Bảo hiểm y tế hộ gia đình chia sẻ gánh nặng khi ốm đau
Nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT hộ gia đình
BHYT là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia và thụ hưởng những lợi ích thiết thực của BHYT, bảo đảm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và an sinh xã hội.
Đại diện lãnh đạo BHXH TP Hà Nội tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai |
Theo quy định, mức đóng BHYT hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành. Từ ngày 1/7/2024, khi mức lương cơ sở tăng thì mức đóng BHYT hộ gia đình cũng tăng nhưng không nhiều.
Đặc biệt, người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình còn hưởng nhiều quyền lợi. Về mức đóng, trong gia đình càng có nhiều người tham gia, thì số tiền đóng càng giảm.
Cụ thể, người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở là 1.263.600 đồng (tăng 291,6 nghìn đồng so với trước); người thứ 2 đóng 70% mức đóng của người thứ nhất là 884.520 đồng (tăng 204,1 nghìn đồng); người thứ 3 đóng 60% mức đóng của người thứ nhất là 758.160 đồng (tăng 174,9 nghìn đồng); người thứ 4 đóng 50% mức đóng của người thứ nhất là 631.800 đồng (tăng 145,8 nghìn đồng). Người thứ 5 trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất là 505.440 đồng.
Đối với các hộ gia đình thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, phần còn lại phải đóng được tính căn cứ vào mức đóng của người thứ nhất trong bảng trên.
Ví dụ, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT. Do đó, người thuộc hộ cận nghèo đóng bằng 30% mức bình thường, mức đóng một năm là 291.600 đồng.
Ngoài ra, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được hưởng các quyền lợi như: Được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi theo hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu, được đổi nơi đăng ký ban đầu vào mỗi quý.
Khi sử dụng thẻ BHYT hộ gia đình để khám, chữa bệnh, người dân được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định, theo Luật BHYT; được cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các cơ quan có liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT.
Có thể thấy rằng, việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng nâng cao
Để người dân được chăm sóc sức khỏe cũng như thụ hưởng chính sách hiệu quả, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian qua, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mở rộng số người tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia đình nói riêng.
Trong đó, các đơn vị phối hợp với các hệ thống đại lý thu trên địa bàn tổ chức tư vấn tại hộ gia đình; đẩy mạnh hình thức tuyên truyền theo nhóm tại cơ sở theo quy mô, thời gian phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương; tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội.
Ngoài ra, BHXH TP cũng tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường đăng tải, phát sóng các tin, bài, chuyên mục về chính sách BHYT hộ gia đình; mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho nhân viên đại lý thu để nâng cao chất lượng tuyên truyền tại cơ sở...
Đồng chí Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội |
Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa nhấn mạnh: Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho nhân viên thu xuất phát từ yêu cầu mở rộng mạng lưới nhân viên thu BHXH, BHYT; qua đó, trang bị kiến thức cơ bản cho học viên về chính sách BHXH, BHYT, củng cố kiến thức, chất lượng hoạt động của nhân viên thu trong việc thực hiện thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phát huy hiệu quả trong hoạt động của mạng lưới nhân viên thu, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, BHXH TP phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện để người tham gia khi đi khám chữa bệnh BHYT được thụ hưởng chính sách tốt nhất.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho các cơ sở tham gia khám chữa bệnh BHYT từng bước được quan tâm, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh BHYT phát triển mạnh mẽ; qua đó, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là y tế kỹ thuật cao.
Năm 2023, BHXH thành phố Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 190 cơ sở khám chữa bệnh (với 614 điểm khám chữa bệnh, kết nối liên thông dữ liệu) để thực hiện công tác khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Trong đó có 77 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, 113 cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/ngành quản lý; phân loại theo loại hình: có 144 công lập, 45 ngoài công lập; phân loại theo tuyến chuyên môn kỹ thuật: 25 tuyến Trung ương, 47 tuyến tỉnh, 99 tuyến huyện (bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn), 19 cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, trường học. Đối với y tế cơ sở, có 478/574 trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân Thủ đô tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Nếu như các năm 1995, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 13,9% và 77,23% dân số, thì đến hết năm 2023 và ước hết tháng 6/2024 lần lượt độ bao phủ BHYT đạt 94% và 94,33% dân số.