Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận 200 phim âm bản của Đỗ Kết
Một tấm ảnh về Đông Nam Bộ trong di sản của phóng viên chiến trường Đỗ Kết
Bài liên quan
Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Du khách phải đeo khẩu trang trước khi vào bảo tàng, di tích
Thưởng thức áo dài và hoa trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý
Khai mạc sự kiện "Xuân Canh Tý: Áo dài và Hoa"
Phóng viên chiến trường Đỗ Kết sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt và được điều động vào chiến trường B.
Do yêu cầu cấp bách của chiến trường về công tác chính trị, ông được chọn để đào tạo làm phóng viên ảnh chiến trường và được biên chế về Cục chính trị quân giải phóng miền Nam B2, tác nghiệp tại các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Tháng 1/1975 trên chuyến xe công tác Bình Long cùng đội chiếu bóng di động, trong đêm tối, chiếc xe đã va phải mìn chống tăng, cả đoàn đều hy sinh, chỉ còn duy nhất ông - phóng viên ảnh Đỗ Kết còn sống. Bộ đội ta đã tìm thấy ông nằm cách chiếc xe vài chục mét, ông bị thương nặng và phải chuyển về tuyến sau điều trị. Cũng vì thế mà ông đã bỏ lỡ sự kiện lớn của dân tộc ta chỉ sau đó 3 tháng, ngày giải phóng miền Nam, cắm cờ trên dinh Độc Lập.
Sau giải phóng miền Nam, ông tiếp tục công tác tại Bộ tư lệnh Quân khu 7 đến cuối những năm 1980 ông về hưu và đưa cả gia đình về quê sinh sống cho đến khi mất (năm 2009).
Trong đợt kỷ niệm 45 năm Ngày Thống nhất đất nước 30/4, lần đầu tiên những thước phim âm bản ghi lại khoảnh khắc cuộc sống, chiến đấu về phụ nữ Đông Nam Bộ của ông được kể với công chúng. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp cận khối tư liệu này qua anh Nguyễn Gia Minh - người thân của ông đang được ủy quyền lưu giữ phần di sản này.
Anh Nguyễn Gia Minh và gia đình đã quyết định tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 200 phim âm bản của phóng viên Đỗ Kết ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống, chiến đấu, học tập của phụ nữ và nhân dân vùng Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.
Chị Kim Ngân đại diện gia đình phóng viên Đỗ Kết trao tặng di sản của ông cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam |
Chia sẻ trong buổi trao tặng, chị Kim Ngân - đại diện gia đình phóng viên ảnh Đỗ Kết nói, gia đình chị mong muốn những bức ảnh này đến được với công chúng, góp phần tri ân những con người đã cống hiến cho đất nước trong những tháng ngày đấu tranh cho độc lập, tự do của tổ quốc và tri ân phóng viên Đỗ Kết.
Cũng trong ngày đánh dấu sự mở cửa đón khách trở lại sau dịch Covid-19 của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sự kiện triển lãm, đấu giá tranh từ thiện gây quỹ "Vẽ lên cổ tích 2020" cũng được tổ chức tại đây.
Mười năm về trước, khi bác sĩ Roberto De Castro nhận lời phẫu thuật cho Thiện Nhân, một bệnh nhân nhỏ từ Việt Nam, ông không biết một tương lai kỳ lạ đang chờ đón. Trong suốt một thập niên sau đó, từ bệnh nhân nổi tiếng này, Roberto - nhà giải phẫu tiết niệu hàng đầu thế giới - đã thăm khám và phẫu thuật cho hàng nghìn trẻ có khiếm khuyết cơ quan sinh dục.
Câu chuyện của Thiện Nhân, chú bé bị bỏ rơi cùng nhiều tổn thương cơ thể, đã trở thành chương đầu tiên của một hành trình cổ tích. Từ năm 2011, hàng nghìn trẻ em thiếu may mắn tại Việt Nam đã được khám và tái tạo cơ quan sinh dục bởi những chuyên gia hàng đầu thế giới được sự dẫn dắt của bậc thầy Roberto De Castro.
Khán giả xem triển lãm "Vẽ lên cổ tích 2020" |
Câu chuyện không chỉ được viết lên bởi nghị lực của Thiện Nhân, mẹ Mai Anh hay tấm lòng của các bác sĩ. Những điều kỳ diệu trong hành trình của quỹ “Thiện Nhân và các bạn” được tạo ra bởi sự chung sức của hàng nghìn con người từ khắp mọi miền.
“Cổ tích” trong hành trình Thiện Nhân mang một nét nghĩa khác truyền thống. Điều tốt đẹp được lan tỏa, biến thành ước mơ của cả một cộng đồng và tạo thành sức mạnh thay đổi số phận của hàng nghìn con người trong đời thật.
NXB Kim Đồng đã trở thành người đồng hành cùng câu chuyện của “Thiện Nhân và các bạn” từ nhiều năm qua. Chương trình thường niên “Vẽ lên cổ tích” mang một thông điệp đơn giản: Chuyện cổ tích tồn tại ngay trong cuộc sống thường ngày, và các bạn thiếu nhi có thể cùng tạo nên điều đó. Đây là tinh thần đã thấm đẫm các ấn phẩm của NXB Kim Đồng qua nhiều thế hệ độc giả.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng chia sẻ: “Là người bạn thân thiết của các em thiếu nhi, NXB Kim Đồng luôn chăm lo và nuôi dưỡng tinh thần cho các em qua những trang sách. Giờ lại được được chung tay, góp một phần nhỏ với chương trình Thiện Nhân để chăm sóc sức khoẻ thể chất cho các em, chúng tôi rất hạnh phúc!”.
Số tiền thu được từ đấu giá tại triển lãm sẽ được chuyển cho chương trình “Thiện Nhân và các bạn” nhằm phẫu thuật cho trẻ em khiếm khuyết cơ quan sinh dục - trực tiếp đưa những ước mơ trong tranh vào câu chuyện cổ tích đời thật.
Một điều đặc biệt hơn trong chương trình “Vẽ lên cổ tích” lần thứ 5 là có hơn 50 bạn nhỏ có khả năng vẽ tranh và yêu hội hoạ thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã tham gia góp sức.
Làng trẻ em SOS Việt Nam là nơi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và có hoàn cảnh khó khăn. Sự tham gia của các em đến từ SOS Việt Nam vừa tạo thêm sân chơi nhân dịp Tết Thiếu nhi năm 2020 cho các em, vừa mang ý nghĩa, ai cũng có thể giúp thay đổi số phận của những người khác trở nên tốt đẹp hơn.
Bà Lê Minh Giang, Giám đốc Quốc gia Làng Trẻ em SOS Việt Nam chia sẻ: “Điều đặc biệt là chính các em nhỏ đang được giúp đỡ tại Làng trẻ SOS có cơ hội được tham gia giúp các bạn nhỏ kém may mắn khác trong cộng đồng. Các em sẽ cảm nhận được ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại, ý nghĩa của việc mang lại hạnh phúc cho người khác, và đặc biệt là trân quý hơn những gì các em đang có".
Trong chương trình, các họa sĩ nhí sẽ thể hiện tài năng với chủ đề “cổ tích” rộng lớn. Những tác phẩm xuất sắc sẽ được lựa chọn và đấu giá để gây quỹ cho việc tái tạo cơ quan sinh dục của nhiều bạn nhỏ kém may mắn. Đó là cách các em không chỉ vẽ lên cổ tích trong trí tưởng tượng, trên trang giấy, mà còn thực sự tham gia vào việc tạo nên điều phi thường ngoài cuộc sống.