Quảng Ninh: Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao Ba Chẽ
Những ngày đầu năm học mới, chúng tôi có mặt tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Con đường vào bản Làng Cổng, nơi thượng nguồn con sông Ba Chẽ lởm chởm đá cuội, trơn trượt trong những ngày mưa, tôi cùng cán bộ xã và các thầy, cô giáo trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đi từng nhà, vận động từng học sinh để các em đến lớp học. Thế mới thấy hết những gian nan, vất vả và cả nỗi buồn trong sự nghiệp “trồng người” của những thầy, cô giáo vùng cao nơi đây.
Con đường vào bản Làng Cổng, nơi thượng nguồn con sông Ba Chẽ lởm chởm đá cuội, trơn trượt trong những ngày mưa. Có đi cùng các thầy giáo vận động học sinh tới trường mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả và cả nỗi buồn trong sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao Ba Chẽ |
Có lẽ việc duy trì tỷ lệ chuyên cần, học sinh không nghỉ học, bỏ học là một hành trình hết sức gian nan kéo dài suốt cả năm học của các thầy cô giáo nơi này. Với các thầy cô tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2, việc giữ học trò là nhiệm vụ không kém phần quan trọng bên cạnh công tác nâng cao chất lượng dạy học. Không chỉ đầu năm học, dịp sau Tết Nguyên đán mà ngay cả giữa năm học, chuyện học sinh bỏ lớp vào rừng không quay lại thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, các thầy, cô giáo lại khăn gói tìm đến tận nơi đưa trò về lớp.
Thầy Nguyễn Hữu Phượng, Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2 cho biết: “Trường có 4 điểm trường với gần 400 học sinh. Điểm trường xa nhất cách trường chính khoảng 15 cây số đường rừng. Dù học sinh cấp THCS đều phải về điểm trường chính học bán trú nhưng cứ sau mỗi kỳ nghỉ dài như Tết Nguyên Đán hay nghỉ hè, sỹ số lại vắng rất nhiều”.
Qua tìm hiểu được biết, những ngày thời tiết thuận lợi thì học sinh đến lớp đầy đủ, tuy nhiên, để duy trì sỹ số, nhiều khi giáo viên phải đến tận nhà đón học sinh. Ở vùng cao, kinh tế còn khó khăn nên nhiều hộ không có điều kiện quan tâm đến việc học hành của các con mà cho rằng học biết chữ là được. Sáng sớm, người lớn đã phải lên nương rẫy, bọn trẻ ở nhà cũng tự phải tìm cái ăn sáng, rồi tự học. Tỷ lệ thanh thiếu niên, học sinh từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS của Đồn Đạc chỉ hơn 86%.
Em Triệu Thị Thắm, 14 tuổi chia sẻ: “Bố mẹ đi rừng từ 6 giờ sáng. Em phải dậy từ 5 giờ sáng để nấu cơm và chăm 3 em nhỏ cùng với làm việc nhà như chăn lợn, gà, ngan. Hôm nay về, em sẽ kể cho bố mẹ nghe có thầy cô đến vận động đi học”.
Bà Chíu Thị Hai (70 tuổi) là bà nội của Triệu Thị Thắm, cho biết: “Khó vận động lắm, bố mẹ bảo đi học nhưng cháu cũng không đi. Cũng chỉ biết khuyên cháu đi học để có con chữ, thời này phải biết chữ, không biết chữ thì thiệt thòi lắm”.
Để duy trì sĩ số học sinh đến lớp, các thầy, cô giáo ở trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2 phải kiên trì, không quản ngại khó khăn đến từng gia đình, từng bản vận động gia đình học sinh. Các thầy, cô giáo phải gắn bó với địa bàn, trở thành người thân thiết trong các gia đình người DTTS; Thông hiểu phong tục tập quán, tiếng nói để hòa mình với đời sống của họ; Phải có phương pháp giảng bài cho phù hợp với nhận thức của học sinh và có nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm khơi dậy sự ham thích đến trường của các em.
Để duy trì sĩ số học sinh đến lớp, các thầy, cô giáo ở trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2 kiên trì, không quản ngại khó khăn đến từng gia đình, từng bản vận động gia đình học sinh |
Việc vận động học sinh ra lớp ở các huyện miền núi cao có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phổ cập giáo dục bắt buộc, từng bước nâng cao dân trí, đời sống cho đồng bào dân tộc. Trong tương lai không xa, các xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của Quảng Ninh sẽ thoát nghèo, phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới... Tuy nhiên xét về điều kiện tự nhiên và xã hội, đây là những địa bàn còn nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp nên rất cần những hỗ trợ riêng cho mục tiêu phổ cập giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thu Hoài đã có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao ở huyện Ba Chẽ trăn trở: “Nếu như xã mà thoát nghèo thì việc chăm lo chế độ cho học sinh là điều mà chúng tôi trăn trở nhiều nhất. Học sinh sẽ không còn được hỗ trợ ăn bán trú tại trường, không được cấp miễn phí sách vở, quần áo, ít đi các nguồn tài trợ và gia đình học sinh sẽ phải lo toàn bộ chi phí. Lúc đó, giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều khi động viên các em đến lớp học...”.
Rời Ba Chẽ, chúng tôi mang theo nhiều trăn trở về những khó khăn, vất vả của người dân và những thầy cô giáo đang giảng dạy nơi đây... Có thể nói, hành trình “gieo chữ” nơi vùng cao Ba Chẽ tuy gặp nhiều gian nan song đã mang lại nhiều kết quả bước đầu. Các thầy cô giáo chưa ai nản lòng vì công việc. Hằng ngày, họ vẫn băng rừng, lội suối, bám bản làng để làm công tác vận động học sinh đến trường đầy đủ, để bài giảng được liền mạch và bản làng rộn tiếng ê, a của con trẻ.