Báo động tình trạng gia tăng người nghiện ma túy tổng hợp
Toàn cảnh buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tệ nạn xã hội và định hướng công tác điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới
Bài liên quan
Số người chết vì tai nạn giao thông trong tháng 5/2019 giảm mạnh
Tại sao cả hệ thống chính trị đã nỗ lực, nhưng tội phạm ma túy vẫn gia tăng?
Truy tố Hưng kính cùng đồng phạm tội Cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên
Gia tăng tội phạm về ma túy
Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống ma túy 6 tháng đầu năm 2019, đồng chí Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) nhấn mạnh: Tình hình người nghiện ma túy trong 6 tháng đầu năm 2019 diễn biến phức tạp, không chỉ gia tăng về số người nghiện ma túy mà tính chất và mức độ cũng thay đổi. Đặc biệt, người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, gây khó khăn cho công tác cai nghiện.
Không chỉ thế, việc sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát gây ra các vụ án giết người vô cớ.
“Hiện nay, tình trạng sử dụng ma túy ATS chiếm khoảng 70 – 75% trong tổng số người nghiện. Ở các tỉnh khu vực phía Nam và tây Nam Bộ, người nghiện sử dụng ma túy ATS lên tới 90 – 95%”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại Hội thảo |
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập, tính đến tháng 4/2019, cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất theo thiết kế cho 54.462 người cai nghiện gồm có 6 cơ sở chỉ có chức năng cai nghiên bắt buộc, trong đó Hà Nội có 3 cơ sở, TP Hồ Chí Minh có 3 cơ sở. 79 cơ sở cai nghiện đa chức năng: bắt buộc, tự nguyện, điều trị thay thế, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định và 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone. 2 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.
Trong tổng số 38.441 người điều trị cai nghiện, có 26.494 học viên cai nghiện bắt buộc theo quy định của tòa án, 3.923 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, 4.563 người nghiện tại cơ sở xã hội (không có nơi cư trú ổn định) và 3.461 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập.
Theo ông Xuân Lập, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đang điều trị Methadone cho 4.200 người. Tuy nhiên, việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã như là điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện rộng rãi ở các địa phương. Tình trạng bỏ liều diễn ra phổ biến...
Hà Nội áp dụng nhiều mô hình cai nghiện ma tuý
Riêng tại Hà Nội, theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện có 13.410 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý (tăng 600 người so với cuối năm 2018), trong đó 57% (khoảng 7.650 người) sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, thực tế số người nghiện ma tuý, sử dụng ma tuý còn cao hơn rất nhiều nhưng do có nhiều khó khăn, bất cập theo quy định của pháp luật mà chưa thể thống kê hết được.
Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã triển khai nhiều mô hình tổ chức quản lý, cai nghiện chữa trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác cai nghiện ma tuý đang phải đối mặt với thách thức đến từ việc sử dụng ma tuý tổng hợp dạng đá và nhiều loại nguy hiểm khác như cần sa, cỏ Mỹ, nấm thần… khiến công tác dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn. Những người mới sử dụng ma tuý tổng hợp có thể can thiệp điều trị được vì chưa có tổn thương nặng thực thể vỏ não và bản thân chưa gây tác động xấu cho xã hội thì thường rất khó phát hiện để can thiệp điều trị kịp thời. Còn người sử dụng ma tuý tổng hợp lâu dẫn đến nghiện nặng, có biểu hiện “ngáo” thì dễ phát hiện hơn nhưng lúc này việc điều trị lại vô cùng khó khăn do người nghiện đã chuyển thành dạng bệnh lý tâm thần, đã có tổn thương thực thể vỏ não.
Một cơ sở điều trị Methadone tại Hà Nội |
Vì vậy, Hà Nội đã áp dụng nhiều mô hình cai nghiện ma tuý như mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; mô hình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, sau cai nghiện; điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone; điều trị bằng chuyên môn chủ yếu sử dụng phác đồ An thần kinh, điều trị bằng thảo dược hay một số phác đồ về tâm lý xã hội khác.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, các mô hình và phác đồ này tuy còn hạn chế nhưng về cơ bản đã đem lại hiệu quả tích cực. Thực tiễn cho thấy, hình thức, loại ma tuý sử dụng luôn có sự biến tướng, thay đổi và đi trước. Do đó, cần phải nghiên cứu và áp dụng những mô hình phù hợp nhằm ứng phó với việc sử dụng ma tuý tại từng thời kỳ, từng giai đoạn.
“Tình hình mới đòi hỏi chúng ta cần thiết lập và phát triển một mạng lưới nhằm giúp cộng đồng sớm phát hiện, tiếp cận, can thiệp và cung cấp các dịch vụ y tế, cai nghiện và tâm lý xã hội cho người sử dụng ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp dạng đá trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn”, ông Hoàng Thành Thái nhấn mạnh.