Bạn trẻ bày tỏ suy nghĩ về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội |
Tiếp cận từ kênh báo chí, bạn Đỗ Đình Lâm (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nắm được thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và có hiệu lực từ ngày 17/6. Trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...
Lâm cho rằng, ở thời đại hiện nay, mạng xã hội rất phổ biến và liên tục phát triển. Nó là công cụ của đông đảo người dùng, nhất là giới trẻ. Mạng xã hội chi phối rất lớn đến đời sống của mỗi người dùng cũng như xã hội. Bởi thế cần phải có Bộ Quy tắc ứng xử để việc sử dụng mạng xã hội trở nên quy củ, văn minh hơn.
Mạng xã hội rất phổ biến hiện nay |
Bạn trẻ bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Khi có quy tắc sẽ hạn chế các đối tượng làm loạn, hạn chế “anh hùng bàn phím”, những hành vi làm mất trật tự, kém văn hoá trên mạng”.
Đặc hiệt, Bộ Quy tắc ứng xử có những quy tắc ứng xử chung: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Quy tắc lành mạnh (hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).
Đánh giá về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử này, TS Phạm Hải Chung (giảng viên Viện đào tạo Báo chí và truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng nó mang lại nhiều ý nghĩa và đáng ra nên ban hành sớm hơn. Theo TS Chung, để Bộ Quy tắc ứng xử đem lại hiệu quả thực tế còn cần nhiều thứ khác như phải có hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành, các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình và rất cần có sự tham gia của giáo dục để nâng cao năng lực số cho người dân... |
Bạn Nguyễn Thị Vân (trú tại Hà Đông, Hà Nội) rất tâm đắc khi Bộ Quy tắc khuyến cáo cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội nên sử dụng họ, tên thật cá nhân; Chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo...
Theo Vân, việc lạm dụng, dùng mạng xã hội sai cách có thể dẫn tới nhiều vấn đề tiêu cực. Những quy tắc đặt ra giúp người dùng nắm rõ hơn về cách dùng mạng xã hội theo chuẩn mực nhất định và sử dụng có mục đích, ý nghĩa hơn trong cuộc sống mỗi ngày.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành sẽ giúp cho người sử dụng có những hành vi ứng xử phù hợp, tạo ra một không gian mạng văn minh hơn. Bên cạnh đó, nó còn giúp người sử dụng mạng xã hội được bảo mật hơn những thông tin cá nhân, tránh bị giả mạo hoặc lợi dụng vào mục đích xấu.
Bạn trẻ Nguyễn Thị Vân |
“Tôi thấy những quy tắc sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội, ngăn chặn hành vi cố tình tung tin đồn thất thiệt, thông tin giả mạo gây hoang mang, ảnh hưởng đến mọi người. Bộ Quy tắc ứng xử giúp tạo ra một môi trường mạng lành mạnh hơn, đặc biệt là cho các bạn trẻ, đối tượng sử dụng mạng xã hội đông đảo và dễ bị ảnh hưởng nhất”, Vân chia sẻ.
Bạn trẻ Vũ Thị Hằng |
Bạn Vũ Thị Hằng (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) nhìn nhận, thực tế, có không ít bạn trẻ là học sinh, sinh viên phát ngôn, bình luận cũng như chia nội dung thông tin hoặc ngôn từ trên mạng xã hội một cách thiếu văn minh. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý, thậm chí ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người xung quanh.
“Tôi hy vọng Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ giúp các bạn trẻ biết được chừng mực và giới hạn của mình; Tạo thói quen suy nghĩ, đắn đo trước khi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ một điều gì đó trên mạng, để không làm tổn thương những người xung quanh và cả chính bản thân mình”, bạn trẻ bày tỏ.