Bàn về tương lai báo chí...
Hội Báo toàn quốc quy mô nhất được tổ chức tại TP HCM Báo chí Việt Nam tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng |
Đến dự phiên khai mạc diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM... cùng đông đảo các tổng biên tập cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cùng dự.
Không gian phiên khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc chiều 15/3 |
Báo chí là nòng cốt cho sự phát triển của TP HCM
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố và quốc gia luôn xem báo chí là một trong những lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TP HCM là trung tâm lớn về kinh tế - văn hoá - xã hội cả nước, là đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng phía Nam... nhưng trong thời gian gần đây vai trò này đang có dấu hiệu suy giảm. Theo đó, TP HCM đang có 3 điểm nghẽn chiến lược là về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trên mới có thể đưa thành phố về đúng vị thế của mình.
"Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, góp ý, chia sẻ của các cơ quan báo chí, chuyên gia, nhà báo để TP HCM nhận diện rõ hơn, nhận diện đúng vấn đề để đạt được những mục tiêu đề ra", Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn |
Chia sẻ thêm, đồng chí Phan Văn Mãi cho hay, năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm, chào mừng, từ sáng tác văn học nghệ thuật đến phát động phong trào thi đua đặc biệt, triển khai các công trình, dự án…
"Tôi mong muốn báo chí chung tay trong những hoạt động kỷ niệm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền, lan tỏa thông tin mà có thể tham gia trực tiếp, sâu hơn vào các hoạt động thiết thực chào mừng ngày lễ lớn của đất nước", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ.
Công nghệ số là tương lai của báo chí
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
"Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng", đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, đổi mới không phải là một việc quá khó; đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác.
Theo Bộ trưởng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
“Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu |
AI thách thức báo chí
Trình bày tham luận trong phiên khai mạc, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, hiện nay, báo chí đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn.
Theo đồng chí, báo chí ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn: Thứ nhất, đó là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung, gây ảnh hưởng đến lượt tiếp cận mỗi tờ báo.
Thứ hai, hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả, nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba, việc ngày càng có nhiều thiết bị mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển.
Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh trình bày tham luận |
Nêu định hướng thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới; cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.
Đồng chí gợi ý, ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó phải coi doanh thu từ độc giả được coi là chiến lược bền vững hàng đầu.
Thêm nữa, đồng chí cho rằng, báo in cần được "nâng niu" và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại...
10 chủ đề của các phiên tham luận: 1. Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; 2. Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; 3. Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; 4. Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các toà soạn; 5. Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí; 6. Phóng sự, điều tra - hành trình làm điều có ích; 7. Quyền sở hữu trí tuệ tác phẩm truyền hình trong thế giới AI; 8. Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thế giới AI; 9. Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; 10. Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số. |