Bán hàng online và những câu chuyện “dở khóc dở cười”
Khi việc học online trở thành nơi "đối đầu"... Hà Nội: Mua sắm online của người dân tăng cao trong đợt giãn cách Nhiều bất cập trong việc dạy và học online Giao dịch online “bùng nổ” mùa dịch |
Dịch Covid-19 xuất hiện cùng với nhiều diễn biến phức tạp đã làm thay đổi thói quen của hầu hết người tiêu dùng và mua hàng online đã trở thành phương án tối ưu. Chỉ cần ngồi đâu đó với điện thoại thông minh hay máy tính kết nối mạng là dường như “cả thế giới thu gọn trong lòng bàn tay”.
Cũng chính từ những tiện ích này đã kéo theo hệ lụy và những trường hợp “dở khóc, dở cười” khi văn hóa ứng xử là những điều không ai lường trước được.
Khi mua sắm online ngày càng trở thành xu thế, văn hóa ứng xử cũng là điều cần quan tâm |
Ấm ức cách hỏi giá tiền sản phẩm
Từ cách hỏi giá chưng hửng "giá, bao nhiêu, chấm" đến những phản hồi súc tích tới mức cộc cằn “đắt thế, ai rảnh mua, giá thế lên trời mà bán" khiến các chủ tiệm, nhân viên cửa hàng cảm thấy bối rối, không được tôn trọng. Nhiều người chọn cách nhẫn nhịn vì châm ngôn "khách hàng là thượng đế" song số khác lại tỏ rõ thái độ không vừa lòng với tình huống trên.
Cô gái trẻ Hải Hà (23 tuổi, chủ cửa hàng sách online ở Hà Nội) cho biết, từ khi bắt đầu kinh doanh thời trang online đã gặp vô vàn tình huống "dở khóc, dở cười" với khách hàng. Hải Hà kể rằng, cách hỏi như trên chưa phải điều tệ nhất mà là khi người mua liên tục giục báo giá nhưng sau cùng lại chẳng ưng món nào.
"Nếu họ nói chuyện lạnh lùng, cụt lủn mà mua hàng thì mình cũng không thấy có vấn đề gì, có lẽ chỉ hơi ấm ức một chút. Nếu tiệm dành thời gian tư vấn, giải đáp hết thắc mắc này tới câu hỏi kia mà họ nhắn một câu "Ai rảnh mua" thì thật không chấp nhận được", Hải Hà chia sẻ.
Màn hỏi giá "đi vào lòng người" |
Còn bạn Hàn My (25 tuổi), chủ tiệm đồ trang sức online ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, cô đã thẳng thắn từ chối phục vụ những vị khách hỏi giá, nhờ tư vấn trống không như "nhiêu", "giá" hay "?".
Hàn My cho biết mình không ngại tư vấn cho khách hàng, chỉ là cô cảm thấy mình không được tôn trọng. Nếu người mua chưa tìm được sản phẩm ưng ý ở cửa hàng, My cũng không bận lòng. Điều khiến cô buồn nhất là bản thân ít khi nhận được lời cảm ơn hoặc đáp lại từ họ.
“Mình cần gì nhiều đâu, chỉ cần khách trả lời ‘Ừ, để mình xem thêm nhé’ hoặc ‘OK có gì mình sẽ nhắn’. Nhiều lần, họ chỉ đọc tin nhắn rồi để đó, không phản hồi dù mình đã tư vấn nhiệt tình và chạy đi chạy lại chụp các góc của sản phẩm để khách hàng xem theo ý của mình”, Hàn My kể lại.
Lời nói chẳng mất tiền mua
Quang Minh, chủ cửa hàng đồ ăn vặt online, khẳng định sẽ tư vấn và chăm sóc nhiệt tình với khách hàng trao đổi dễ thương, lễ phép hơn những ai xưng hô trống không. Minh nghĩ rằng cửa hàng nào cũng muốn phục vụ các vị khách nói năng tử tế do cảm giác họ có văn hóa mua hàng. Ngược lại, những ai ăn nói cộc lốc thường bị dè chừng hơn.
"Người nói chuyện cụt lủn, thô lỗ hay "đi kèm" các sự cố ngoài ý muốn như đòi đổi đồ, phàn nàn sản phẩm hoặc bỏ ngoài tai lời tư vấn của cửa hàng. Những trường hợp đó mình cũng nản, mất nhiệt huyết "chốt đơn", chấp nhận thà mất vị khách đó cho yên thân”, Minh cho biết thêm.
Khi cả người bán và mua đều lịch sự, việc mua bán online sẽ diễn ra thuận lợi và vui vẻ hơn |
Là một người mua hàng, Thùy Linh (23 tuổi, sinh viên Đại học Mở Hà Nội) cho biết, cô không đồng tình với cách hỏi mua hàng, trả giá của nhiều vị khách. Linh cho rằng cách nói chuyện như vậy thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với người bán, dễ mang lại những cảm xúc tiêu cực cho người đang giao tiếp.
“Tâm lý là người mua hàng, mình hiểu ai cũng muốn nhắn hỏi nhanh chóng vì họ lướt một lúc nhiều shop khác nhau. Tuy nhiên, chủ cửa hàng phải tiếp lượng khách còn nhiều hơn như vậy. Nếu ai cũng nói chuyện không đầu đuôi như thế, nhân viên cửa hàng sẽ gặp áp lực vì đa phần những người đi làm thêm là các bạn sinh viên trẻ, dễ gây ra hiểu lầm đáng tiếc", cô gái trẻ chia sẻ
Thùy Linh cũng khẳng định, dù là người mua hay bán, việc bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời nói lịch sự là chuyện tất nhiên, chỉ nên phản ứng nếu đối phương có thái độ thô lỗ.
"Mình nghĩ một lời nói lịch sự, tử tế, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ chẳng mất gì vì lời nói chẳng mất tiền mua. Nếu một trong hai phía có thái độ bất lịch sự, lúc đó mình phản ứng cũng không muộn", Thùy Linh chia sẻ thêm.