Bảo hiểm PVI Đà Nẵng từ chối chi trả bồi thường cho 73 hộ dân tại Quảng Nam
Việc thi công đường ĐT609 (Quảng Nam) khiến 1.169 hộ dân bị nứt nhà |
Việc thi công Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT609, qua địa phận TX Điện Bàn và huyện Đại Lộc (Quảng Nam) khiến 1.169 hộ dân bị nứt nhà ở. Phần lớn các hộ có nhà bị nứt đã được hộ trợ, bồi thường. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục hộ dân của xã Điện Hồng (Điện Bàn) đang có đơn kiến nghị yêu cầu Chủ đầu tư hỗ trợ, bồi thường.
Mới đây, 73 hộ dân tại xã Điện Hồng đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng Quảng Nam (Chủ đầu tư Dự án) hỗ trợ, bồi thường việc nứt nhà dân trong quá trình thi công tuyến đường ĐT609 (Đoạn tuyến Km8+360–Km13+581.13). Tuy nhiên, đến nay còn 62 hộ dân vẫn chưa được giải quyết.
Trước kiến nghị của người dân, Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng Quảng Nam (Ban Quản lý) đã có văn bản yêu cầu đơn vị Bảo hiểm xem xét, tổ chức giám định bổ sung giải quyết cho 73 hộ trên. Tuy nhiên, Công ty Bảo hiểm PVI Đà Nẵng (Bảo hiểm PVI) đã có công văn từ chối không giải quyết với lý do, đã hết thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm. Phía Bảo hiểm PVI cho rằng, thời gian khiếu nại của 73 hộ dân nằm ngoài thời gian hiệu lực của bảo hiểm, nên không đủ cơ sở xem xét nguyên nhân, hiện trạng.
Nhiều ngôi nhà của các hộ dân bị nứt khá nghiêm trọng |
Việc từ chối chi trả hỗ trợ bồi thường của Bảo hiểm PVI đối với 73 hộ dân sau khi đã bàn giao và quyết toán công trình hơn một năm khiến Ban Quản lý chưa tìm được nguồn kinh phí để chi trả bồi thường cho những hộ dân phát sinh này. Tuy nhiên, Chủ đầu tư dự án vẫn cam kết sẽ kiểm tra, nghiên cứu để tìm hướng giải quyết đối với kiến nghị của các hộ dân.
Ban Quản lý cho rằng, do việc kiến nghị của người dân quá lâu sau khi hoàn thành công trình gần một năm, nên việc xác nhận nguyên nhân các vết nứt gặp nhiều khó khăn. Đồng thời người dân cũng đòi hỏi chi phí đền bù khá lớn. Trong khi nguồn kinh phí chi trả rất khó khăn. Hiện mới hỗ trợ được 11/73 trường hợp.
Công văn từ chối chi trả bồi thường đối với 73 hộ dân chủa Bảo hiểm PVI Đà Nẵng |
Sáng ngày 30/5, ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn (Quảng Nam) đã xuống xã Điện Hồng khảo sát trực tiếp các hộ dân có nhà bị nứt để nắm tình hình. Ông Đạt cho biết, mặc dù 73 hộ bị nứt nhà là phát sinh sau khi công trình đã hoàn thành và bàn giao hơn một năm. Tuy nhiên, nếu các hộ dân thực sự bị ảnh hưởng bởi công trình thi công thì chủ đầu tư và Công ty Bảo hiểm phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh để người dân khiếu kiện kéo dài.
Theo quy trình, Chủ đầu tư, đơn vị thi công phải tiến hành kiểm định thực tế hiện trạng những nhà dân có khả năng bị ảnh hưởng và lập biên bản xác nhận trước khi thi công. Sau khi công trình hoàn thành, tiến hành kiểm định lại hiện trạng, từ đó mới có cơ sở chính xác về phương án hỗ trợ, bồi thường theo từng mức độ nặng nhẹ đối với từng trường hợp cụ thể.
“Nếu không kiểm định trước khi thi công, làm sao biết được công trình nào bị nứt do ảnh hưởng của dự án, nứt đến đâu so với hiện trạng ban đầu, hoặc công trình nào đã bị nứt trước đó. Ngoài ra, kết cấu nhà cũng có thể bị ảnh hưởng sau khi công trình đã hoàn thành một thời gian, vì còn phụ thuộc vào yếu tố địa chất, điều này cũng cần phải có những đánh giá cụ thể ngay từ ban đầu”. – Ông Đạt nói.
Ngôi nhà của một hộ dân tường đã bị nứt toác |
Như vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xem xét lại việc Chủ đầu tư và Bảo hiểm PVI, đơn vị thi công có thực hiện đúng quy trình theo quy định bắt buộc như: Tiến hành kiểm định hiện trạng nhà dân và xác nhận bằng văn bản trước khi thi công; việc đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng tới các công trình lân cận như thế nào, để đưa ra phương án hỗ trợ, bồi thường. Đồng thời phải xác định trách nhiệm chính thuộc về đơn vị nào?. Nếu không làm đúng theo trình tự như vậy, người dân hoàn toàn có cơ sở yêu cầu hỗ trợ bồi thường bổ sung.
Ông Ba, một trong 73 hộ dân có đơn kiến nghị cho biết: Họ (Chủ đầu tư) đã bỏ qua tất cả các quy trình bắt buộc trước đó, trước khi thi công họ không làm thủ tục gì hết. Đúng ra, phải kiểm định chụp hình lại những hộ dân dọc tuyến đường, họ không làm bước đó, không kiểm định nhà ai hết, khiến việc đánh giá mức độ ảnh hưởng và xác định hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân là thiếu cơ sở và bỏ sót.
“Tháng 4 vừa rồi Chủ đầu tư có ra đây, quay phim, chụp hình nhà tôi và lấy hồ sơ hết rồi, xác định là đúng rồi chứ không sai nữa. Nhưng đến giờ vẫn “tỉnh queo”. Ngoài ra, một số hộ có trong danh sách hỗ trợ trước đó cũng chưa nhận tiền”- Ông Ba nói.
Ngôi nhà mới xây của Bà Nguyễn Thị Tưởng cũng bị nứt khá nhiều vị trí nhưng vẫn chưa được bồi thường |
Ngôi nhà mới xây của Bà Nguyễn Thị Tưởng (một người dân có nhà bị ảnh hưởng -pv) cũng bị nứt khá nhiều vị trí. Trong đó, có những vị trí là điểm tiếp giáp giữa trụ bê tông và tường nhà, khiến có nguy cơ ảnh hưởng tới kết cấu công trình về lâu dài.
“Nhà tôi ngay sát mặt đường, mỗi khi xe lu hoạt động là ngôi nhà bị rùng lên rất mạnh, sau một thời gian thì các vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều, tôi cũng không biết là phải làm đơn kiến nghị nên không được hỗ trợ đền bù. Chỉ khi, có người nói phải có đơn yêu cầu tôi mới biết và làm đơn”- Bà Tưởng nói.
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ và Pháp Luật, ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết: Trong trường hợp này, chính quyền chỉ là “trọng tài”. Tuy nhiên, quan điểm của thị xã là nếu 73 hộ dân thực sự bị nứt nhà là do quá trình thi công tuyến đường, thì phải bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Hiện, việc Bảo hiểm PVI không chi trả nữa đang khiến Chủ đầu tư rơi vào thế khó, Ban Quản lý vẫn đang tìm nguồn để khắc phục. Chính vì vậy, sự hỗ trợ cho những hộ dân có thể chỉ ở mức tương đối.
“Nếu người dân hiểu và thông cảm được thì mọi việc rất dễ giải quyết. Trường hợp bà con không đồng ý với mức hỗ trợ bồi thường, hoặc không được bồi thường thì có thể khởi kiện ra Tòa án để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình” - ông Đạt nói thêm.