc đồ bảo hộ.
Theo cô bạn, số lượng công việc lớn nên đòi hỏi tất cả các nhân viên y tế phải tập trung cao độ. Khi có kết quả trả về, nhân viên y tế phải rà soát những người có liên quan như đối tượng F1, F2…
Đặc biệt, khi có sự lây nhiễm chéo ở ổ dịch Bạch Mai, Hương và các anh chị trong trung tâm càng phải tăng cường độ làm việc. Thậm chí, họ làm việc 24/24 giờ để có kết quả nhanh nhất, hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Sinh viên trường Đại học Y tế công cộng tình nguyện lên đường chống dịch |
“Thường buổi sáng chúng mình phân loại đối tượng F1, F2 để cách ly tại nhà và xuống lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều hôm chúng mình hoàn thành công việc khi đã 23, 24 giờ đêm. Từ ký túc xá trường đến Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm hơn 10km nên những ngày đi lấy mẫu, mình thường xin các anh chị đi địa bàn gần trường. May mắn về quá giờ quy định nhưng mình vẫn được các chú bảo vệ tạo điều kiện vì hiểu tính chất đặc biệt của công việc”, Hương tâm sự.
Cơ hội học từ thực tiễn
Giống như Hương, Nguyễn Công Minh (ngành Y tế công cộng, trường Đại học Y tế công cộng) cũng tình nguyện lên đường chống dịch.
Trước khi bắt đầu công việc, Minh và các sinh viên khác đã được tập huấn kỹ càng từ việc mặc và cởi đồ bảo hộ ra sao, cần chú ý những điều gì trong quá trình thu thập thông tin dịch tễ…
Vì vậy, chàng sinh viên năm cuối này rất tự tin bắt nhịp công việc với các cô chú, anh chị tại Trạm y tế phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
“Nhiệm vụ của mình cũng như nhiều bạn sinh viên khác khi về các đơn vị là điều tra dịch tễ các trường hợp bệnh; bám sát địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ do tiếp xúc gần; giám sát, khoanh vùng; tư vấn cho các trường hợp tiếp xúc gần, hướng dẫn, các ly, tự bảo vệ. Đặc biệt, mình hỗ trợ các anh chị lên danh sách phun khử khuẩn nhất là các chung cư trên địa bàn”, Minh cho biết.
Chàng sinh viên năm cuối hiểu rằng, đây là cuộc chiến thực sự. Vì vậy, mỗi người phải nỗ lực hết sức để cùng đóng góp, đẩy lùi dịch bệnh. Hơn nữa, việc đi thực tế cũng giúp Minh vận dụng và hiểu rõ hơn những lý thuyết học được ở trường.
Minh chia sẻ: “Ngay từ khi xác định thi vào đại học, mình đã nhận ra phần nào vai trò và trách nhiệm của bản thân. Đây là lúc mình thể hiện trách nhiệm của một công dân, sinh viên ngành Y đóng góp cho đất nước trước tình hình khó khăn hiện nay”.
Theo đăng ký, Hương, Minh và nhiều sinh viên trường Đại học Y tế Công cộng sẽ kết thúc đợt tình nguyện vào ngày 16/4. Tuy nhiên, nhiều bạn trong đó có Hương đã tình nguyện ở lại các trung tâm, trạm y tế đến khi nào hết dịch. Dù có khó khăn, vất vả hơn, họ vẫn quyết vượt qua để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch, những sinh viên năm cuối sẽ phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Vì thế, Hương, Minh và nhiều bạn sinh viên tình nguyện khác vẫn tranh thủ từng ngày vừa tham gia chống dịch, vừa sắp xếp việc học và củng cố lại kiến thức ôn thi tốt nghiệp.
“Với những nỗ lực mà chúng ta đã làm, chắc chắn cuộc chiến này sẽ thành công. Khi đó, chúng mình sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục học tập, rèn luyện để trở thành y, bác sĩ giỏi, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng”, Hương chia sẻ.