Bàn giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số
Tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ mới Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ tư Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng |
Sáng 13/3, Báo Người Lao động tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2025 - phiên thứ nhất, với chủ đề: “Giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%”. Chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp lớn và uy tín.
![]() |
Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại phiên thứ nhất của diễn đàn (Ảnh: Hoàng Triều) |
Cải cách thể chế để phát triển
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nếu tiếp tục duy trì nhịp độ như những năm trước, nước ta sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nhiều năm qua, chúng ta vẫn chưa tạo ra được đột phá thực sự, khiến thể chế trở thành "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Mặc dù lựa chọn chiến lược là đúng đắn nhưng cách thức thực hiện lại chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng bế tắc.
TS Nguyễn Đình Cung mong muốn, bên cạnh công cuộc tinh gọn bộ máy, sẽ có một cuộc cách mạng tinh gọn về pháp luật, với kế hoạch xóa bỏ hàng loạt những luật không còn phù hợp hoặc gây cản trở cho phát triển.
Ông cũng cho rằng các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên được giảm bớt quy định, chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động, gia tăng tính tự do trong kinh doanh, trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí về an toàn.
“Đây sẽ là động lực để đạt được tăng trưởng 8% trong năm nay và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
![]() |
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Hoàng Triều) |
Còn theo Ths Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển - Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thành phố cần đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu theo hướng huy động tối đa các nguồn lực từ trong nước, nước ngoài, cộng đồng khoa học và các nhà đầu tư chiến lược.
“Việc kích cầu đầu tư, tiêu dùng và đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu sẽ giúp gia tăng sức mạnh cho các động lực tăng trưởng truyền thống, tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo Ths Cao Minh Nghĩa, việc lấy khoa học, công nghệ làm động lực thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh liên kết vùng… sẽ là những yếu tố đột phá mạnh mẽ đưa TP Hồ Chí Minh tăng trưởng nhanh.
“Để tạo đột phá mạnh mẽ hơn, TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị xây dựng một luật về liên kết vùng. Đây là một vấn đề cấp bách, giúp tạo khung pháp lý rõ ràng, nâng cao tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển kinh tế vùng”, ông Nghĩa nói thêm.
![]() |
Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển - Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Triều) |
Dưới quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2, để TP Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cần tập trung hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng là 16%, với chính sách điều hành linh hoạt, bảo đảm lãi suất ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế; chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cũng được thực hiện nhất quán để tạo động lực cho tăng trưởng.
Cùng góp mặt tại phiên diễn đàn, ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, tỉnh Bình Dương đã xác định 6 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung vào 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 6/12/2024 của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh kết nối giao thông với TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai để tăng cường khả năng giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Với những bước đi phù hợp và sự quyết tâm của cả hệ thống Chính trị, tỉnh Bình Dương tin tưởng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10% - 15% trong năm 2025, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
![]() |
Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ về câu chuyện phát triển tỉnh (Ảnh: Hoàng Triều) |
Doanh nghiệp còn nhiều áp lực
Cũng tại phiên thảo luận thứ nhất Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2025, nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia hiến kế, nêu kiến nghị để giúp nền kinh tế đất nước bứt tốc, tăng trưởng 2 con số.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới để kịp thời thích ứng trước những biến động liên tục.
Ông Tùng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) có tiếng nói để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách ưu đãi. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
![]() |
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch VITAS (Ảnh: Hoàng Triều) |
Về vấn đề này, Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, một trong những điểm nghẽn quan trọng mà doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ là vấn đề thủ tục hành chính. Hiện nay thủ tục hành chính đang quá phúc tạp, rườm rà và liên quan đến quá nhiều bên, trong thời gian tới, cần có sự điều chỉnh về quy trình và cách thức thực hiện.
"Cơ quan được giao chủ trì không nên chờ đợi đầy đủ ý kiến từ các sở, ngành để ra quyết định. Nếu đến thời hạn quy định mà vẫn chưa nhận được đủ ý kiến, cơ quan chủ trì cần được quyền ra quyết định dựa trên thông tin và phân tích sẵn có. Những điều chỉnh này không quá khó nhưng có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp", ông Hoà nhấn mạnh.
Một điểm nghẽn lớn khác được vị Chủ tịch HUBA chỉ ra, đó chính là về vấn đề đất đai. Ông đề xuất: "Đã đến lúc cần thay đổi tư duy từ đấu giá đất sang đấu giá dự án, tức là xác định rõ trên khu đất đó nên thực hiện dự án gì để đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất và tạo ra sức lan tỏa mạnh nhất".
![]() |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa nêu đề xuất (Ảnh: Hoàng Triều) |
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, trong cơ cấu tăng trưởng chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại bán lẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Để lĩnh vực này phát huy hết tiềm năng, ông Đức đề xuất 3 nhóm giải pháp: Giải pháp nền tảng là khôi phục và củng cố niềm tin của người tiêu dùng; giải pháp thúc đẩy là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh nhằm cắt giảm chi phí, gia tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả hoạt động và giải pháp tiên phong là thúc đẩy sáng tạo và đổi mới.
Vị này cũng đề xuất Việt Nam cần có chính sách thu hút mạnh hơn sự tham gia của các nhà đầu tư FDI vào các lĩnh vực bán lẻ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy kinh tế xanh, vừa để nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa để đáp ứng xu hướng phát triển bền vững của thị trường toàn cầu.
Sẽ kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực và lâu dài
Sau khi nghe các ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch đánh giá, phiên thứ nhất của Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã chọn chủ đề rất phù hợp, phản ánh khát vọng chung của toàn xã hội về mục tiêu tăng trưởng 8% trước mắt và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, diễn đàn một lần nữa khẳng định thể chế vẫn là điểm nghẽn lớn nhất. Nếu tháo gỡ được rào cản này, nền kinh tế sẽ có khả năng hấp thụ vốn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, yếu tố mang tính đột phá và nâng tầm nền kinh tế chính là chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi xanh và áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành kinh tế trọng điểm.
![]() |
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch đóng góp ý kiến (Ảnh: Hoàng Triều) |
Trước đó, TS Trần Du Lịch đã nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay không chỉ là một con số đơn thuần mà là khát vọng của cả dân tộc. Nếu không thực hiện được, chúng ta sẽ mất cơ hội trở thành quốc gia phát triển ngang tầm thế giới.
Ông cũng nói thêm, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính có thể gặp một số khó khăn, nhưng nếu chúng ta chớp được thời cơ, sẽ tạo ra sức bật rất lớn trong quản trị đất nước. Một bộ máy hành chính công tinh gọn, vận hành hiệu quả trên nền tảng số hóa sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới.
Tổng kết phiên thảo luận, Tổng Biên tập Báo Người Lao động, Nhà báo - TS Tô Đình Tuân cho biết, Ban Tổ chức đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn, đặc biệt là những giải pháp mang tính vĩ mô, mang tính lâu dài hay các chính sách thiết thực đồng hành cùng doanh nghiệp, tất cả sẽ được Ban Tổ chức có phương án tham mưu, đề xuất đến lãnh đạo Trung ương và TP Hồ Chí Minh, tuyên truyền rộng rãi đến người dân cả nước.
Ông Tô Đình Tuân chia sẻ thêm, ngay trong tuần tới, Báo Người Lao động sẽ tổ chức một diễn đàn nữa về kinh tế tư nhân, về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, cần giải pháp để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh chỉ cần 10% doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ rất khác.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Dấu mốc quan trọng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cộng đồng doanh nghiệp

Giãn lộ trình, giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Trong 7 năm, Hà Nội có hơn 5.000 phụ nữ khởi nghiệp

Khởi nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Vừa thanh tra vừa kiểm toán thì hết thời gian sản xuất, kinh doanh

Khi “trợ lý số” bước vào trạm xăng...

Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp

Hải Dương: Xây dựng môi trường hấp dẫn doanh nghiệp tư nhân

Mở khóa tiềm năng kinh tế tư nhân
