Bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế cho người yếu thế
“Bệ đỡ” cho những người yếu thế
Hiện nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của Thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Nguồn vốn chính sách xã hội bảo đảm an sinh |
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đầu năm 2023, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân và 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 0,99% tổng số hộ dân.
Hiện thành phố có 16 quận, huyện không còn hộ nghèo; Riêng 3 quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Trong đó, các chương trình tín dụng chính sách giải ngân đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Đồng thời là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: “Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức hội nghị hoạt động ủy thác vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay đối với người nghèo ở một số địa phương.
Theo đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, doanh số cho vay 9 tháng năm 2023 đạt 3.877 tỷ đồng, với 81.500 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 2.980 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% doanh số cho vay. Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 13.628 tỷ đồng với khoảng 262.600 khách hàng đang vay vốn, tăng 897 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7%.”.
Nguồn vốn chính sách làm lại cuộc đời cho người lầm lỡ
Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 20/9/2023, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản số 7557/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai Chương trình tín dụng mới này tới các địa phương trên địa bàn.
Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù bao gồm: Người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù; người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất - kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Người dân làm thủ tục, hồ sơ vay vốn |
Đối với cho vay để đào tạo nghề gồm chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chi phí này bao gồm: Học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/ người chấp hành xong án phạt tù.
Cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Lãi suất cho vay: Bằng lãi suất cho vay chương trình hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ, hiện nay là 7,92%/năm.
Đây được xem là cánh cửa để mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Để tiếp sức cho người hoàn lương phát triển kinh tế, hiện các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, niêm yết công khai thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch, đồng thời triển khai đầy đủ các nội dung của Quyết định tại các cuộc họp giao ban đến hội đoàn thể, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân đến giao dịch được biết.
Qua đó, các đơn vị rà soát các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện để cho vay kịp thời nhằm giúp họ có được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm và có thu nhập tốt hơn trong thời gian tái hòa nhập cộng đồng.