Báo chí - cầu nối cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển
Báo chí TP Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, sáng tạo Vinh danh 65 tác phẩm tại giải Báo chí TP Hồ Chí Minh lần thứ 41 |
Đặc biệt, đối với một thành phố năng động bậc nhất cả nước như TP Hồ Chí Minh thì việc số hóa càng trở nên sôi nổi, được xem như cuộc đua công bằng và cũng là bước đi đường dài của nhiều cơ quan báo chí.
Chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí TP Hồ Chí Minh thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý; việc áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị vốn có của báo chí.
Lan tỏa và kết nối báo chí phía Nam với cả nước
“Khai xuân” trong năm nay, TP Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên đón tiếp thành công 600 cơ quan báo chí và tạp chí tham dự tại Hội Báo toàn quốc năm 2024.
Tuy lần đầu được tổ chức tại thành phố mang tên Bác nhưng lại là hội báo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, năm nay còn có sự góp mặt cũng là lần đầu của các gian hàng OCOP đặc sản vùng miền đến từ 50 tỉnh, thành. Từ đó mở rộng thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, những sản phẩm OCOP trên khắp cả nước thông qua sự hỗ trợ truyền thông của các cơ quan báo chí.
Nếu như các năm trước, các cơ quan báo chí TP Hồ Chí Minh thường chỉ làm chung một gian trưng bày, tới hội báo lần này gần hết các báo (trừ tạp chí) đều có gian hàng riêng. Thậm chí, mỗi gian hàng đều được đầu tư rất công phu và bài bản, trong đó Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) gây ấn tượng với màn trình diễn của robot và công nghệ AI. Hay tại gian hàng của đài VOH, bạn đọc có thể trực tiếp trải nghiệm, giao lưu cùng phát thanh viên. Còn báo Tuổi Trẻ lại mang đến hoạt động vẽ chân dung miễn phí, bốc thăm may mắn dành cho bạn đọc đăng ký thành viên hoặc đăng ký mua báo…
Gian hàng Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) thu hút đông đảo khách tham quan tại Hội Báo toàn quốc 2024 |
Trên hết, thông qua hội báo đã giúp lan tỏa hình ảnh báo chí TP Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung cho bạn đọc cả nước và ngược lại. Đồng thời, đây cũng là sân chơi để phóng viên, biên tập viên, nhà báo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có dịp giao lưu, học hỏi tại các buổi hội thảo, trong đó mổ xẻ nhiều vấn đề nóng của báo chí hiện nay.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam chia sẻ, thông qua sự kiện này sẽ hình thành nhiều mối liên kết để cùng phát triển nền báo chí Việt Nam, đặc biệt là về chuyển đổi số, hội nhập, kinh tế báo chí…
Độc giả tại TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tại gian hàng của Hội Nhà báo TP Hà Nội |
Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, đây cũng là dịp để người dân TP Hồ Chí Minh có cái nhìn toàn cảnh về báo chí của Việt Nam trên một đại lộ ở khu vực trung tâm, đẹp nhất của thành phố - đại lộ Lê Lợi. Từ đó, giúp người dân thêm tin tưởng vào nền báo chí Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu của người dân, đúng như chủ đề của hội báo năm nay: “Báo chí Việt Nam - tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”.
Nửa thập kỷ làm cầu nối thông tin của TP Hồ Chí Minh
Trải qua 5 năm hoạt động, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm) đã trở thành cầu nối hữu hiệu để lãnh đạo thành phố cùng các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm một cách chính thống, công khai, minh bạch. Trung tâm luôn chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu thông tin của lãnh đạo thành phố, người dân và các cơ quan báo chí.
Tính đến tháng 5/2024, có hơn 12.000 lượt phóng viên đến tác nghiệp và Trung tâm đã tiếp nhận hơn 3.000 lượt câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau của thành phố. Toàn bộ câu hỏi đã được rà soát, phân loại và gửi tới các Sở, ngành, địa phương để trả lời phóng viên.
Ngoài việc tổ chức các buổi họp báo, Trung tâm cũng là địa điểm để phóng viên theo dõi từ xa các sự kiện thời sự - chính trị đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng truyền thông, kỹ năng người phát ngôn cho các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Trung tâm |
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, hiện Trung tâm đã thay đổi phương thức họp báo chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, các câu hỏi của phóng viên sẽ gửi trước ngày họp báo, chuyển tới các Sở, ngành để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến ngày họp, các thông tin trả lời sẽ được gửi cho phóng viên trước 15 phút qua email, Zalo… để việc tác nghiệp và tương tác được chủ động.
Đồng thời, nhằm chuyên nghiệp hóa hơn trong việc cung cấp thông tin, Trung tâm sẽ sớm đưa vào ứng dụng phần mềm "Hệ thống tiếp nhận và xử lý yêu cầu cung cấp thông tin cho báo chí".
Hệ thống này sẽ tiếp nhận câu hỏi từ phóng viên và tự động chuyển tiếp đến cơ quan tiếp nhận, trả lời. Sau khi nhận được phần trả lời, các phóng viên sẽ "chấm điểm" mức độ hài lòng theo biểu tượng từ 1 - 5 sao. Kết quả đánh giá sẽ được hệ thống gửi thông báo qua Email đến đơn vị liên quan.
Về định hướng phát triển trong tương lai của Trung tâm, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh kỳ vọng đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao và đổi mới cơ sở vật chất, cách thức, mô hình hoạt động theo hướng hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa. Đây sẽ là tiền đề để cơ quan này hình thành một Trung tâm Báo chí và Truyền thông đa phương tiện, hiện đại, chuyên nghiệp, đủ khả năng phục vụ các sự kiện quan trọng, có tầm quốc gia, hướng đến tầm quốc tế.
Kết nối, sẻ chia và phát triển
Những năm qua, các cơ quan báo chí ở TP Hồ Chí Minh đã và luôn quan tâm đầu tư phát triển về nền tảng công nghệ số. Qua đó, một số cơ quan báo chí đã tiên phong về chuyển đổi số với các công nghệ tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), lưu trữ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data)…
Nhiều cơ quan báo chí đã bước đầu chuyển đổi số khá thành công, từng bước tiến lên tòa soạn hiện đại. Một số cơ quan báo chí như báo Tuổi Trẻ, báo Sài Gòn Giải phóng, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Kinh tế TP Hồ Chí Minh… đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.
Cùng với đó, những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ website đến mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…) với các thể loại báo chí mới như: Longform, megastory, podcast, e-magazine... đã giúp nhiều tờ báo lớn của TP Hồ Chí Minh tăng mạnh tính tương tác hai chiều với độc giả, tạo nên cảm giác mới mẻ và thú vị hơn khi tiếp nhận thông tin.
Đánh dấu cho sự chuyển mình, báo Người Lao động (trực thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã góp mặt trong top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số năm 2023 đạt mức xuất sắc do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố.
Nhằm tăng cường sự hợp tác, phát triển trong hoạt động báo chí, cung cấp thông tin ở hai đầu tàu cả nước, giữa tháng 3 năm nay đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa báo Tuổi trẻ Thủ đô, báo Người Lao động và VietNamNet.
Lãnh đạo 3 cơ quan báo chí: Tuổi trẻ Thủ đô, Người Lao động và VietNamNet ký kết hợp tác cùng đi xa, cùng phát triển |
Từ sự hợp tác trên có thể thấy, báo chí là sự kết nối đa chiều, toàn diện giữa tòa soạn với bạn đọc, sự đồng hành giữa báo chí và chính quyền địa phương, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí còn có sự sẻ chia, hỗ trợ để cùng phát triển, vì sứ mệnh phát triển đất nước và phụng sự bạn đọc.