Bài 8: Bí thư đoàn 8X làm giàu từ tình yêu với đất
|
(TTTĐ) Với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, anh Nguyễn Văn Huy (xã Phúc Túc, hiệu Phú Xuyên, Hà Nội) đã biến mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” tại quê nhà thành mô hình kinh tế VAC, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng.
>>“Tiếp lửa” giới trẻ lập nghiệp bằng nghề nông
Bài 1: Lẽ nào chấp nhận bỏ ngỏ sân nhà?
Bài 2: Cơ hội song hành cùng thách thức
Bài 3: Dũng cảm đối diện và xử lý vấn đề
Bài 4: Chàng “kĩ sư nông dân” và câu chuyện chiếc máy nông nghiệp đa năng
Bài 5: Người “tiên phong” trong khu chăn nuôi tập trung Cấn Hữu
Bài 6: Cô gái trẻ làm giàu từ gà lông trắng và bưởi Diễn
Bài 7: Đừng làm theo kiểu phong trào
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Sau khi học xong cấp III, không thi đại học, anh vào quân đội. Hết nghĩa vụ trở về quê hương, Huy học ĐH Luật (hệ vừa học vừa làm) và gắn với công việc nhà nông. Năm 2006 Huy lập gia đình và được ra ở riêng. Kinh tế của đôi vợ chồng trẻ mới tự lập khá eo hẹp, lại thêm thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên chồng chất khó khăn.
|
Nguyễn Văn Huy cho cá ăn tại trang trại nhà mình
“Cưới xong, vốn liếng của chúng em gom được hơn 10 triệu đồng. Để tồn tại, em phải đi giao hàng cho các đại lý bán bánh kẹo trong nội thành Hà Nội. Còn vợ ở nhà bám trụ nghề nông, cấy lúa, chăn nuôi. Ngày đó, việc gì chân chính mà kiếm được tiền là chúng em làm hết…” - Huy chia sẻ.
Vất vả sớm chiều, nhưng gia đình nhỏ của Huy vẫn thiếu trước hụt sau. Là người chồng có trách nhiệm, nhiều đêm Huy trăn trở: không thể để cái nghèo đói mãi bủa vây gia đình mình. Do đó, anh nghĩ phải tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp thì mới nâng cao được thu nhập. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm tòi, học hỏi cùng vốn kiến thức đã học được ở trường. Cuối năm 2011, đầu năm 2012, TP Hà Nội có chủ trương dồn điền đổi thửa, Huy vận động người thân trong gia đình dồn đất ruộng thành đất mẫu lớn, xây dựng trang trại VAC (vườn – ao chuồng) khép kín.
Có đất không có vốn, bước đầu tự lực cánh sinh, Huy từng bước đi lên. Huy nói: “Tuổi nhỏ phải bước bước nhỏ”.
Trong đề án mô hình VAC được Huy lên kế hoạch rất chu đáo. Một phần diện tích, anh xây dựng cơ sở sinh hoạt. Anh dành 30.000 m2 đầu tư vào nuôi cá chép và trắm. Diện tích còn lại Huy nuôi lợn, nuôi vịt đẻ lấy trứng, thịt và trồng hoa màu, cây ăn quả.
Sau gần 2 năm vất vả, vật lộn với nghề, giờ đây mô hình VAC của Huy đã ổn định, giúp gia đình anh thu nhập bình quân ổn định khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Trừ tất cả chi phí, gia đình anh lãi 600 - 700 triệu đồng/năm, đời sống gia đình ngày một nâng cao. Mức thu nhập này ở vùng ngoại thành là điều ít ai dám nghĩ tới, thế nhưng anh Huy đã làm được.
Không chỉ là phát triển kinh tế
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Huy còn là một Bí thư chi đoàn năng động. Một lúc hai vai, để hoàn thành nhiệm vụ, một ngày của anh bắt đầu từ 4h sáng (giờ mùa hè) và kết thúc vào lúc 9h tối.
“Buổi sáng, tôi dạy sớm, tranh thủ cho cá ăn, vệ sinh chuồng trại cho gà, vịt, cùng vợ nhặt trứng. Trưa kiểm tra ao cá, xem độ ô xi trong nước có đảm bảo cho cá không, chiều cũng làm những việc đó. Ngoài ra, mỗi đêm, tôi thức giấc khoảng 2 -3 lần, xem thời tiết có đảm bảo cho vật nuôi không”.
Dù rất bận rộn song Huy chưa bao giờ bê trễ việc Đảng, việc Đoàn. Hầu hết, giờ hành chính anh có mặt ở UBND xã Phú Túc. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh anh có một cộng sự đắc lực, sẵn sàng “chia lửa” để anh hoàn thành nhiệm vụ. Đó là bà xã anh, chị Nguyễn Thị Kim Lương.
“Tôi chỉ lên kế hoạch và định hướng, phần còn lại do bà xã đảm nhiệm. Tôi may mắn lấy được người phụ nữ ngoan hiền, đảm đang” – Huy chia sẻ.
Ngoài việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, nhà nông trẻ , Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Huy còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là đoàn viên thanh niên trong huyện.
Vũ Thanh Tùng, một đoàn viên trong xã chia sẻ: “Mô hình kinh tế VAC của anh Huy là một mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương. Từ thành công của mô hình này đã giúp cho gia đình anh Huy nâng cao thu nhập đời sống và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên trong vùng”.
Đến thăm gia đình Huy vào một buổi trưa cuối hè, chúng tôi thấy, đây sẽ là địa chỉ để nhiều nhà nông trẻ học hỏi kinh nghiệm. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, huyện đoàn Phú Xuyên nên định hướng tiếp tục xem xét để nhân rộng mô hình này đến với đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn, để họ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Từ kinh nghiệm bản thân, Huy cho rằng, để thành công trong nghề nông, trước hết phải có tình yêu với đất và sự tâm huyết. Bản lĩnh thôi chưa đủ, chúng ta cần phải huy động được sức mạnh tổng hợp. Sức mạnh tổng hợp ở đây theo Huy là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình và sự đồng thuận vợ chồng.
Ngoài ra, cần phải có tính kiên trì. Nếu không, khi gặp thiên tai, khó khăn dễ đầu hàng và sẽ thất bại. “Tôi từng trải qua khó khăn và cũng đã từng dao động trước áp lực kinh tế và công việc, nhưng chưa bao giờ đầu hàng. Tình yêu với đất và sự kiên trì giúp tôi thành công” – Huy nói.
Theo Huy, kinh doanh có thể làm giàu rất nhanh nhưng tính ổn định, bền vững thì không thể bằng nghề nông. “Chăn nuôi là lĩnh vực dễ làm giàu nhất, nếu bạn biết nghề và áp dụng được khoa học kĩ thuật. So với xã hội, nghề nông không giàu nhưng có thể tích lũy, có của ăn của để là quý lắm rồi.
Bước đầu sự thành công từ mô hình kinh tế VAC của Bí thư Huy đã được Ban Thường vụ Huyện đoàn Phú Xuyên chọn là mô hình phát triển kinh tế thanh niên tiêu biểu trên địa bàn huyện và được đại diện cho thanh niên huyện xã Phú Túc (Phú Xuyên) về nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2016, do Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Được Thành đoàn Hà Nội vinh danh Đảng viên trẻ tuổi Thủ đô và nhận giấy khen của Huyện đoàn Phú Xuyên; Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ của Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh. |
(còn nữa)
Phương Uyên
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

APEC Innovation 2024: Ban Tổ chức tiếp nhận 1.191 ý tưởng dự thi từ gần 4000 sinh viên

Thúc đẩy phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Hà Nội tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp

Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn vay, ứng dụng AI vào khởi nghiệp

“Xưởng khởi nghiệp” đầu tiên tại Việt Nam vận hành bằng AI

Phiên chợ thanh niên ươm mầm khởi nghiệp

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên “vùng đất khó”

APEC Innovation 2024: Hạn cuối nộp bài dự thi là ngày 31/3

Thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất
