Ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cần thiết
Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam để thực hiện Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, đầy đủ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành kể cả các văn bản dưới luật để bao quát toàn diện và đầy đủ hơn.
ĐBQH đoàn TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng đánh giá "Việc sớm ban hành Luật Cảnh sát biển là cần thiết, có cơ sở pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao năng lực, trách nhiệm của Cảnh sát biển Việt Nam trong đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam chúng ta là thành viên.
Tuy nhiên, ĐB Hưng nhấn mạnh "Trong dự thảo, tôi thấy có Điều 26, 27, 28, 29, 30, đó là trách nhiệm phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng thuộc Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan v.v... Nhưng chúng tôi không thấy có sự phối kết hợp với ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Chúng tôi thấy Ban soạn thảo nên trao đổi với bên du lịch để trong quá trình soạn thảo luật này, tránh tình trạnh như trước chúng ta cũng có ban hành Luật Xuất nhập cảnh nhưng vừa ban hành xong đã phải liên quan đến du lịch tàu biển cũng đã phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn".
Liên quan đến vị trí, chức năng nhiệm vụ của Cảnh sát biển, đây là nội dung quan trọng của dự thảo luật chi phối toàn bộ nội dung dự án luật, cơ bản các ý kiến tán thành xác định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang; việc thực thi pháp luật trên biển hiện nay không chỉ có lực lượng cảnh sát biển mà còn nhiều lực lượng khác tham gia như hải quân, kiểm ngư, biên phòng...
Một số đại biểu đề nghị làm rõ, phân tích, nghiên cứu kỹ, bảo đảm phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp để bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo theo đúng nguyên tắc một cơ quan tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung về khái niệm giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức của cảnh sát biển. Phạm vi hoạt động, các biện pháp công tác của cảnh sát biển và hợp tác quốc tế. Việc trang bị sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, việc huy động người, phương tiện, quyền truy đuổi của cảnh sát biển. Rà soát nghiên cứu kỹ tính hợp lý các quy định về phối hợp hoạt động của cảnh sát biển để bảo đảm phù hợp khả thi.
Đề cập đến trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, chế độ, chính sách đối với cảnh sát biển, một số ý kiến góp ý cụ thể vào vấn đề từ ngữ, kỹ thuật văn bản, bố cục các chương, điều của dự thảo luật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị rà soát bổ sung, hoàn thiện, để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều ước quốc tế. Các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ phải được nghiên cứu thật kỹ bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, tránh mâu thuẫn.
Phát biểu giải trình và làm rõ một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, về vị trí, chức năng của cảnh sát biển, một số ý kiến đề nghị làm rõ vị trí, chức năng của cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng báo cáo như sau: "Quy định vị trí, chức năng của cảnh sát biển trong dự thảo luật nhằm thể chế Nghị quyết 09 ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển và Nghị quyết 28 ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển năm 2008 về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam".
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, thực tiễn 20 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bằng các biện pháp mang tính dân sự, hòa bình là chủ yếu, như pháp luật, ngoại giao, tuyên truyền vận động, áp dụng biện pháp nghiệp vụ tương đồng với vị trí chức năng của cảnh sát biển các quốc gia khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. An ninh trật tự, an toàn môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về nguyên tắc tổ chức của Cảnh sát biển, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Cảnh sát biển đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Điều 5 dự thảo luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm thể chế Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, đó là xây dựng lực lượng quân đội, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc phòng quy định hoạt động quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự quản lý thống nhất của nhà nước.
Đề cập đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Cảnh sát biển là lực lượng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như dự thảo luật đã quy định nguyên tắc phối hợp tại khoản 5 Điều 24. Trên cùng một vùng biển, đối với những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng thì lực lượng nào phát hiện trước lực lượng đó phải tiến hành xử lý ngay trong phạm vi thẩm quyền của mình và chuyển hồ sơ cho lực lượng có chức năng, nhiệm vụ chủ trì giải quyết. Pháp luật hiện hành quy định bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, hải đảo vùng biển. Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và đảm bảo chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Dự thảo quy định tại khoản 2 Điều 23 việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Thực tiễn thời gian vừa qua hai lực lượng này đã phối hợp tốt, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, không để xảy ra khoảng trống về quản lý, bảo vệ biển đảo.
Về hoạt động phối hợp của cảnh sát biển với lực lượng các bộ, ngành, trong đó có kiểm ngư đã được quy định tại Chương IV dự thảo luật, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ thể hiện rõ hơn nội dung và đối tượng phối hợp của Cảnh sát biển. Việc xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển, hải quân là lực lượng nòng cốt, các lực lượng khác là lực lượng phối hợp, trong đó có Cảnh sát biển.