"Bản giao hưởng hòa bình": Khúc tráng ca về Thủ đô nghìn năm văn hiến
Tấm thông điệp về hòa bình của Việt Nam gửi tới thế giới Về Hoà Bình ăn Tết Độc Lập của người Mường Du khách đổ về du lịch Hòa Bình mùa thu đông bởi những trải nghiệm này |
Chào mừng kỷ niệm 1012 năm Thăng Long - Hà Nội, 23 năm Thủ đô được UNESCO vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), tối 8/10, được sự chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản giao hưởng hòa bình”, với chủ đề “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các đại biểu xem chương trình |
Đến dự chương trình có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Ca sĩ Ngọc Khuê với ca khúc Thư pháp như đưa khán giả tới nét đẹp văn thơ của Hà Nội |
Bằng bút pháp nghệ thuật dân gian, chương trình đã tôn vinh những giá trị cao quý, hồn cốt văn hóa làm nên Thăng Long - Hà Nội linh thiêng và hào hoa. Chương trình đưa người xem trở về cột mốc dời đô của vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về thành Đại La cho đến những câu chuyện lịch sử, văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội.
Câu chuyện bắt đầu từ Trấn Quốc Cổ Tự bên bờ Hồ Tây, ngôi chùa lâu đời nhất Thăng Long - Hà Nội với niên đại gần 1.500 năm tuổi.
Nằm ở phía Nam của điện Kính Thiên, hướng thẳng Cột cờ, Đoan Môn với vị trí một trong những cửa chính của Kinh thành, minh chứng cho sự hưng thịnh của cả một triều đại, nhân lịch sử đặc biệt của Hà Nội. Chốn linh thiêng ấy giờ đây được xem là một trong những biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội.
Ca sĩ Đông Hùng, Khánh Linh với nhạc phẩm Sen hồng hư không |
Trải qua ngàn năm lịch sử, Hà Nội hôm nay vẫn lưu giữ trong mình biết bao giá trị văn hóa truyền thống. Đến thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội vẫn là lá cờ đầu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị, môi trường, đời sống nhân dân phát triển, nỗ lực, giữ cho được cái hồn cốt của mảnh đất "kinh sư muôn đời".
Hồn cốt ấy chính là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, linh thiêng và hào hoa.
Sự hòa quyện tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại mang đến một màu sắc âm nhạc rất khác |
Bên cạnh đó, những ký ức, câu chuyện kể của GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà văn Nguyễn Trương Quý được thể hiện trong các phóng sự “ Thăng Long trong mạch nguồn lịch sử dân tộc”, “Sông Hồng và văn hóa Thăng Long”, “Linh thiêng Tây Hồ” cho thấy, Hà Nội là trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, vô vàn giá trị lịch sử, bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cho cả sự phồn thịnh của Kinh đô xưa và Thủ đô nay.
Tà áo dài truyền thống kết hợp cùng nét hiện đại được ca sĩ "Chuồn chuồn ớt" mang đến chương trình "Bản giao hưởng hòa bình" 2022 |
“Bản giao hưởng hòa bình” còn mang đến một chương trình nghệ thuật chất lượng cao với những ca khúc bất hủ như Truyền thuyết hồ Gươm, Dời đô! Ngàn năm vang mãi, Thư pháp, Sen hồng hư không, Hà Nội linh thiêng hào hoa,Thăng Long tinh hoa hội tụ, Ngẫu hứng sông Hồng, Một thoáng Tây hồ, Hà Nội niềm tin hy vọng…
Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật đan xen, chương trình “Bản giao hưởng hòa bình - Hà Nội linh thiêng và hào hoa” năm nay đã mang đến một không gian nghệ thuật nhiều màu sắc, hấp dẫn về một Hà Nội đậm đà bản sắc dân tộc, linh thiêng, hào hoa nhưng vẫn đang từng ngày đổi mới, phát triển hiện đại và không ngừng sáng tạo.
Ca sĩ Đông Hùng trong nhạc phẩm Ngẫu hứng sông Hồng 2 |
Thăng Long - Hà Nội giữ một vị trí và sứ mệnh đặc biệt, là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất, mảnh đất được xem là "lõi vàng" của nền văn hiến Việt Nam |
Các tiết mục biểu diễn trong chương trình |