Bảo hiểm xã hội quy định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau
Chị Nguyễn Hải Vân (Thanh Oai, Hà Nội) có hỏi: Tôi đóng BHXH bắt buộc được 3 năm. Năm 2020, tôi mắc bệnh suy thận mãn tính, đã được cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau dài ngày. Xin hỏi, năm 2020, tôi đã nghỉ hết 180 ngày chế độ ốm đau thì theo Luật BHXH mới, chế độ này của tôi được giải quyết thế nào?
Do sơ suất, đơn vị tôi đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động hưởng từ tháng 2/2019 nhưng tháng 11/2020 đơn vị mới nộp hồ sơ thanh toán chế độ cho cơ quan BHXH. Vậy trường hợp này, đơn vị tôi có phải làm văn bản giải trình gửi cơ quan BHXH không?
Liên quan đến thắc mắc của chị Nguyễn Hải Vân, cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp như sau:
Về thời gian hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành được nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau như sau:
Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần; Hết thời hạn 180 ngày theo quy định mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH (Luật BHXH năm 2006 không giới hạn thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn sau khi hết thời hạn nghỉ 180 ngày theo quy định).
Thời gian hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được nghỉ tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, hàng tuần |
Điểm c, Khoản 2, Điều 28 Luật BHXH năm 2014 quy định, mức hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 15 năm hưởng tiếp chế độ ốm đau dài ngày sau khi hết thời hạn 180 ngày theo quy định bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Luật BHXH năm 2006 quy định mức hưởng đối với trường hợp này bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc).
Phải có văn bản giải trình khi chậm nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau
Điểm a, Khoản 1, Điều 93 Luật BHXH năm 2006 quy định, hàng tháng người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; Trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức BHXH.
Việc người lao động tại đơn vị bà Vân có đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản nhưng đơn vị lại không kịp thời chi trả cho người lao động và quyết toán hằng quý với cơ quan BHXH là vi phạm các quy định về BHXH và phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đến tháng 11/2020 đơn vị của bà mới nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động thì phải làm văn bản nêu rõ lý do nộp chậm hồ sơ đề nghị cho cơ quan BHXH giải quyết chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động.