Báo chí đặt tít bài sao cho tinh tế, nhân văn...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn (Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội) |
Sau vụ việc cháy chung cư mini nghiêm trọng trên phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), trên mạng xã hội, đặc biệt là nhiều Faceboook cá nhân đã đăng tải những bài viết thiếu thiện cảm, nhằm "câu view, câu like". Họ phớt lờ những nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị và người dân thành phố trong việc giải quyết hậu quả vụ việc nghiêm trọng này.
Đi ngược lại truyền thống nhân ái, nhân văn, "đùm bọc lẫn nhau" trong lúc xảy ra hoạn nạn, các trang mạng xã hội, các "anh hùng bàn phím" đã bám vào tiêu đề bài báo xuất bản chiều tối 15/9 - khi sử dụng một câu trích phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh để "làm nóng" vấn đề.
Sự thật, câu phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh có nguồn gốc đầy đủ trọn vẹn như sau: "Trưa 15/9, hơn 2 ngày sau khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã rút ngắn chuyến công tác tại Châu Âu. Về đến sân bay Nội Bài, ông Trần Sỹ Thanh đã đến thẳng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thăm hỏi các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân.
Cũng trong chiều 15/9, sau khi từ Bệnh viện Xanh Pôn về trụ sở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân là vụ việc có hậu quả nặng nề nhất ở thành phố từ trước đến nay.
Ông Trần Sỹ Thanh nói rõ: "Chúng ta đừng để sự mất mát của 56 gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa mà phải trở thành điều làm thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, kể cả thành phố đến quận huyện, phường xã về phòng cháy, chữa cháy; Cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân. Nếu người dân không ủng hộ, công tác phòng cháy, chữa cháy chỉ thành công một nửa".
Sau đó, khi đưa tin bài về hội nghị này, nhiều báo đều chỉ trích câu phát biểu của ông Trần Sỹ Thanh để đặt tiêu đề cho tin bài với nội dung: "Đừng để sự mất mát của 56 gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa".
Bất cứ ai học tiếng Việt cũng hiểu, trong một câu phức hợp luôn có mệnh đề chính và mệnh đề phụ. Mệnh đề chính thường đứng sau mệnh đề phụ. Nó có nhiệm vụ truyền tải nội dung chính yếu, cơ bản của câu. Trường hợp cụ thể ở đây là câu phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Về nguyên tắc cũng như để bảo đảm chính xác và minh bạch thì việc sử dụng mệnh đề chính câu phát biểu của ông Trần Sỹ Thanh làm tít cũng là nội dung thông điệp của bài viết. Hay nói cách khác, báo chí nên sử dụng mệnh đề chính của câu phát biểu, không nhất thiết cắt cúp câu nói và chỉ đưa ra mệnh đề phụ; Hoặc đặt tít bài về hội nghị này bằng những câu ở vế sau cũng là mệnh đề chính của câu phát biểu.
Ví dụ như: “Vụ việc là điều làm thay đổi nhận thức cấp uỷ, chính quyền các cấp về phòng, chữa cháy” hoặc “Nếu người dân không ủng hộ, công tác phòng cháy chữa cháy chỉ thành công một nửa”, thì khi đó, ý tứ của tít bài viết sẽ rõ ràng, cụ thể, trọn nghĩa, sẽ đúng với bản chất lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Khi đó, không ai có thể hiểu nhầm ý của câu phát biểu.
Điều đó càng không có cơ hội để cho những người cơ hội bóp méo nội dung đầy đủ, ý nghĩa thực sự của câu phát biểu, khiến dư luận bị “dắt mũi”; Như “đổ thêm dầu vào lửa” với những bức xúc, đau đớn, hoang mang sau vụ cháy kinh hoàng đêm xảy ra ở Khương Hạ.
Trường hợp trích dẫn lời nói của lãnh đạo để đặt thành một tít bài gây khó hiểu, gây phản cảm, để một số người lợi dụng như trên tuy không thường xuyên nhưng thi thoảng vẫn lọt lưới ở các báo chính thống. Vì vậy, các phóng viên, nhà báo không nên cắt cúp câu nói và chỉ đưa ra mệnh đề phụ, cũng không nên sử dụng một vế đầu của câu phát biểu trên để đặt tít bài.
Khi làm đúng thì ý tứ của tít bài viết sẽ rõ ràng, cụ thể, trọn nghĩa; Nếu sai thì nghĩa của câu nói đã bị hiểu khác. Khi làm đúng, bài báo sẽ không "bị hở" để những kẻ cơ hội bóp méo nội dung, làm nóng vấn đề. Bên cạnh đó, nhiều người cũng vội vã, chỉ đọc cái tít rồi quy chụp vấn đề, bày tỏ quan điểm một cách phiến diện.
Tất nhiên, lỗi đầu tiên thuộc về các tờ báo đã đặt tít khiến bạn đọc bị "mất định hướng". Mong rằng, các phóng viên, nhà báo, các tòa soạn hãy coi câu chuyện đặt tít này như một kinh nghiệm nghiệp vụ báo chí và ý thức chính trị - xã hội của chính mình.