Băng rừng, vượt núi gieo chữ giữ biên cương
Bài 1: Sài Khao dạy chữ, chân không mỏi
Sài Khao dạy chữ, chân không mỏi - tác giả “biến tấu” một câu trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng để nói về hành trình gian nan gieo chữ của những giáo viên cắm bản tại Sài Khao thuộc xã Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Gian nan giáo viên cắm bản...
Bỏ xe ô tô lại Nhà văn hóa thôn Suối Lóng, đồng bào chở chúng tôi bằng xe máy lên với Sài Khao. Sài Khao chỉ cách thị trấn Mường Lát tầm 20km nhưng ngay cả cư dân bản địa ở đây không phải ai cũng biết đường hoặc có biết nhưng không phải ai cũng có thể chở khách đi.
Cung cùng hiểm trở từ Suối Lóng lên Sài Khao |
Đoạn đường từ Suối Lóng lên Sài Khao chỉ tầm 5km toàn đất đá lổn nhổn và nhỏ hẹp như sợi dây thừng cũ vắt vẻo men hờ sườn núi. Ô tô không đi nổi. Một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là vách núi dựng đứng, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Nhiều đoạn là nút thắt cổ chai, đá lở chất đống chưa được dọn chỉ còn vừa một bánh xe.
Chiếc xe máy cài số 1, khục khặc nhẫn nại từng vòng quay chồm chồm cảnh giác những hòn đá chỉ chờ trật bánh là hất văng người xuống vực thẳm. Nhiều đoạn ẩn khuất sau màn sương dày là đường cua khúc khuỷu men theo thung sâu vách núi. Dù choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ của đất trời nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi run sợ...
Và sương. Sương tràn bên bờ vực. Sương táp vào mặt lạnh buốt che mờ mắt. Sương mù vây chặt khiến đỉnh núi thoáng ẩn, thoắt hiện khiến người ta như vừa mê đắm như vừa bị đe dọa. Thật là một vẻ đẹp choáng ngợp.
Dù choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ của đất trời nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi run sợ... |
Nắm chặt yên xe, vừa thu vào tầm mắt vẻ hùng vĩ của núi non Tây Tiến, tôi vừa thầm thán phục tài năng tuyệt vời của nhà thơ Quang Dũng. Dù có cho bao nhiêu từ ngữ đi nữa cũng khó có thể thấu tả được hết vẻ hiểm trở và hoang sơ, khó khăn của nơi này.
Thế mà chỉ với một câu “Sài Khao sương lấp”, sự hùng dũng “quân xanh màu lá dữ oai hùm” ấy cũng trở thành “đoàn quân mỏi”. Câu thơ tuy ngắn mà khắc họa và kết luận một điều hiển nhiên: Cái lớn lao, tráng lệ, bao la của thiên nhiên trước con người.
Tất nhiên, gần 80 năm về trước, đoàn quân cũng có lúc mỏi bởi hành quân ròng rã băng rừng nhiều tháng trời. Còn ngày nay, con người đã có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, quãng đường đèo hiểm trở ấy vẫn là một thử thách trước thời tiết khắc nghiệt, trước sự bền bỉ của ý chí và nghị lực con người.
Trường Tiểu học Tây Tiến khu Sài Khao và trường Mầm non Tây Tiến nằm đối diện nhau ở ngã ba con đường mòn nho nhỏ, nơi đặt bia ghi nhớ chiến công của đoàn quân Tây Tiến khi xưa. Điểm dừng chân của binh đoàn Tây Tiến gần 80 năm về trước chưa hề có dân, có nhà nay quây tụ nhiều nóc nhà của đồng bào Mông và Thái.
Sài Khao sương lấp... |
Thầy Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Tiến cho biết, điểm trường Sài Khao có 91 học sinh dân tộc Mông. Những năm trước, mỗi dịp gần năm học, thầy cô giáo và cán bộ địa phương phải rất vất vả đi vận động gia đình tạo điều kiện cho học sinh đến lớp.
Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền của địa phương và chính sách mỗi cháu đi học được hỗ trợ 150 ngàn đồng một tháng nên dù người dân trong bản đều là hộ nghèo nhưng vẫn động viên con em đi học đầy đủ. Em nào nhà gần thì tự đi, học sinh nào xa trường thì được bố mẹ quan tâm đưa đón ngày hai buổi.
Do điều kiện khó khăn, nhà trường chưa thể tổ chức dạy bán trú nhưng các thầy cô vẫn miệt mài với những trang giáo án, đảm bảo truyền thụ được nhiều nhất kiến thức cho các em học sinh.
Học sinh trường Tiểu học Tây Tiến |
Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn trong giảng dạy và sinh hoạt nhưng các giáo viên đều rất nỗ lực khắc phục hoàn cảnh mang tri thức tới các em nhỏ |
Thầy Hùng cho biết, 5 giáo viên giảng dạy ở khu Sài Khao nhà đều ở xa. Thầy thì quê Mường Chanh cách trường hơn 70km, thầy ở Quang Chiểu cũng cách đây hơn 40km nên đều phải cắm bản tại đây. Cuối tuần nếu không có họp chuyên môn, các thầy mới trở về thăm gia đình.
Đáng chú ý, do Sài Khao là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nên không có giáo viên nữ nào bám trụ tại đây. Điều này cũng gây nên một bất cập là đối với lứa tiểu học rất cần những bàn tay cô giáo như mẹ hiền để dìu dắt, vỗ về các em.
Vậy là, các thầy giáo ở đây đã vượt lên hoàn cảnh, vừa là cha, là mẹ, cũng chính là những người chăm sóc, bảo ban các em không chỉ bằng con chữ mà cả cách vệ sinh, kỹ năng sống, bảo vệ sức khỏe…
Ở Sài Khao, thầy giáo vừa là cha, là mẹ, cũng chính là người chăm sóc, bảo ban các em từ những việc nhỏ nhất |
Điện lưới chưa vượt núi lên được với bà con Sài Khao. Ngay cả điện sử dụng trong nhà trường cũng bằng mấy tấm pin chạy bằng năng lượng mặt trời đã cũ gắn trên mái nhà. Các thầy cho biết, vào những ngày mưa gió hay sương giăng mù mịt, điện được ưu tiên cho thắp sáng, còn quạt thì rất hạn chế, phải nóng lắm mới dám bật.
Cơ sở vật chất của trường còn rất nhiều thiếu thốn, có giáo viên phải dạy kiêm 2 lớp nhưng ai nấy đều cố gắng khắc phục. Tuần 2 lần, họ đi về trên con đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” lổn nhổn đất đá ấy với tinh thần "gánh chữ lên non cao" không mệt mỏi.
Khu sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn của giáo viên cắm bản tại Sài Khao |
Bởi với họ, đó không chỉ là công việc, là một nghề nghiệp mà còn là cả sự dũng cảm khi đối mặt với muôn vàn khó khăn và thử thách. Tôi muốn so sánh tinh thần ấy với binh đoàn Tây Tiến xưa kia, nhà thơ Quang Dũng cùng đồng đội và Nhân dân đã anh dũng đánh đuổi thực dân Pháp. Ngày nay, các giáo viên cắm bản cũng đang là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, họ “đánh đuổi” cái dốt, mở mang kiến thức để dân bản vươn lên, từng bước thoát nghèo.
... như dạy con cái trong nhà
Ở Sài Khao, những nếp nhà sàn kề sát bên nhau trong bàng bạc sương giăng. Cái nghèo hiện hữu trong con đường lẹp nhẹp đất bùn. Quanh bản không có mấy vật dụng hiện đại, hầu hết đều là tự cung tự cấp. Cái nghèo khiến cho những đứa trẻ rụt rè, ngại giao tiếp với người lạ, bẽn lẽn cầm những chiếc kẹo chúng tôi đưa cho mà không biết nói sao. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hùng cho biết, rào cản lớn nhất với những giáo viên cắm bản chính là ngôn ngữ.
Tại đây, ngay cả người lớn giao tiếp bằng tiếng Kinh cũng không thạo. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không có thời gian, không có điều kiện hay kiến thức để bảo ban, kèm cặp con em mình sau giờ lên lớp nên bắt buộc thầy cô giáo phải đảm bảo dạy đủ chương trình cho các con ở trên lớp. “Nỗ lực bằng hai, bằng ba, mình không được phép nản lòng. Càng khó thì càng phải khắc phục”, thầy giáo với gương mặt khắc khổ có 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người của huyện biên viễn Mường Lát tâm niệm.
Thầy giáo Hơ Pó Sung sinh năm 1994. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Vinh, anh trở về quê hương Mường Lát dạy học, là Khu trưởng khu Sài Khao của trường Tiểu học Tây Tiến. Nhà ở Pù Nhi cách Sài Khao hơn 30km, thầy Pó Sung dạy lớp 2 và 3. Do không đủ cơ sở vật chất nên lớp học sáng, lớp học chiều. Giờ nghỉ trưa và những buổi tối, thầy phải soạn giáo án cho cả hai lứa học sinh.
Thầy giáo Hơ Pó Sung |
Cái lạnh và cái nghèo bao trùm miền biên viễn Sài Khao |
Thầy giáo trẻ rất thông minh, có lẽ anh là người hiếm hoi của vùng đất Sài Khao này từng được đi xa để học tập. Thầy Hơ Pó Sung tâm sự: “Dạy học ở đây vất vả gấp nhiều lần vùng khác nhưng không vì thế mà mình nhụt chí, nản lòng; Cũng không có ý định đến vùng nào dễ dàng hơn để nâng cao năng lực giảng dạy, phát huy kiến thức của mình. Khó khăn này cũng chính là thử thách. Dạy các học sinh ở đây cũng như dạy con cái trong nhà mình vậy”.
|
Ở nơi sóng điện thoại hầu như mất hút, muốn liên lạc ra bên ngoài lại phải chạy đến điểm cao, giơ máy hứng sóng như thuở ngày xưa chỉnh ăng ten TV. Với các thầy cô, chuyện dạy học ở đây đã vô cùng khó khăn vất vả nhưng việc trở về với gia đình còn gian nan hơn.
Rất nhiều lần vào dịp cuối tuần, thầy Pó Sung cùng đồng nghiệp háo hức trở về thăm nhà, thăm con thì gặp sạt núi chắn đường, đành quay lại điểm trường. Vậy là, sự háo hức mong gặp người thân lại kéo dài thêm 1 - 2 tuần nữa...
Cũng có khi từ nhà trở lại dạy học, thầy phải nhờ người cùng khiêng xe máy qua đám đất đá từ vách núi đổ xuống. Vào những ngày mưa bão, các thầy cô ở đây đều chủ động đi từ sớm Chủ nhật để đảm bảo giờ lên lớp vào sáng đầu tuần.
"Lúc mình về thì họ ăn cơm xong, lúc mình đi thì người dân còn chưa dậy", thầy Hơ Pó Sung kể về "hành trình" dạy học của mình. Hành trình ấy sẽ chẳng bao giờ là mệt mỏi, vì các thầy cô cảm nhận được ngọn lửa của nhiệt huyết đang ấp ủ trong mình.
Ngoài giờ học, nhà trường tổ chức cho các em tổng vệ sinh bia kỷ niệm Tây Tiến để giáo dục truyền thống lịch sử |
Đứng ở ngã ba đường, nhìn lứa học sinh nhỏ bé nô đùa giữa núi rừng biên viễn, tôi cứ nghĩ mãi. Có lẽ, vinh quang của ngành Giáo dục nơi đây là mang ánh sáng thắp lên cơ hội đổi đời cho những thân phận vượt qua đói nghèo và khó khăn. Chính vì thế, ngoài ánh sáng đèn điện, con chữ với Sài Khao chính là nguồn ánh sáng của tri thức, xua tan bớt mây mù và nghèo đói.
(Còn nữa)