Bài 7: Đường tới danh hiệu Forbes của cô gái người H’Mông
>> Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức với người trẻ
Bài 6: Cậu bé bán kẹo dạo trở thành CEO ở tuổi 20
Là một trong số những diễn giả trò chuyện tại buổi hội thảo “Phụ nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0” vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 17/1, cô gái dân tộc H’Mông Tẩn Thị Su với bộ trang phục truyền thống nổi bật của mình một lần nữa khiến cả hội trường hàng trăm người phải xúc động về câu chuyện vươn lên của cô.
Giống như hầu hết gia đình người H’Mông khác ở huyện SaPa, nhà Su từng rất nghèo, bố ốm liên miên. Khi bố ốm, mẹ làm rất nhiều việc, Su phải làm thay công việc của bố như đi chăn trâu, lấy rau lợn. Nếu nhà có con trai thì con trai sẽ làm điều đó, nhưng nhà Su chỉ có bốn chị em gái nên từ nhỏ, Su đã tự xem mình như một người con trai vùng núi. Nhà nghèo quá, đến lớp 3 thì Tẩn Thị Su nghỉ học để theo mẹ và chị lên thị trấn SaPa bán hàng. Hàng bán cũng khó, có lúc hai, ba ngày không có khách hỏi. Tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Kinh câu được câu chăng, Su rất khó khăn tiếp cận khách du lịch. Những đứa trẻ người H’Mông, người Dao cứ tranh giành mời chào khách trong cái đói đến rạc người. “Tranh giành khách, chơi xấu nhau kiểu trẻ con đều có cả. Những đứa trẻ xung quanh tôi không người H’Mông thì cũng người Dao, nhà nghèo, bỏ học lên thị trấn bán hàng. Không bán được hàng thì không có gì ăn, bán được cũng bị ghét”, Su kể.
Ngày nào Su cũng phải đi bộ hơn 10km. Có hôm không bán được hàng, chẳng có gì ăn, trời đã chập choạng tối, Su phải đi bộ một mình từ thị trấn Sa Pa về Lao Chải, trong tiếng rít của gió rừng và bóng tối như đặc quánh lại. “Mình nhớ nhất có những hôm không bán được hàng và cũng không có gì ăn cả, mình phải đi bộ hai giờ về nhà trong buổi tối. Lúc đó mình chỉ khoảng 13, 14 tuổi”, Su nhớ lại.
Tiếng Kinh chỉ bập bẹ, tiếng H’Mông nói thì khách du lịch không hiểu, Tẩn Thị Su bắt đầu học lỏm những từ tiếng Anh đầu tiên từ khách du lịch. Những du khách đến SaPa thời điểm năm 2000 rất thân thiện và tốt bụng. Họ không khó chịu khi bị một lũ trẻ nhằng nhẵng bám theo. Rất thường xuyên, họ sẵn lòng ngồi lại để dạy lũ trẻ một vài câu tiếng Anh cơ bản. Su bắt đầu học từ đó, mỗi ngày thêm một vài chữ, rồi cũng đến lúc giao tiếp được với khách nước ngoài.
“Tôi học tiếng Anh bằng cách đó, kiên trì, mỗi ngày nhặt nhạnh một vài từ, vài mẫu câu, rồi mạnh dạn nói với người Tây, nhờ họ sửa nhưng như thế cũng chỉ là tiếng Anh bồi. Tôi muốn học tiếng Anh bài bản để không chỉ bán mấy món hàng thổ cẩm”, Su nói. Chứng kiến nhiều cảnh đời giống mình, phải bỏ học lang thang kiếm sống, không biết ngày mai sẽ ra sao. Su muốn mình phải làm gì khác so với các bạn, phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời.
Su nhận thấy muốn thay đổi cuộc đời, trước hết phải học giỏi tiếng Anh. Su quyết định phải học tiếng Anh bài bản hơn. Cả ngày bị xoay vần trong chuyện bán hàng để mua thức ăn về nuôi sống gia đình nhưng sau một ngày bán hàng, Su tranh thủ vào quán internet ở thị trấn SaPa để học. Năm 2004, internet mới xuất hiện ở đây, giá vào mạng rất đắt, có khi bằng cả ngày bán hàng. Nhưng Su vẫn “cắn răng” vào mạng để học tiếng Anh một cách bài bản. Nhiều người cứ tưởng Su nghiện game, đâu biết cô gái dân tộc ấy ban ngày kiếm sống nuôi gia đình, tối tối lại cần mẫn học tập. Nhờ những giờ ngồi chăm chú trên máy tính, Su học được nhiều từ tiếng Anh hơn. Để có thêm thời gian học tiếng Anh, Su xin đi làm ở trong khách sạn với công việc bưng bê rửa bát. Một lần chứng kiến hai chị em gái người H’Mông rửa bát bị bà chủ xúc phạm, Su xin nghỉ, đi làm hướng dẫn viên du lịch vì vốn tiếng Anh đã “đủ dùng”.
Làm hướng dẫn viên du lịch, Su đưa nhiều du khách nước ngoài tới những thôn bản và sản vật đầy bản sắc của quê hương. Su nắm bắt được những gì mà du khách cần khi tới SaPa, nhưng những dịch vụ du lịch thời điểm đó chưa thật sự hiểu và đáp ứng được. Cô gái này nảy ra ý tưởng thành lập một dự án của người dân tộc bản địa, cung cấp các dịch vụ du lịch tại địa phương mình.
Năm 2007, với sự giúp đỡ của một số khách du lịch người Úc, Su bắt tay vào dự án Sapa O’Châu. “Mình rất muốn có được một công ty thành lập bởi người dân tộc, có thể cung cấp các dịch vụ du lịch tốt tại địa phương mình. Mình mong muốn Sapa O’Châu sẽ là một hình ảnh đẹp để các bạn trẻ người dân tộc noi theo chứ không chỉ biết làm nương làm rẫy hay trẻ em chỉ biết ra trước nhà thờ chèo kéo khách du lịch. Tuy khi nhỏ mình đã từng như vậy, nhưng đó thật sự là hình ảnh không đẹp với du lịch SaPa”
Với Tẩn Thị Su, việc đào tạo những hướng dẫn viên bản địa có kỹ năng, có ngoại ngữ cũng là cách để chia sẻ ước mơ được đi học, đi làm với những số phận giống mình. “Không được đi học là điều rất đáng tiếc với Su. Nhưng Su muốn thay đổi suy nghĩ của những phụ huynh người Mông hiện nay. Nhiều người cứ nghĩ có học thêm cũng chỉ về lấy chồng chứ chẳng có ích lợi gì thêm cả”, Su tâm sự.
Lớp học của Tẩn Thị Su sau nhiều cố gắng đã vượt qua khó khăn và ngày càng vững vàng hơn. Thay vì đi bán hàng, những đứa trẻ được ở chung dưới một mái nhà, học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài. Ngoài những giờ đi học, các em còn được học kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch. Cũng có nhiều lúc trung tâm của Su đứng trước nguy cơ đóng cửa khi nguồn thu nhập từ việc kinh doanh không ổn định.
Tính đến nay, những đứa trẻ của Sapa O’Châu giờ có người đã thành hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm. Rời Sapa O’Châu, có người đã đi học cao đẳng, trung cấp, có người đi làm cho công ty du lịch khác ở Sa Pa. Tẩn Thị Su lại đón những đứa trẻ nghèo khác về dưới mái nhà của mình, lại bắt đầu một quy trình giống như bao năm qua Su đã thực hiện. “Su luôn nghĩ mỗi người khi sinh ra đều có cơ hội của mình. Su cũng đã có một cơ hội rất tốt, việc của Su bây giờ là chia sẻ những cơ hội đó cho người khác” - nghĩ vậy và Su luôn hết lòng với các em nhỏ địa phương.
Bận rộn trao cho những đứa trẻ nghèo cơ hội nhưng Tẩn Thị Su cũng không quên giấc mơ của riêng mình. Mỗi cuối tuần, Su lại tất bật tới lớp học bổ túc văn hóa. Nhiều hội thảo về du lịch ở Hà Nội cũng có mặt Su. Thậm chí Su còn tham gia rất nhiều các hội thảo du lịch ở nước ngoài khi được mời. Cô bé bán hàng rong ngày nào giờ đã thật sự trở thành công dân toàn cầu.
Nay, dự án của Su đã có tiếng vang nhất định và Su không muốn chỉ dừng chân ở Sa Pa, cô còn muốn mở rộng hệ thống Sapa O’Châu sang Bắc Hà, Hà Giang, là những địa điểm du lịch nhiều triển vọng. Su luôn tâm huyết với mục đích của mình, đó là đồng bào dân tộc miền núi có cơ hội phát triển hơn.
(Còn nữa)