Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận nhiều hiện vật quý với chủ đề "Ký ức và di sản"
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận 200 phim âm bản của Đỗ Kết |
Hoạt động này nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài".
Chuỗi sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2020 gồm nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sôi nổi khắp cả nước đã góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội của người Việt Nam.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận hình ảnh, tài liệu hiện vật của 23 cá nhân gồm nhà hoạt động ngoại giao, phóng viên ảnh, nữ bác sỹ và các nhà thiết kế thời trang áo dài...
Đại sứ Nguyễn Phương Nga trao tặng những chiếc áo dài của mình cho Bảo tàng phụ nữ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Đó là 2 chiếc áo dài của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Áo dài được bà mặc trong Lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014.
Đó là 20 bộ áo dài của 20 nhà thiết kế trong bộ sưu tập hơn 1000 áo dài đã được giới thiệu tại buổi trình diễn "Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28/6/2020.
Với các đường nét, họa tiết, màu sắc sinh động và ấn tượng, các Di sản nổi tiếng của Việt Nam đã được UNESCO công nhận như: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng; Phố cổ Hội An; Nhã nhạc cung đình Huế; Tín ngưỡng thờ Mẫu; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... được tái hiện sống động và đầy tinh tế trên các tác phẩm của nhà thiết kế đến từ mọi miền Tổ quốc.
Bộ sưu tập áo dài "Nhã nhạc cung đình Huế" của Ngọc Hân |
Các tác phẩm đã góp phần lan tỏa lòng tự hào, tình yêu với tà áo dài Việt Nam, tôn vinh lên vóc dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ , góp phần mang tới một sức sống mới cho di sản văn hóa Việt Nam.
NTK Minh Hạnh chia sẻ: "Chúng tôi đang viết tiếp những trang sử về con đường tơ lụa Việt Nam thông qua chiếc áo dài. Những đóng góp của các nhà thiết kế cho chiến dịch áo dài ngày hôm nay chính là định danh, định vị cho áo dài bằng cơ sở khoa học chứ không phải bằng cảm tính, bằng tình yêu nồng nhiệt vốn có của chúng ta mà quên mất danh vị của áo dài".
Nghệ nhân ưu tú Lan Hương cho biết: "Gắn bó với áo dài truyền thống Việt Nam, tôi không chỉ dành cho tà áo dài tình yêu, mà luôn có sự tự hào về trang phục truyền thống này. Áo dài đối với tôi không đơn giản là trang phục mà nó là biểu tượng của bản sắc Việt, tinh thần Việt, văn hóa Việt...".
NTK Ngọc Hân tâm sự: "Từ đầu năm 2019, Hân có dịp tìm hiểu sâu về Nhã nhạc cung đình Huế, một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận. Hân mong muốn đưa những bức tranh của họa sĩ nổi tiếng người Huế này lên tà áo dài để giới thiệu nét đẹp văn hóa đến với bạn bè quốc tế.
BST áo dài “Nhã nhạc cung đình Huế” khai thác các chất liệu truyền thống như voan, lụa, gấm. Ngoài ra, kỹ thuật in chuyển nhiệt được Hân sử dụng, giúp các nét vẽ của họa sĩ Phạm Trinh trở nên sống động hơn trên nền vải. Tất cả đã khắc họa một cách rõ nét những chuẩn mực văn hóa, phong cách sống cùng những giá trị nhân văn đậm chất cung đình Huế".
NTK Cao Minh Tiến cũng bày tỏ: "Tôi muốn mang đến một cái nhìn mới cho Áo dài bằng quan điểm của những người trẻ sống trong thời đại 4.0. Bài chòi là một di sản độc đáo và thông qua chiếc áo dài với phong cách trẻ trung phóng khoáng mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành trao tặng gần 400 bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Bên cạnh đó là 358 bức ảnh của nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam qua các chủ đề: Phụ nữ (ảnh thể hiện vẻ đẹp trong lao động và cuộc sống của phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước); Văn hóa, tâm linh (ảnh làng nghề; Ảnh ngày Lễ, tết truyền thống; Về công trình kiến trúc và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng); Địa danh, phong cảnh đẹp của đất nước...
Từng là phóng viên tại chiến trường, nghệ sĩ Đinh Quang Thành nổi tiếng với nhiều bức ảnh đề tài chiến tranh, về sự khốc liệt của cuộc chiến và không khí hân hoan của các tầng lớp Nhân dân, phụ nữ trong ngày Sài Gòn được giải phóng. Những bức ảnh lịch sử quý giá đó đã được ông trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mặc dù nay tuổi đã cao, nhưng người nghệ sĩ già vẫn miệt mài sáng tác để ghi lại những bức hình về người phụ nữ trong thời bình, về cuộc sống đời thường của họ, vẻ đẹp quê hương đất nước Việt Nam... Ông tiếp tục quyết định trao lại những những bức ảnh đương đại của mình để Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ.
Một tác phẩm trưng bày trong lễ tiếp nhận hiện vật tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam |
Ông cho biết: "Tôi có một tình cảm đặc biệt đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nó hơn cả mức yêu quý nên đã thôi thúc tôi tìm đến Bảo tàng. Vì vậy mặc dù đã tặng hàng trăm bức hình quý giá ghi lại chiến thắng của cả dân tộc về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho bảo tàng, tôi vẫn tiếp tục muốn gửi gắm tài sản còn lại của mình vào nơi đây. Tôi tin rằng, với cách làm việc chuyên nghiệp, với uy tín của mình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ trân trọng, lưu giữ và phát huy được giá trị của những bức hình đó".
Đó còn là 3 cuốn nhật ký của PGS.TS Nguyễn Thị Phượng, nguyên Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội. Ba cuốn nhật ký từ năm 1960 - 1976 viết về cuộc sống thời là học sinh phổ thông, khi là sinh viên và thời gian công tác tại bệnh viện đại học Y Hà Nội. Bà giữ những cuốn nhật ký này đến nay để luôn nhớ về những kỷ niệm, lý tưởng sống của một thời tuổi trẻ.
Những tài liệu hình ảnh, hiện vật mà các tác giả trao tặng cho Bảo tàng giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá về văn hóa, di sản gắn với người phụ nữ Việt Nam, góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản Việt Nam trong mỗi người dân Việt Nam.