Bài 60: Phố phường thắm sắc hương xuân
![]() |
>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
* Bài 50: Vui buồn ở phố đi bộ
* Bài 51: Hà Nội ngày ấy - bây giờ
* Bài 52: Áo dài khoe sắc gọi xuân về
* Bài 53: Phố cổ, nghề xưa
* Bài 54: Xấu đẹp không chỉ ở bộ quần áo
* Bài 55: Chuyện biếu quà Tết
* Bài 56: Lễ chùa đầu năm – Nét đẹp văn hóa
* Bài 57: Khi lòng tham làm lu mờ cả nhân cách…
* Bài 58: Mượn Tết để chặt chém
* Bài 59: Nỗi buồn sau Tết
Ai bảo những thứ nhỏ nhoi như bông hoa, cái lá không làm nên điều kì diệu. Khi nó đã thấm sâu vào tâm khảm, là một phần của kí ức thì nó cũng là một phần của cốt cách, tâm hồn con người...
Năm nay mưa xuân muộn, nhiều cành lá còn chưa bung tỏa nhưng sức xuân vẫn cứ như tràn trên những tàng cây. Thường thì mọi năm cữ này hoa sưa bắt đầu phủ trắng vòm lá và rải rác sắc tinh khôi trên vỉa hè, lòng đường, điểm trang cho những chiếc xe ô tô đậu dưới gốc, vương cả lên tóc người đi đường và làm lòng người náo nức một mùa hoa mới.
Năm nay, sưa chưa nở nhưng hoa ban đã thắm tỏa trên cành. Cây hoa ban quen thuộc trước cửa Công viên Thống nhất, những cây mới trồng ven hồ Thiền Quang hay rèm rủ bên góc căn biệt thự cổ phố Nguyễn Du, đặc biệt là hàng hoa ban bên hồ Tây thơ mộng đã ánh lên cái màu rất xuân của núi rừng Tây Bắc. Lạ kì, hoa không thuộc xứ này mà nhiều năm nay đâm cành bám rễ nơi đây, để mỗi xuân về lại mang sắc màu đặc trưng và nét quyến rũ đầy mộc mạc của mình dâng lên người dân Thủ đô thưởng thức. Thân cây rắn rỏi, cành lá đôi khi rườm rà, lúc lại mảnh như tơ, hoa khi bung nở, khi búp cuộn như ngón tay thon mà gieo vào lòng người một tình yêu giản dị.
Biết bao đôi lứa đã dắt tay nhau đi dưới con đường hoa ban, biết bao búp hoa nằm gọn trong lòng tay ấp ủ yêu thương, những cánh hoa còn ép cả vào nhật kí để thương nhớ về một tình yêu có khi không được trọn vẹn. “Tháng hai hoa ban ngập tràn, tím biếc những gương mặt phố”, dù đã nên đôi nên lứa hay “tình lỡ đã cách xa”, dù còn ở Hà Nội hay bất cứ phương trời nào, mỗi khi thương nhớ hoa ban, câu hát trong bài “Hà Nội 12 mùa hoa” lại vang lên trong kí ức như một lời nhắc nhở rất Hà Nội.
Tết đã qua nhưng người Hà Nội vẫn ăn Tết muộn. Đấy là khi những cành đào rừng, những cành mai trắng vẫn liên tục được chở ngược xuôi khắp phố để phục vụ những người còn nuối tiếc xuân chưa qua. Thú chơi đào muộn rộ lên cách đây mấy năm, giờ đã trở thành một “nếp” quen thuộc của người Thủ đô. Theo đó, những bó hoa thược dược đủ màu, đủ sắc vẫn tươi rói trên những chiếc xe hoa. Tôi lại thích những bó thược dược ấy khi được điểm trang bằng vài nhánh violet tím biếc, nhịp nhàng trên quang gánh theo những bước chân người đi từ các ngõ nhỏ bước ra. Đó là những ruộng hoa nhỏ lẻ sót lại trong thành phố, nơi những tòa nhà ngang dọc tưởng chừng lấn hết đất nông nghiệp.
Nhìn những gánh hoa ấy mới thấy đó đây còn những cánh đồng nhỏ, những mảnh đất xen kẹt trồng rau, ngô, khoai, hoa mang lại sản phẩm nông nghiệp tại chỗ cho người dân thành phố và cả chút ô xi để hít thở khi bụi bặm hoành hành trong không khí. Hoa mới hái tại chỗ, bao giờ cũng tươi và người bán thì thiết tha bán, giá cũng rẻ hơn hoa chuyển các nơi khác về. Cắm một bình hoa rực rỡ, thưởng thức mùa xuân rực rỡ cùng nắng mới bên khung cửa, đó cũng là một thú vui hết sức tao nhã của người Hà Nội.
Phần đa người dân thành phố vẫn có gốc gác làng mạc, quê mùa. Giêng hai này hẳn không ai không nhớ về “hương bưởi thơm cho lòng bối rối”. Thì đây, sẵn những người nhà có vườn hoặc gần vườn bưởi ngoại thành, bẻ những cành hoa trắng xanh, thơm ngan ngát mang vào bày ra rổ, ra mẹt làm nao lòng người đi qua đi lại trên phố. Hương thơm thanh khiết bỗng chốc lan tỏa khắp nơi, xua tan cái ngột ngạt phố phường như kìm ta lại, thôi thúc ta phải mua lấy một vài bó. Hoa bưởi không hề rẻ nhé, cân cả cành cả lá, giá có khi còn đắt hơn những loại hoa nhập khẩu. Bù lại, cắm vài nhánh vào cốc nước, hương thơm lan tỏa khắp nhà, nhất là trong đêm xuân phảng phất hơi sương, thấy tâm hồn như được thanh lọc, lắng đọng. Bao muộn phiền tự dưng tan biến. Cảm giác tuổi tác cũng như vơi bớt đi khi ta thấy mình như được trở lại tuổi thơ bên vườn bưởi ở quê nhà năm nào.
Khi ấy, tôi cứ nghĩ những người bán hoa không chỉ có đầu óc kinh doanh nhạy bén mà còn có cả tâm hồn, phẩm cách của một người nghệ sĩ, một nhà văn hóa nữa. Họ không chỉ mang đến một loại hoa, mà mang cả kí ức, mang cả mùa xuân quê hương, mang đến cả những thứ mà tâm hồn người Hà Nội đang thiếu để lấp đầy khoảng trống ấy, tạo nên một thú vui, một nét tao nhã, một thói quen đầy văn hóa và hết sức thanh lịch.
Còn bao nhiêu sắc hoa nữa để làm nên mùa xuân là bấy nhiêu nét chấm phá về nhu cầu và tình yêu cái đẹp của người Hà Nội. Cứ thế, mùa nối mùa, năm nối năm, văn minh như phù sa được bồi đắp, chắt lọc để tạo nên phong cách người Hà Nội qua mỗi thời kì. Ai bảo những thứ nhỏ nhoi như bông hoa, cái lá không làm nên điều kì diệu. Khi nó đã thấm sâu vào tâm khảm, là một phần của kí ức thì nó cũng là một phần của cốt cách, tâm hồn con người. Yêu hoa, yêu thiên nhiên cũng là một cách để mỗi người sống trọn vẹn hơn với cuộc sống của chính mình và trân trọng không gian, thành phố mà mình đã sinh ra hay nhiều năm gắn bó.
(còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Mẫu biểu trưng chính thức phục vụ tuyên truyền dịp Quốc khánh 2/9

"Thoải mộng" của Cao Minh Tiến đến với người yêu thời trang Hà Nội

Gần 100 vũ công biểu diễn tại vũ kịch "Sắc màu tuổi thơ Vol.6"

VCCA tổ chức triển lãm “Tái chất hoàn sinh - Vật chất tái sinh - Materia Retana”

Cầu nối để nhiều du khách quốc tế biết đến di sản của Hà Nội

Vùng 5 Hải quân trưng bày ảnh “Tự hào người chiến sĩ Hải quân”

Rộn ràng đêm nhạc chào mừng thành lập phường Sơn Tây

Kiều Vũ được Nguyễn Minh Tuấn "chọn mặt gửi vàng" kết màn show diễn

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản
