Tổ công tác liên ngành: “Tai, mắt” sát dân, sát thực tiễn
Tăng cường hợp tác liên ngành trong phòng, chống đuối nước trẻ em Sẽ có 3 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể |
Chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm
Trước thực trạng vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập gia tăng, mới đây (26/3), Đảng ủy UBND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, đầu tư công, quản lý đô thị, trật tự xây dựng và công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, Hà Nội đặt trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, liên cấp và phát huy vai trò của các tổ công tác liên ngành.
Tiếp đến, ngày 22/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Đây là những bước đi quyết đoán, thể hiện tinh thần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm kéo dài, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, trái phép… từng gây bức xúc trong dư luận.
Thực tế tại các quận, huyện cho thấy, việc thành lập tổ công tác liên ngành đang mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là mô hình phối hợp giữa các đơn vị chức năng như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra, Công an, UBND xã/phường, Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể… với mục tiêu giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai một cách kịp thời, đồng bộ, minh bạch.
![]() |
Quận Hoàng Mai tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 55-CT/QU ngày 24/4/2025 của Ban Thường vụ Quận ủy về tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn |
Tại quận Hoàng Mai, một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Hà Nội, mô hình tổ công tác liên ngành đã được thành lập và đi vào hoạt động. Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàng Mai: Đoàn kiểm tra quản lý xây dựng thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất các chủ đầu tư, phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời vi phạm.
Tổ liên ngành tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị và chỉ đạo của Quận uỷ, UBND. Bên cạnh việc tuyên truyền, tổ còn kịp thời kiểm tra, chỉ đạo xử lý khắc phục, thậm chí xem xét trách nhiệm người để xảy ra vi phạm; kiểm tra thường xuyên, đột xuất và nhất là khi nhận phản ánh kiến nghị của Nhân dân, trực tiếp hoặc iHanoi...
Cùng với việc triển khai đoàn công tác kiểm tra liên ngành, ngày 23/4, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai ra công điện về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn, chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn quận. Ngày 24/4, Ban Thường vụ Quận uỷ Hoàng Mai ra Chỉ thị số 55-CT/QU về tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn quận.
Phòng ngừa là gốc, đồng thuận là sức mạnh
Dù tổ công tác liên ngành có hiệu quả đến đâu nhưng nếu người dân không hiểu pháp luật, không thấy được quyền, nghĩa vụ của mình thì vi phạm vẫn sẽ tái diễn. Do đó, tuyên truyền, dân vận được xem là chìa khóa gốc rễ để phòng ngừa vi phạm đất đai một cách bền vững.
Tại nhiều địa phương ở Hà Nội, công tác tuyên truyền pháp luật đất đai đã được lồng ghép vào sinh hoạt Chi bộ, Tổ dân phố, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Bằng hình thức gần dân, dễ hiểu, từ các buổi nói chuyện chuyên đề đến tài liệu phát tay, loa truyền thanh, người dân được cập nhật kịp thời các quy định mới, nhất là trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính, điều chỉnh quy hoạch.
![]() |
Lực lượng chức năng tháo dỡ các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng |
Một lãnh đạo phường tại quận Hoàng Mai cho biết: UBND phường thường xuyên phát thanh tuyên truyền, tổ chức hội nghị tại các hội đoàn thể để truyền thông tới người dân. Tổ liên ngành cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, tuyên truyền để người dân hiểu, thông suốt chủ trương.
Không dừng lại ở “nói cho dân nghe”, công tác dân vận đã đối thoại, giải thích, thuyết phục, hỗ trợ thực tiễn. Những cán bộ dân vận, mặt trận cơ sở chính là cầu nối, giúp chính quyền đến gần dân hơn. Khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, minh bạch, được hướng dẫn tận tình, họ sẽ chủ động tuân thủ pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân sống tại khu vực ven đô Hà Nội, cho biết: “Có lần người dân tự ý san lấp ruộng để xây dựng, tôi thấy đại diện các cơ quan, hội đoàn thể như: UBND xã, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cùng cán bộ địa chính đến tận nhà giải thích. Người dân hiểu ra, tự tháo dỡ công trình. Theo tôi, đó là kết quả của sự kiên trì và mềm dẻo trong dân vận”.
Thực tế cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội, khi tổ công tác liên ngành hoạt động hiệu quả, công tác tuyên truyền sâu sát, dân vận khéo léo thì vi phạm đất đai sẽ giảm. Đồng thời, khi người dân cảm thấy mình được lắng nghe, được đối thoại, niềm tin vào chính quyền cũng được củng cố.
Vi phạm đất đai là vấn đề tồn tại nhiều năm nhưng để giải quyết triệt để thì cần một hệ thống phòng ngừa chủ động, liên kết nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó tổ công tác liên ngành là lực lượng nòng cốt, công tác tuyên truyền, dân vận là “xương sống” tạo đồng thuận.
Giữ cho đất đai được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng quy hoạch, đúng pháp luật không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà còn là mục tiêu chung của toàn xã hội. Khi người dân hiểu và đồng hành, khi chính quyền sát dân, minh bạch và kịp thời, thì vi phạm sẽ không có “đất” để tồn tại.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm

Chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập

Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh về quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tình hình lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Kon Tum: Xử lý nghiêm các công trình vi phạm hành lang đường bộ

Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa

Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3

Đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo
