Bãi rác Đa Phước được UBND TP HCM quan tâm đặc biệt vì ô nhiễm
![]() |
Điểm nóng bãi rác Đa Phước được UBND TP HCM quan tâm đặc biệt
Bài liên quan
TP HCM: Bao giờ người dân thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường?
TP HCM: Dân khốn đốn vì phải sống chung với ô nhiễm từ nhà máy bột giặt Lix
TP HCM: Chính quyền và người dân “bất đồng” quan điểm về mùi hôi thối từ Bãi rác Đa Phước
Người dân "sống chung" với bãi rác Đa Phước... Bài 5: Chín triệu USD và cái giá phía sau của dự án
TP mạnh tay, liệu bãi rác Đa Phước có hết mùi hôi?
Liên quan đến hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, mới đây, UBND TP vừa giao UBND huyện Bình Chánh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất.
Đồng thời hoàn thành việc giải tỏa, di dời các hộ dân khu vực 40ha để bàn giao cho Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Công ty VWS) trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa.
UBND TP cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) cần tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình vận hành kỹ thuật, công tác kiểm soát mùi hôi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị; xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường trong các Khu liên hợp xử lý chất thải của TP.
Chủ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước cần thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa việc khuếch tán mùi hôi. Đặc biệt là mùi hôi từ hoạt động xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với Công ty VWS, UBND TP HCM yêu cầu công ty này cần tăng cường thực hiện các giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa việc khuếch tán mùi hôi ra khu dân cư; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động các khu vực vận hành tiếp nhận xử lý chất thải.
Công ty này cũng cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động môi trường của giai đoạn vận hành dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước; nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày, các quy định về việc thực hiện thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Công ty VWS cần sớm hoàn thành thử nghiệm, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác/nước thải MBR mở rộng công suất 2.000 tấn/ngày; tăng cường xử lý triệt để nước rỉ rác tồn lưu và chấm dứt tình trạng lưu chứa nước rỉ rác trong các ô chôn lấp.
Cần có giải pháp cụ thể
Liên quan tới bãi rác Đa Phước, Báo Tuổi trẻ Thủ đô từng có nhiều bài phản ánh việc Sở TN&MT TP HCM ký hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn tại bãi rác Đa Phước chứa đựng rất nhiều sự “thỏa hiệp” ưu ái bất thường giành cho Công ty VWS.
Theo đó, ngày 28/2/2006, UBND TP HCM ủy quyền cho Sở TN&MT TP theo Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 28/02/2006 ký kết hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam VWS.
![]() |
Cần có giải pháp cụ thể đối với hợp đồng xử lý rác tại bãi rác Đa Phước |
Sau khi được UBND TP HCM ủy quyền, Sở TN&MT đã lập tức ký Hợp đồng giao, nhận và xử lý rác (Hợp đồng xử lý rác) với VWS ngay trong ngày 28/02/2006.
Việc ký một hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD, dài đến 31 trang với rất nhiều những điều khoản “phức tạp” nhưng lại thực hiện chỉ trong 1 ngày khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao Sở TN&MT lại có thể thực hiện nhanh chóng đến như vậy? Phải chăng việc ký kết chỉ là hình thức, còn thực tế hợp đồng đã được các bên thỏa thuận, thông qua trước đó?
Ngoài việc ưu ái cho VWS áp giá xử lý rác lên tới 16,4 USD (cao hơn gấp 3 lần đơn vị khác khi xử lý cùng công nghệ), UBND TP HCM còn cho VWS ứng trước 9 triệu USD là một trong những vi phạm đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Mặc dù, đại diện cho lợi ích Nhà nước và người dân nhưng Sở TN&MT TP HCM lại rất “vô lý” khi hỗ trợ “nhiệt tình” cho VWS không phải đóng nhiều khoản thuế, gây ảnh hưởng cả đến lợi ích Nhà nước và người dân.
Cụ thể tại điểm j, khoản 2, điều VI của hợp đồng nêu rõ: “Sở TN&MT bảo đảm VWS được hưởng những ưu đãi đầu tư cao nhất và được hưởng chế độ thuế ưu đãi nhất…
Sở TN&MT sẽ hỗ trợ và giúp đỡ để VWS được miễn các khoản thuế nhập khẩu đối với bất kỳ và tất cả hàng hóa, xe cộ, thiết bị, phụ kiện, vật liệu nhập khẩu cho nhà máy theo văn bản pháp luật hiện hành”.
Không những vậy tại điểm k, khoản 2, điều VI của hợp đồng thể hiện: “Sở TN&MT sẽ giao cho VWS giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất với giá thuê đất bằng không và VWS không phải trả bất cứ khoản tiền thuế đất hoặc bất cứ các khoản phí, lệ phí hoặc chi phí nào khác liên quan đến việc VWS sử dụng Địa điểm trong suốt Thời hạn theo như quy định tại Điều XXI.
Tất cả đất đai bàn giao cho VWS theo Hợp Đồng này đều phải hoàn toàn không bị vướng mắc bởi bất cứ sự xâm phạm, cản trở, trái quyền và đã di dời dân cư hết trên đó và Sở TN&MT thỏa thuận hoàn toàn chịu trách nhiệm giải tỏa mặt bằng, đền bù, di dời hết cư dân trên đó và chịu mọi khoản chi phí có liên quan đến việc giải tỏa mặt bằng, đền bù, di dời hết dân cư, giải quyết tái định cư nêu trên”.
Đánh giá về vấn đề cho thuê đất với giá 0 đồng của Sở TN&MT TP HCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng, riêng việc được nhận mặt bằng tới 128ha trong vòng 50 năm mà không phải trả bất cứ khoản phí, thuế đất nào cũng đã giúp cho VWS hưởng lợi hàng chục tỉ/năm so với các đơn vị khác.
Do đó, không chỉ xử lý các vấn đề còn tồn đọng như việc bãi rác Đa Phước còn gây phát tán mùi hôi, các cơ quan chức năng cần xem xét lại hợp đồng đã ký với Công ty VWS và có biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng tới kinh tế Nhà nước, cũng như đời sống của người dân.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải

Ứng trực bảo đảm thoát nước, phòng, chống úng ngập dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội ngày nắng, chiều tối và đêm có dông vài nơi

Nhiều khu vực ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào

Diễn biến thời tiết các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ hiện đại bảo vệ và phát triển rừng

Đà Nẵng: “Tây nhặt rác” nhân lên những việc tử tế, tốt đẹp

Hà Nội ngày nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 37 độ C

Hơn 1.000 tình nguyện viên giải cứu san hô
