Bàn cách xây dựng một cơ quan báo chí vững mạnh
Hội Báo toàn quốc năm 2024 diễn ra tại TP HCM với nhiều hoạt động sôi nổi xoay quanh lĩnh vực báo chí, trong đó Diễn đàn Báo chí toàn quốc là nơi để các nhà báo, phóng viên, chuyên gia cùng nhau đóng góp, chia sẻ, đề xuất ý kiến... để cùng nhau xây dựng một nền báo chí Việt Nam vững mạnh.
Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 gồm 12 phiên họp: 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề xoay quanh các vấn đề nóng mà báo chí đang rất quan tâm.
Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí
Tại phiên thảo luận chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”, các diễn giả đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm để phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đi vào thực chất và có hiệu quả cao.
Nói về đạo đức người làm báo, nhà báo Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa thông tin, hiện vẫn còn tình trạng dẫn dắt dư luận, giật tít quá chớn, lợi dụng danh nghĩa hoặc dùng quyền lực của nhà báo để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương...
Ông Báu đánh giá đây là những thực trạng đáng lo ngại của một bộ phận người làm báo, làm ảnh hưởng đến những nhà báo chân chính và toàn thể báo giới nói chung.
Xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí là một nội dung hết sức quan trọng (Ảnh minh hoạ) |
Nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa trong báo chí, nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, mỗi nhà báo phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, nhân văn.
Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện đề những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm, có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.
“Một nhà báo đúng nghĩa phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng; song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa. Có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân; khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, nhân văn, giáo dục sâu sắc”, ông Hưng nói.
Đồng quan điểm, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, Hội Nhà báo đã nỗ lực xây dựng tiêu chí văn hoá, đạo đức để làm trong sạch môi trường báo chí.
Theo ông Hồ Quang Lợi, trong việc xây dựng văn hóa cho các đồng nghiệp thì người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng, việc xây dựng văn hóa có tốt đến đâu mà người đứng đầu không gương mẫu thì mọi nỗ lực đều sẽ thất bại. Việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên để đạt được những hiệu quả thực sự cho nghề báo Việt Nam.
Cần xây dựng nội dung khác biệt, vượt trội
Trong phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, trong thời buổi công nghệ số hiện nay, các cơ quan báo chí đòi hỏi phải có chiến lược trong triển khai nội dung một cách khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, hiện nay tại Việt Nam đang có một số cơ quan báo chí thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách.
Bạn đọc tham quan gian báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Theo PGS.TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay, công nghệ khiến báo chí trở nên mới mẻ.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm MDI nhận định: “Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện... để giúp người đọc hiểu rõ nội dung mỗi bài báo"
Song theo các chuyên gia, việc phát triển báo chí dữ liệu tại Việt Nam còn nhiều thách thức như: Thiếu nguồn lực tài chính, áp lực về thời gian, thiếu kiến thức về phân tích dữ liệu hoặc trực quan hóa...
PGS.TS Trần Quang Diệu nhìn nhận, hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ.
Ông Diệu cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.