Bài 73: Rèn luyện, thử thách cán bộ tại bộ phận “một cửa”
(TTTĐ) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính (bộ phận một cửa) là nơi có điều kiện làm việc khó và phức tạp trong cơ quan hành chính nhà nước. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận này hằng ngày phải tiếp xúc, trao đổi với hàng chục, hàng trăm người ở đủ mọi thành phần, lứa tuổi, tính cách. Thế nên, làm được ở bộ phận "một cửa", cán bộ công chức đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn vững vàng, thái độ nhã nhặn, đúng mực. Cũng vì thế, nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã coi bộ phận “một cửa” là nơi rèn luyện cán bộ, công chức.
>> Phát triển nguồn nhân lực trẻ- Nhiệm vụ chính trị cấp thiết:
Bài 70: Tinh giản biên chế nhưng cần có chính sách đặc thù
Bài 71: Công chức nguồn góp phần làm thay đổi bộ mặt làng xã
Bài 72: Xét tuyển đặc cách viên chức ngành y tế rất hợp lòng dân
Công việc nhiều, áp lực lớn
Là công chức địa chính - xây dựng đã 2 năm nay, hàng ngày trực tiếp giải quyết thủ tục về đất đai của công dân tại bộ phận “một cửa”, anh Vũ Minh Chiến (cán bộ bộ phận “một cửa” quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: Được làm việc ở vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân là vinh dự song cũng là thử thách đối với cán bộ làm việc ở bộ phận “một cửa” như anh. Do được đào tạo, bố trí làm việc đúng với chuyên môn nên trong quá trình xử lý anh có thể tuyên truyền, hướng dẫn luôn cho người dân các trình tự, thủ tục theo quy định, không phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên, về phía người dân, khi được giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, xong sớm thì ai cũng vui vẻ. Hễ xảy ra việc chậm trễ, phải yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung thì không ít người "mặt nặng mày nhẹ", thậm chí còn to tiếng lại với cán bộ.
“Khi đó, việc giữ thái độ nhã nhặn, chuẩn mực, giải thích cho người dân hiểu và không nóng giận là việc không đơn giản, nhất là trong những ngày khối lượng công việc nhiều, có nhiều hồ sơ, giấy tờ cần giải quyết” - anh Chiến cho biết.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận thủ tục tại bộ phận một cửa.
Có lẽ bởi vậy, dù xác định bộ phận “một cửa” là bộ mặt của các cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” đại diện cho hình ảnh của cơ quan đó song không phải cán bộ nào cũng vui vẻ khi được làm việc tại bộ phận này.
Với khối lượng công việc nhiều và tương đối nặng nhọc, thời gian làm việc căng thẳng, tiếp xúc với các thành phần xã hội xấu có, tốt có, khiến tâm lý nhiều người căng thẳng, thậm chí có người bị stress. Nhiều cán bộ công chức không muốn làm việc tại bộ phận “một cửa” và coi đó là việc “bị” phân công, thậm chí coi thời gian làm việc tại bộ phận này là bị đi “đày”.
Thực tế cho thấy, sau nhiều năm triển khai, kiện toàn, mặc dù hoạt động của bộ phận “một cửa” đã phát huy hiệu quả trong hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tại không ít không ít xã, phường, thị trấn, quận, huyện và Sở, một số cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận “một cửa” thái độ phục vụ chưa đúng mực, còn có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, hay cáu gắt. Trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ của một số ít cán bộ, công chức còn hạn chế, dẫn đến việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ chưa đúng quy định, chưa đảm bảo theo yêu cầu. Thực trạng ấy một phần do việc bố trí cán bộ tại bộ phận “một cửa” chưa tốt, một bộ phận cán bộ “một cửa” chưa nhận thức được vai trò và vị trí quan trọng của công việc mình làm.
Coi bộ phận “một cửa” là nơi rèn giũa cán bộ
Cũng từ những đánh giá thực tế cho thấy, nơi nào coi trọng việc bố trí cán bộ, tổ chức một cửa tốt thì nơi đó công việc giải quyết thủ tục hành chính khá trôi chảy. Những năm gần đây, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã tập trung đào tạo nhân lực cho bộ phận một cửa, lựa chọn những cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất tốt, có chiều hướng phát triển đưa về làm việc tại bộ phận "một cửa". Ai "trụ" được, làm tốt ở bộ phận "một cửa", được đồng nghiệp đánh giá cao, nhân dân khen ngợi, sẽ được quan tâm cất nhắc vào những vị trí cao hơn.
Tiêu biểu, để kiện toàn cán bộ tại bộ phận “một cửa”, quận Hà Đông kiên quyết thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm; quận Long Biên chú trọng lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm và đạo đức; quận Hoàng Mai chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, có kỹ năng xử lý phù hợp, khiêm tốn và cho hưởng thêm phụ cấp từ nguồn kinh phí của quận. Đặc biệt, quận Hoàng Mai coi bộ phận "một cửa" là môi trường để rèn luyện cán bộ nên đặt ra kế hoạch 3 năm sẽ luân chuyển cán bộ "một cửa"…
Tại quận Long Biên, Nam Từ Liêm, đã có những cán bộ, công chức trưởng thành từ rèn luyện ở bộ phận "một cửa", được bổ nhiệm vào vị trí công tác cao hơn. Ngược lại, không ít cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ ở bộ phận "một cửa" đã bị thay thế, chuyển sang làm ở vị trí công tác phù hợp với năng lực, thậm chí có những người bị kỷ luật.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng phòng Nội vụ quận Long Biên cho biết: Công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, tác phong, thái độ chuẩn mực, khả năng giao tiếp tốt.
Ngoài việc chấp hành nghiêm túc những yêu cầu, tiêu chuẩn chung của cán bộ CCVC, các cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” quận Long Biên chịu sự quản lý chặt chẽ hơn từ việc đánh giá công tác giải quyết TTHC nói chung và chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức khi thực hiện TTHC nói riêng qua camera theo dõ, máy đánh giá, phiếu ý kiến từ công dân, đường dây nóng và hòm thư tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Kết quả cho thấy, có hơn 99% ý kiến của các tổ chức, cá nhân hài lòng với cách thức và thái độ phục vụ của cán bộ nơi đây.
Với sự nỗ lực từ phía chính quyền, giờ đây, khi đến các cơ quan công quyền nhiều người thay vì mệt mỏi, bức xúc tỏ ra rất hài lòng với thái độ phục vụ, kỹ năng xử lý, thao tác công việc của cán bộ, công chức. Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục tại các quận, huyện trên địa bàn TP đang dẫn đi vào quỹ đạo vừa nhanh, thuận tiện, đúng thủ tục và quy định về thời gian.
Ở phương diện cải cách hành chính, xác định con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng một cửa thì cần sớm chuẩn hóa cán bộ “một cửa” để họ không chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ mà phải luôn tận tình hướng dẫn, trả lời tổ chức, công dân bất kỳ một câu hỏi nào về thủ tục hành chính. Đó là điều rất cần thiết, có ảnh hưởng quan trọng đến việc người dân đánh giá năng lực của cán bộ cũng như sự trong sạch của chính quyền cơ sở.
Thiết nghĩ, các cơ quan hành chính nhà nước nên có quan điểm rõ ràng về việc sử dụng bộ phận "một cửa" như là nơi rèn luyện, đào tạo cán bộ, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, công chức làm việc tại đây thấy rõ đây là niềm tự hào, là cơ hội để rèn luyện và khẳng định bản thân.
(còn nữa)
Hạnh Nguyên